top of page

Đừng chỉ đi xa để 'vi vu', hãy hình dung về con đường mình đi (phần 3)

Phần 3: Tôi cần làm gì?


Lập kế hoạch cho một mục tiêu nào đó bao giờ cũng là giai đoạn vừa dễ lại vừa khó. Nói dễ là vì đây là giai đoạn bạn vạch mọi thứ ra “trên giấy” chứ chưa phải thực sự bắt tay vào làm một việc gì cả. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nó là một giai đoạn khó bởi ranh giới giữa một kế hoạch thực tế (mang tính khả thi cao) và một kế hoạch viển vông là rất mong manh.


Bản thân tôi là một người nghiện lên kế hoạch cho hầu hết tất cả mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, từ chuyện nhỏ nhặt nhất như đi shopping tôi cũng lên kế hoạch, cái gì cũng có lịch trình vạch sẵn ra trong đầu thì mới có thể an tâm được. Đôi lúc tôi bị bạn bè kêu là “cứng nhắc” cũng một phần bởi đặc điểm tính cách cầu toàn này.


Tôi nhớ có một lần cũng vì tính “muốn tất cả đều được lên kế hoạch hoàn hảo” này mà tôi sống trong bất an. Trong 5 tuần tham gia chương trình lãnh đạo trẻ ở Mỹ, có một tuần tôi và các bạn trong nhóm phải chạy một training. Nếu như các nhóm khác chạy training ở một địa điểm nhất định, thì nhóm tôi lại rơi đúng vào thời điểm mà lịch trình cuả cả đoàn sẽ là chạy training “on the move”—tức là training dài một tuần, thì vài ngày đầu chúng tôi chạy training trong lớp học ở Hawaii, sau đó đến giữa tuần sẽ lên đường di chuyển đến California, và tiếp tục training và đi thực địa ở đó. Mặc dù đã có lịch trình, nhưng vì chính chúng tôi cũng không thể kiểm soát được hết những thay đổi, hoặc bất trắc ở nơi chúng tôi sẽ đến, nên bản kế hoạch của tôi lúc đó kín mít những phương án dự bị đầy "bất trắc".


Tôi còn nhớ như in khi ở sân bay Hawaii đợi đến giờ lên máy bay đi California, tôi vẫn trầm ngâm trong bất an vì không biết mọi thứ có diễn ra đúng như chúng tôi dự tính không. Thấy rõ điều đó, mentor của tôi đã hỏi tôi: “Moon, are you okay?”

- “No, not really. I mean, normally I always have a perfect plan for pretty everything I do. But this time, I cannot control my plan as we’re going to do the training on the move!”

- “Plan is just plan, Moon. You cannot plan for things that you don’t know. In this case, you never know what’s gonna happen. So just embrace changes!”

Mentor của tôi đã nói với tôi như vậy, và vỗ vai tôi một cái chắc nịch và bảo “I believe you guys can handle this”.


Sau cuộc nói chuyện đó, góc nhìn của tôi về việc lên một kế hoạch đã đổi khác đi rất nhiều, nhất là sau khi chúng tôi chạy training xong. Nhóm tôi đã dẫn dắt thành công những chuyến đi thực tế của cả đoàn ở Alamedia County Food Bank, San Francisco Farmers Market, tham gia một Hackathon event, một cuộc thảo luận cùng mentors ở UC Berkeley, Và tổ chức thành công Demo Day tại Tuml Urban Accelerator—là cái nôi nuôi dưỡng nhiều ý tưởng startup ở California. Tất cả những điều mà nhóm chúng tôi thực hiện cho training năm đó trong suốt hành trình từ Hawaii đến California, vừa yêu cầu một kế hoạch chi tiết nhưng cũng yêu cầu một tâm thế sẵn sàng để thích nghi với những thay đổi mà chúng tôi có thể không ngờ tới, những điều không hề tồn tại trong kế hoạch.


Vì vậy, tôi hiểu ra rằng: kế hoạch bao giờ cũng sẽ chỉ là kế hoạch, sẽ cực kì hiếm có một kế hoạch nào được thực hiện đúng chuẩn 100% như đã định. Nhưng việc lên kế hoạch vẫn là một điều cực kỳ cần thiết mỗi khi chúng ta làm một việc gì đó. Nhìn nhận được rằng, kế hoạch sẽ có thể không diễn ra như đã định là điều tất yếu. Nhưng biết linh hoạt và chuyển hóa những điều chúng ta đã vạch ra để thích nghi với hoàn cảnh mà hiện tại đặt chúng ta vào sẽ quyết định kết quả mà chúng ta có được sau đó.

