1) Những câu chuyện có thật quanh tôi về “Đại học hay học đại?”
“Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” là câu nói mà tôi tin chắc không ít các bạn thế hệ 9x như tôi không còn lấy gì làm xa lạ. Vậy còn tới bây giờ, Gen Z, các em còn bị ảnh hưởng của những quan niệm đám đông khi đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời không?
Tôi tin là có. Bởi, vẫn còn rất nhiều em học sinh cuối cấp không thực sự hiểu mình muốn gì, có năng lực tốt ở đâu, và cũng không có ai định hướng (hoặc định hướng sai lệch) cho các em để chọn được một ngành học phù hợp với tiềm năng.
[Bài viết này của tôi nhằm mục đích chia sẻ một số câu chuyện, góc nhìn, và những thông tin về định hướng nghề nghiệp mà tôi tổng hợp được. Tôi mong các anh/chị/bạn đọc nào có góc nhìn, kiến thức, kinh nghiệm, nguồn tài liệu nào có ích về định hướng nghề nghiệp cũng có thể chia sẻ dưới phần bình luận để bài viết được thêm toàn diện.]
Ngày xưa, khi chọn đăng ký thi Đại học, tại sao cậu chọn ngành ấy?
Vì thấy thích; Vì bố mẹ bảo thế; Vì mọi người bảo ngành đấy “hot”, kiếm ra nhiều tiền; Vì muốn thử vì thấy nghe rất là “cool”! Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè của tôi nhiều năm trước cũng hay dùng những công thức rất chung chung của xã hội để chọn hướng đi cho mình: Học tốt các môn tự nhiên = thi khối A = làm ngành kỹ thuật và chọn trường top để nộp Khối D + tốt Tiếng Anh = làm khối ngành kinh tế Thích Văn + Khối C và D = lựa chọn sư phạm cho an toàn và ổn định Học tốt Toán = công nghệ thông tin (IT - Information Technology) hoặc khoa học máy tính (Computer Science) vì nghe “toán quá”, và nó là ngành rất hot và làm ra lắm tiền.
Và danh sách cứ thế dài ra mãi. Nhưng ít ai sẽ nói được rằng mình chọn một ngành học cụ thể là vì đã tìm hiểu cụ thể ngành đó thực ra học những gì? Hoặc hình dung về việc sau này học xong ra trường và đi làm thì một ngày làm việc của mình sẽ như thế nào? Mình sẽ cần biết những kiến thức và loại kỹ năng gì? Và mình sẽ phải làm thật tốt những điều gì? Mình sẽ tạo ra giá trị gì cho bản thân và cho xã hội, ngoài tiền bạc?
Tôi còn nhớ khi tôi bắt đầu khóa học thạc sĩ của mình, trong những buổi gặp mặt của tôi và giáo sư, bà luôn hỏi tôi: “sau khi tốt nghiệp Nguyệt Anh muốn làm công việc như thế nào?” Khi đó dù đã có nhiều hướng suy nghĩ trong đầu, nhưng tôi thực sự vẫn rất bối rối và lúng túng mỗi lần phải suy nghĩ ráo riết về cái nghiệp lâu dài mà tôi sẽ dành cả đời để đi.
Thời ấy, tôi tham gia career event tại trường, kết nối và hẹn gặp với một số cựu sinh viên trong khoa đã có kinh nghiệm làm việc cả ở ngoài trường học. Có ba câu hỏi đơn giản mà giáo sư gợi ý cho tôi hỏi họ: - Tại sao anh/chị lại quyết định chọn con đường anh/chị đang đi? - Anh chị có thể mô tả một ngày làm việc bình thường của mình không? (How do you describe your typical day at work?) - Công việc của anh/chị sử dụng những loại kỹ năng và kiến thức gì nhiều nhất? Sau buổi gặp, tôi sẽ quay lại hỏi chính mình: Nếu mình phải làm công việc giống như thế suốt phần đời còn lại thì mình thấy như thế nào? Câu trả lời cho câu hỏi ấy (dựa trên những thông tin khách quan đã thu thập được) cho tôi cái nhìn thực tế hơn về năng lực, mong muốn, và độ phù hợp của bản thân mình với một lựa chọn ngành nghề nhất định.
2) Đam mê là cái “myth” của xã hội hiện đại - thực ra đam mê có tồn tại không?
Một số em tìm đến tôi và nói rằng “em thực sự rất thích theo kinh tế” hoặc “ước mơ lớn nhất đời em là được du học”. Câu hỏi tôi đưa lại cho các em thường sẽ là “tại sao em thích ngành đó?” và “em có biết cụ thể em muốn đi du học để làm gì chưa?”
