Phần 1: Cách xác định mục tiêu và cơ hội phù hợp với bản thân
Bước sang tháng 9 mới kịp nhận ra rằng mùa hè thực sự đã kết thúc. Hôm trước, ngồi ăn trưa cùng đồng nghiệp, nghe mọi người bảo tuần tới sẽ là tuần cuối cùng thời tiết như mùa hè trước khi trời chuyển Thu ở Vancouver. Cuối tháng 9 những cơn mưa sẽ bắt đầu kéo về đan xem với nắng, rồi sau đó lá cây sẽ chuyển vàng, chuyển đỏ dọc khắp những con đường của thành phố ven biển này.
Vậy là đã tròn 3 năm kể từ mùa thu năm 2017, mùa thu đầu tiên sau khi trở lại Canada theo đuổi giấc mơ đi tìm con chữ bên kia đại dương. Từ ngày viết blog, tôi được kể chuyện của mình, và cũng được nghe những câu chuyện của nhiều bạn, nhiều em—những người tôi chưa bao giờ gặp. Mới hôm qua, tôi được hỏi rằng “chị ơi, em rất muốn đi du học, em biết là đi du học là tốt nhưng lại không biết mình sẽ đi học cái gì? Rồi liệu nếu em không đi du học ngay sau khi ra trường thì có phải là muộn không?”
Tôi nhớ về chính bản thân mình trong chuyến bay đầu tiên năm tôi 20 tuổi, lúc đó tôi cũng nghĩ như vậy, cũng nghĩ là mình rất rất muốn đi xa, đi càng xa càng tốt. Lúc đó chỉ nghĩ đến việc được đi khám phá thế giới rộng lớn, đi xa là để thỏa mãn trí tò mò của bản thân về thế giới. Tôi cũng tin rằng, đi du học sẽ khiến tôi có hiểu biết tốt hơn về nhiều điều. Nhưng càng đi, tôi mới nhận ra rằng, bản chất của việc đi xa, trải nghiệm, và khám phá là để hiểu hơn về chính bản thân mình chứ không chỉ đơn thuần là thỏa mãn mong muốn “xê dịch”. Vậy thì làm thế nào để hình dung rõ hơn về con đường mình sẽ đi?
Lưu ý trước khi đọc: Bài viết gồm hai phần: (1) phần khái quát từng bước cơ bản để người đọc có thể áp dụng linh hoạt và (2) phần phân tích ví dụ tôi đã trải qua để so sánh và đối chiếu. Vui lòng đọc kỹ phần khái quát (1), sau đó đọc mục (2) với tâm thế nhận ra sự giống và khác với đặc điểm của riêng bạn, từ đó rút ra cách mà bạn sẽ sử dụng (hoặc không sử dụng) các bước khái quát ở phần đầu.
Trường hợp của tôi chỉ là một trường hợp đặc biệt, vì vậy chỉ dùng để “mổ xẻ” minh họa, để các bạn tiện đối chiếu, nó không mang tính đại diện cho một cộng đồng nào cả (not representative). Bạn nào không muốn đọc ví dụ ở mục ‘case study’, vì vậy, có thể bỏ qua, còn nếu ai thích nghe kể chuyện thì nhớ đọc hết nhé vì nó cũng hay mà *hihi*.
Nếu cuộc sống của chúng ta là một dự án khổng lồ, thì mỗi sự kiện xảy ra có thể được coi là những dự án nhỏ. Trừ những điều ‘bất khả kháng’ (sinh ra ở đâu, trong hoàn cảnh nào, v.v) thì phần lớn những “dự án” còn lại đều có phần đóng góp từ chính ta, và tất nhiên bao gồm cả điều mà thiên hạ ai cũng thích: “sự may mắn”.
Vậy làm như thế nào để trở nên bớt đen đi và để sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi nó đến? cho dù là bạn đang muốn sau này đi du học, đi trao đổi, chuyển sang một vị trí mơ ước, hay đơn giản chỉ là học thêm một lĩnh vực mới. Thì tôi tin, các bước khái quát sau đây sẽ giúp bạn có được một sơ đồ gọn gàng.
Điểm đáng chú ý:
Độ phù hợp có thể được xác định dựa trên mục đích dài hạn và bản chất của cơ hội;
Mục đích dài hạn không nên được đong đếm bằng những giá trị nằm ngoài bản thân bạn (ví dụ: danh tiếng của trường, độ danh giá của cơ hội, quan điểm của số đông);
Mục đích dài hạn cần có tính bền vững và phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn.