Ảnh: Cohort của tôi tại UC Berkeley sau khi thảo luận với nhóm mentor và tham gia một hoạt động tình nguyện nhỏ giao lưu với sinh viên trường.


Ở phần đầu tiên của chuỗi bài viết này, tôi đã từng viết: “Nếu cuộc sống của chúng ta là một dự án khổng lồ, thì mỗi sự kiện xảy ra có thể được coi là những dự án nhỏ”. Mục đích chính tôi hướng đến là chia sẻ với các bạn cách mà tôi đã dùng để xác định mục tiêu và cơ hội phù hợp với bản thân mình (phần 1), sau đó đi sâu hơn vào phân tích mức độ khả thi của một cơ hội dựa trên việc hiểu “tôi có gì? Và họ tìm kiếm điều gì?” (phần 2). Phần 3, cũng là phần cuối của chuỗi bài viết này, là lúc chúng ta “connect the dots”—xâu chuỗi các điểm mấu chốt xuyên suốt từ phần 1 và phần 2 để từ đó biết được làm như thế nào để chuẩn bị tốt nhất cho những “dự án” của riêng ta.

Hình bên dưới tóm tắt toàn bộ những điều tôi đã chia sẻ xuyên suốt chuỗi bài viết:

Phần 3 (???)—tổng kết phía dưới

Thường thường khi bắt tay lên kế hoạch cho một mục tiêu, tôi sẽ bám sát những điểm chính sau:


a. Bao nhiêu bước cho mỗi giai đoạn?

Việc đầu tiên là chia nhỏ quá trình thành các giai đoạn chính. Từ các giai đoạn chính sẽ chia nhỏ hơn ra thành các bước. Trong chuỗi bài này, tôi bám vào 3 giai đoạn chính cực kỳ cơ bản:


Giai đoạn 1: trước cơ hội: Đây là giai đoạn bạn chuẩn bị bản thân để đáp ứng đủ (hoặc một cách xuất sắc) yêu cầu của cơ hội (học bổng, vị trí việc làm, cơ hội thực tập) yêu cầu. Để xác định được những lỗ hổng cần lấp đầy, chúng ta có thể dựa vào “gaps” giữa 1B và 2B—tức là mình còn thiếu những gì? (Phần 2 tôi đã phân tích rất kỹ càng một số ví dụ, các bạn đọc tại đây)


Giai đoạn 2: trong cơ hội: Dựa vào 1.A.b và 2A.b, tức mục đích của mình muốn đạt được (học hỏi và trải nghiệm) những gì trong khi tham gia cơ hội đó và tìm hiểu trước thật kỹ càng nhất có thể về những điều mà cơ hội sẽ cung cấp cho mình. Ví dụ: nếu bạn đi học ở một trường nào đó thì ít nhất bạn nên tìm hiểu trước xem những lợi ích dành cho sinh viên trong trường là gì? Có những hỗ trợ gì miễn phí mà bạn có thể tham gia, tận dụng trong khoảng thời gian bạn ở trường?


Có rất nhiều trường hợp các bạn đã học gần xong chương trình học, hoặc thời gian của khóa trao đổi/ thực tập ngắn hạn đã sắp hết rồi mới nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội để tham gia cơ hội A, B, C để có được kinh nghiệm X, Y, Z. Điều này chính là nguyên do của tất cả những “giá như” mà chính bản thân tôi khi xưa cũng không ít lần trải qua và thở dài tiếc nuối.


Nhiều bạn nói rằng hãy cứ sống cho hiện tại, hoặc là đến đó rồi hẵn hay. Quan điểm này có thể rất đúng và rất hiệu quả cho một chuyến đi chơi và khám phá ngẫu hứng. Nó đúng với một phần rất nhỏ trong cuộc sống của chúng ta. Phần rất nhỏ ấy là phần thú vị và không thể thiếu nếu muốn làm cuộc sống trở nên đỡ nhàm chán. Nhưng đối với những cơ hội học hành, thực tập, đặc biệt là các chuyến đi trao đổi ngắn hạn vài tháng thì một sự chuẩn bị và hiểu biết kỹ càng sẽ là điểm khác biệt rất lớn mà bạn có thể tạo ra. Ví dụ đơn giản nhất là việc xác định rõ về việc cần tạo lập và duy trì “network”—mối quan hệ với những người bạn sẽ gặp và tương tác trong suốt thời gian trải nghiệm của bạn. Bạn muốn tương tác và tạo ấn tượng với một giáo sư? Muốn tìm kiếm cơ hội xin học bổng/cơ hội nghề nghiệp trong tương lai? Muốn hợp tác cùng lên ý tưởng cho một dự án sau chương trình với bạn học cùng khóa trao đổi?