Chúng ta hay nói rất nhiều về đam mê, thậm chí thần thánh hóa khái niệm này, và coi đó là đích đến cố định của cuộc đời. Nhiều người coi đam mê đơn giản là thích cái gì thì làm cái đó. Hoặc nhiều người cho rằng đam mê là thứ giúp ta kiếm ra thật nhiều tiền.
Bản thân tôi, một thời cũng từng có niềm tin bất diệt vào sứ mệnh và đam mê duy nhất của mình là học Văn. Nhưng chính sự thiếu định hướng và kế hoạch dự phòng ở thời điểm phải đưa ra lựa chọn ngành nghề đã khiến tôi phải trả giá và tốn rất nhiều thời gian sau đó để tự định hướng lại.
Ở thời điểm đó không ai nói cho tôi biết rằng “làm ơn bỏ đi giấc mộng tìm được đúng công việc yêu thích ngay từ lần đầu tiên. Bởi nó viển vông không thua gì kiểu yêu từ cái nhìn đầu tiên đâu. Thay vào đó, nên dám trải nghiệm và có cho mình những lựa chọn thực tế và cả những phương án dự phòng”.
Bởi, cuối cùng, và quan trọng nhất, là cần tự định ra sự thành công của bản thân. Nếu cứ đi theo định hướng xã hội thì mãi sẽ bứt rứt trăn trở.
3) Định hướng tốt sẽ giảm thểu rủi ro, tiết kiệm thời gian, công sức, và tiền bạc.
Quan điểm cứ học đại đi để lấy tấm bằng rồi đằng nào ra đời chẳng học lại là một quan điểm rất lệch lạc. Việc chọn đại một ngành, một trường để theo học và không suy nghĩ kỹ về định hướng tương lai sẽ lấy đi của bạn nhiều công sức, thời gian, và tiền bạc hơn bạn tưởng tượng rất rất nhiều.
Một trong những người bạn thân của tôi đã mất gần 4 năm thanh xuân (và rất nhiều tiền) để đi lại được con đường mình thực sự muốn và có năng lực chỉ vì ngay từ đầu anh không được theo học ngành mình thực sự có năng lực, thay vào đó phải theo định hướng của bố mẹ.
Bản thân tôi phải mất rất lâu mới có thể gắng gượng đứng dậy được và đi một con đường mới vì thiếu hiểu biết về việc lên kế hoạch dự phòng và những lựa chọn đa dạng về ngành nghề dựa trên độ phù hợp giữa năng lực bản thân và nhu cầu thực tế của xã hội.
4) Vậy, nếu không biết mình thích gì thì bắt đầu từ đâu? “Figure out what’s important to you, that’s the kind of life you want to build.” - Dr. Paulette Brown-Hinds
Tôi chỉ có thể trích dẫn một câu đơn giản như trên để tóm tắt cho câu trả lời của mình. Hãy quay về với điều gì là quan trọng nhất với bạn, và bắt đầu từ đó. Xác định mục tiêu là điểm giao của: 1) điều mình muốn; 2) khả năng của mình; và 3) nhu cầu xã hội (kiếm được tiền và có ích cho xã hội). Đừng trả lời chung chung, hãy có cho mình một câu trả lời thực tế và chi tiết. Sau đó, đưa ra cho bản thân một danh sách những lựa chọn kèm theo điểm lợi/hại của từng lựa chọn. Đặc biệt, phải luôn luôn có kế hoạch dự phòng cho mình.
Hãy cho phép mình thử - làm lại trong suốt hành trình. Đặc biệt chú trọng rèn luyện khả năng thích ứng với tình huống và tận dụng ‘transerable skills’ (những kỹ năng và kiến thức có thể chuyển đổi được) trong suốt quá trình trải nghiệm và học tập của bản thân mình dù có đang là học sinh, sinh viên, hay đã tốt nghiệp đi làm.
KẾT: Công cuộc tìm ra định hướng phù hợp cho bản thân là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi thời gian, công sức, và rất nhiều lần “dám thử, thất bại, và thử lại”. Vì vậy, tôi mong các bậc phụ huynh và các em hãy luôn luôn trong tâm thế mở và không ngừng tìm kiếm, chọn lọc thông tin một cách sáng suốt nhất để tìm ra “công thức không chọn đại” cho bản thân mình (hoặc giúp định hướng cho con em mình) trong những ngày tháng tiếp theo.
---- Ảnh: Cô gái lùn tịt bé nhỏ trong bộ lễ phục kia là tôi sau hai năm mài mông trong phòng nghiên cứu ở UBC. Không ít lần đã hoang mang liệu rằng lựa chọn của mình có phải là đúng? Hóa ra chẳng có gì là đúng sai tuyệt đối cả. Vấn đề cốt lõi vẫn cứ là cách mình định nghĩa thành công ra sao mà thôi ^^
Comentarios