1) Khái quát:
Bước Một: 1A mục đích của tôi + 2A bản chất của cơ hội (hình bên dưới, sẽ được cập nhật thêm ở phần 2 và phần 3)
Mục đích lớn nhất: mục đích chính bao giờ cũng là kim chỉ nam mỗi khi tôi muốn bắt đầu làm điều gì đó. Tôi bắt đầu bằng cách tự hỏi và trả lời bản thân một cách trung thực hai câu hỏi: (1) “mục đích lớn nhất của mình lần này là gì?” và (2) “mục đích đó có nằm trong một trong những giá trị cốt lõi của mình không?”. Sau đó, chia nhỏ mục đích theo từng giai đoạn. Ở đây, tôi muốn dùng quy chiếu 2 giai đoạn để nói rõ hơn về cách xác định và lựa chọn cơ hội.
a) Trong cơ hội: cần hiểu được xem điều bạn muốn (1.A.a) và điều cơ hội đó thực chất có (1.B.b) có phù hợp với nhau không? Ví dụ: bạn muốn đi học/đi làm ở vị trí đó trong khoảng thời gian nhất định là 2 – 5 năm, thì bạn trước hết phải hiểu xem bạn sẽ có thể đối mặt và trải nghiệm với những điều gì mà bản chất cơ hội/vị trí đó sẽ có. Sau đó, quay lại so sánh xem nó có khớp với mục đích của mình không. Giống như việc muốn đi ăn phở thì không nên rẽ vào hàng cháo sườn.
b) Sau cơ hội: xác định bạn sẽ muốn nhắm đến điều gì sau khi trải qua cơ hội đó (1.A.b)? Học cao học 2 năm ở nước ngoài xong rồi bạn sẽ muốn làm gì? Nhận một vị trí thực tập 3 tháng xong, bạn sẽ ra sao? Điều bạn muốn đó có khớp với những gì mà chương trình học/ vị trí làm việc đó có thể mang lại cho bạn hay không (2.A.b)?
Điều này là vô cùng quan trọng và nhiều người quên mất, bởi vì phần lớn chúng ta chỉ chú trọng vào mục tiêu ngắn hạn. Tức là tâm thế “cứ đi đã rồi tính” hoặc “đến đâu hay đến đó”. Điều này dẫn đến việc có những bạn đến tận sau khi kết thúc khóa học/chương trình/vị trí làm việc rồi mới ngồi lại và tiếc là “giá như hồi trước mình biết rằng mình cần cái x, y, z để sau khi học xong/làm xong vị trí này mình có đủ ‘công cụ’ hoặc ‘nhóm kỹ năng’ để chuyển tiếp sang mục tiêu tiếp theo.
Để làm được việc này, các bạn nên tìm hiểu thật rõ 1A và 2A (hình trên), sau đó ghi xuống những đặc điểm của 2 phần này, sau đó so sánh đối chiếu theo các gợi ý mình đã nêu trên. Các bạn cũng có thể lập bảng chia hai cột chính, để tiện so sánh giữa toàn thể mong muốn của mình và bản chất những điều mà cơ hội bạn đang nhắm tới.
2) Ví dụ:
Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi đứng giữa các lựa chọn về nộp học bổng đi học cao học: (1) lời mời của giáo sư ở Mỹ để học lên thẳng Ph.D, (2) theo đuổi học bổng chính phủ, ví dụ: Eramus Mundus hoặc đi làm 2 năm lấy kinh nghiệm rồi nộp học bổng nào to tiền nhất cho nó đã? và (3) học bổng thạc sĩ của Mitacs Canada và University of British Columbia (UBC) ở Vancouver.
Bạn nghĩ tôi sẽ chọn số mấy? Chọn học bổng chính phủ vì nó danh giá và nhiều tiền tiêu rủng rỉnh hay chọn học Ph.D ở Mỹ vì nghe rất “oách xà lách”? Chứ ai chọn đi Canada làm gì cho vừa lạnh lại vừa chỉ là học thạc sĩ (như nhiều người vẫn hay trêu đùa, hehe)?
Có thể bạn cũng đã biết là tôi chọn số (3). Ở phần này, tôi sẽ phân tích lựa chọn của mình áp dụng gợi ý 1A + 2A đã nêu trong mục khái quát:
a) Trong cơ hội: Mục đích học cao học của tôi: muốn hiểu biết hơn về khả năng làm nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn, từ đó hiểu được xem bản chất tôi có hợp với nghiên cứu không? Vì vậy, tôi chưa muốn cam kết với hành trình Ph.D, nên tôi đã quyết định chọn chương trình Master of Science—M.Sc. (Thạc Sĩ Khoa Học).