Tất cả những điều đó đều có thể trở thành hiện thực nếu bạn biết tận dụng thời gian trong suốt khóa trao đổi/thực tập/đi học của mình. Đặc biệt, bí quyết của việc học được tối đa từ những gì bạn trải nghiệm là: quan sát, quan sát, và quan sát. Chịu khó quan sát mọi thứ xảy ra xung quanh để rút ra bài học cho riêng mình là điều cực kỳ khó nhưng lại là chìa khóa của sự tiến bộ.


Giai đoạn 3: sau cơ hội: Giai đoạn này là giai đoạn mà cực kỳ ít người nghĩ đến. Đồng ý, nó là một thứ không thể biết trước 100%. Nhưng nó là điều cần thiết và yêu cầu sự chuẩn bị dài hơi nếu bạn có mục tiêu dài hạn sau khi học/thực tập/trao đổi xong. Có hai điều chính mà tôi rút ra được về giai đoạn chuyển tiếp từ “trong cơ hội” sang “sau cơ hội”:


Tiếp tục giữ kết nối và “reach out” khi cần thiết. Tức là từ những mối quan hệ bạn xây dựng được trong suốt khoảng thời gian “trong cơ hội”, hãy tiếp tục duy trì nó. Hãy hỏi và liên lạc với những người đó khi cần, đừng ngại ngần, bởi vì thế giới thật sự rất nhỏ. Bạn sẽ không thể biết được những người trong network mà bạn tạo dựng được, sẽ là cầu nối cho bạn với những ai và những cơ hội gì đâu.


b. Bao lâu cho từng bước?

Dựa vào gaps giữa 1B và 2B (đọc kỹ phần 2 để hiểu rõ hơn về phần 1B và 2B), cộng thêm “vùng thời gian đệm” cho tính lười và trì hoãn.


Phần thời gian “vùng đệm” cộng thêm này phụ thuộc cực kỳ lớn vào đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân. Từ mức độ lười và trì hoãn thực hiện một việc gì đó đến khả năng tài chính, khả năng tự học và tiếp thu điều mới ra sao, quỹ thời gian như thế nào? Mức độ quyết tâm thực hiện mục đích có cao hay không? Kế hoạch thực tế nhất là một kế hoạch đi sát với việc tự hiểu được tất cả đặc điểm của bản thân về những khía cạnh này (trình độ, giai đoạn nghề nghiệp, tài chính, và phong cách làm việc).


c. Thực hiện như thế nào?

Từ phần ab phía trên, mỗi người sẽ có được hình dung cụ thể về danh sách những điều mình cần thực hiện, về thời gian cho từng việc, thứ tự của mọi việc diễn ra như thế nào. Điều gì còn thiếu, còn yếu để khắc phục.


Không ai có thể nói rõ cho bạn biết được tất cả những chi tiết nhỏ về việc thực hiện nó như thế nào. Nhưng dựa trên cái bạn có, bạn sẽ xác định được hướng đi. Bản thân tôi chỉ có vài lời khuyên về việc thực hiện các bước trong kế hoạch như sau:

  1. Một khi đã thực hiện thì phải theo sát đến cùng, đừng làm rồi quay ra chán và bỏ dở rồi nghĩ rằng lúc khác làm tiếp. Mỗi lần mình bỏ dở, là một lần mình sẽ phải “reset” lại từ đầu. Kiên định với mục tiêu mình đặt ra là điều đầu tiên giúp bạn “chân cứng đá mềm” trong bất cứ hành trình nào.

  2. Luôn luôn tự nhắc nhở bản thân về “deadline” của từng bước, nếu sự kỷ luật của bản thân kém thì có thể nhờ người thân/bạn thân đốc thúc để tạo sự cam kết lớn hơn.

  3. Trước khi bỏ tiền ra sử dụng 77-49 loại dịch vụ trên đời thì hãy luôn nhớ rằng bạn có khả năng tìm được những nguồn tài liệu/giúp đỡ/ kinh nghiệm trên internet và sau đó điều chỉnh cho hợp với bản thân mình (miễn là bạn hiểu mình, còn nếu chưa hiểu mình thì vui lòng quay lại tìm hiểu rõ hơn về bản thân bạn trước).

[Hết]

---

Tiếp theo sẽ là những bài viết "review" cụ thể từ bước chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn, và trải nghiệm của 3 loại học bổng tôi đã tham gia: học bổng trao đổi của chính phủ Mỹ--YSEALI, học bổng thực tập sinh nghiên cứu (3 tháng cho sinh viên năm cuối), và học bổng thạc sĩ (research-based) ở Canada.

So, stay tuned guys :-)

554 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page