Ở lựa chọn số (3), tôi có thể đạt được điều này một cách hoàn hảo nhất vì: mô hình M.Sc. ở UBC lấy nghiên cứu làm trung tâm (thesis-based). Tôi có thể được trải nghiệm cuộc sống đúng nghĩa của một nghiên cứu sinh trong 2 năm bao gồm: viết đề án nghiên cứu (research proposal), liên lạc các giáo sư để thành lập hội đồng nghiên cứu (research committee), thuyết trình ý tưởng, cập nhật tiến độ nghiên cứu mỗi kỳ, viết và bảo vệ luận văn nghiên cứu trước hội đồng. Sau đó, tôi có cơ hội để làm first author cho tối đa 2 bản thảo để nộp đi các tạp chí khoa học trích ra từ luận văn của tôi. Vậy là tôi có thể đạt được mục đích lớn nhất mà tôi đã nêu lúc đầu mà không cần phải cam kết với lộ trình Ph.D ngay từ đầu.
Ngoài ra, tôi cũng muốn có được cơ hội trải nghiệm làm việc trong môi trường nước ngoài trong thời gian 2 năm học của tôi, tôi không muốn chỉ đi học và không có thời gian để cải thiện các nhóm kỹ năng mềm của mình.
Lựa chọn số (2) không cho tôi điều đó, lựa chọn số (1) có thể cho tôi điều này nhưng không thỏa mãn mục đích chính của tôi đã nêu. Chỉ có lựa chọn số (3) là thỏa mãn cả mục đích chính lẫn mục đích phụ của tôi. Tôi đã vừa làm trợ giảng và vừa làm trợ lý nghiên cứu tối đa 20 tiếng một tuần trong 2 năm. Tôi nhận mentor trực tiếp cho sinh viên và dạy lớp thực hành liên quan đến chuyên môn của tôi. Từ đó, tôi có thể học được phong cách làm việc ở môi trường quốc tế, rèn luyện thêm nhóm kỹ năng giao tiếp (communication skills).
b) Sau cơ hội: Tôi mong muốn sau khi kết thúc chương trình học của mình tôi có thể lựa chọn một trong những chuyển tiếp sau:
Chuyển tiếp từ môi trường học thuật sang làm việc bên ngoài môi trường Đại Học; hoặc
Học tiếp lên Ph.D nếu tôi nhận thấy bản thân phù hợp và đã sẵn sàng đi con đường này.
Ngoài ra, tôi cũng nhắm đến cơ hội ở một đất nước có:
Thủ tục giấy tờ nhanh gọn và chính sách đãi ngộ tốt cho sinh viên quốc tế ở lại lấy kinh nghiệm làm việc; và
Cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế không khan hiếm.
Xét về khía cạnh “sau cơ hội” này thì mong muốn của tôi và bản chất của chương trình ở lựa chọn số (3) lại tiếp tục khớp nhau nhất vì:
Nếu được vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm và phát triển nhóm kỹ năng tại Canada, tôi có cơ hội chuyển tiếp ra môi trường bên ngoài để làm việc; và tôi cũng có được nền tảng nhất định của một người làm nghiên cứu (như đã mô tả trong phần ‘trong cơ hội’) để nộp hồ sơ học lên Ph.D nếu tôi muốn.
Vancouver là một thành phố đa sắc tộc, đa văn hóa. Canada cũng nổi tiếng vì sự thân thiện và chính sách mở cho người nước ngoài đến học tập và làm việc.
Tóm lại: Độ phù hợp giữa mục đích dài hạn của bản thân và bản chất của cơ hội/việc mình muốn làm là bước đầu tiên bạn nên bắt đầu khi lên kế hoạch. Khi xác định mục đích, không nên chỉ nhìn vào những thứ hào nhoáng bề ngoài của vấn đề đem lại trước mắt để đưa ra quyết định. Việc lựa chọn mục tiêu cụ thể sau đó còn phụ thuộc vào yếu tố 1B (tôi có gì?) + 2B (yêu cầu của cơ hội là gì?)—Phần 2 của chuỗi bài viết. Từ đó, việc kết hợp nhuần nhuyễn sự hiểu biết cặn kẽ các khía cạnh về “Tôi” và “Cơ Hội” sẽ giúp bạn đưa ra được chiến lược rõ ràng cho bản thân dù bạn có đang ở trong trạng thái và giai đoạn nào của hành trình của bản thân—Phần 3 của chuỗi bài viết.
[Còn tiếp]
Comentarios