top of page

Life is hard, make it worth. Du học đã thay đổi tôi như thế nào?

Trong lúc đang kéo đọc những câu hỏi của các bạn gửi về cho tôi từ tuần trước nữa, tôi dừng lại khi bắt gặp một câu hỏi: “việc đi du học đã thay đổi chị như thế nào ạ?”. Câu hỏi nhìn ngắn như vậy, nhưng nó đánh thức dậy rất nhiều điều trong tôi.

Tôi bắt đầu hành trình du học năm 2017, với 2 chiếc vali chất đầy sự yêu thương của Mẹ và Bố, với một niềm tin rằng mình sẽ được gặp gỡ thật nhiều người bạn mới, học hỏi nhiều điều hơn về thế giới. Tôi mường tượng bản thân đắm chìm khám phá những chiếc giá sách khổng lồ của thư viện học thuật lớn thứ hai Canada, với bề dày hơn 100 năm tuổi. Tôi hồi hộp và khao khát một lần được nếm trải cuộc sống một mình giữa một thành phố hoàn toàn xa lạ, xung quanh tôi mọi người nói một thứ ngôn ngữ khác, sống với một nền văn hóa mà trước kia tôi chỉ có thể xem trên những bộ phim điện ảnh, hay đọc trong những trang tiểu thuyết phương Tây.


Người ta bảo đi xa như vậy sẽ làm một con người thay đổi rất nhiều, tôi cũng tò mò về những điều “người ta nói” ấy. Tôi có sợ không? Có chứ, vì tôi không biết thực ra những thứ tôi sẽ phải đối mặt sẽ có hình thù như thế nào. Nhưng tôi khi đó, cũng có phần giống những kẻ tự tin khác, hay nói với chính mình khi chuẩn bị đối mặt với những thử thách lớn:

“C’mon, how hard could it be? Bring it on!”


Những ngày tháng sau đó, có những chuyện đúng như tôi đã từng tưởng tượng: tôi gặp rất nhiều người bạn mới và cảm giác như họ ai cũng là thiên tài vậy, mở ra được nhiều góc nhìn mới về thế giới xung quanh mình, được sống ở một thành phố đa văn hóa, trải nghiệm cuộc sống tự lập ở một nơi mà khi bắt đầu tôi chẳng có tới nổi một người thân. Nhưng đi cùng với những điều “phiêu lưu thú vị” đó, tôi cũng trải qua đủ cung bậc cảm xúc của một người rất bình thường sống xa quê, của một sinh viên quốc tế nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, cũng shock văn hóa, cũng cảm thấy mình bị phân biệt đối xử ở một mức độ nào đó, và tôi cũng có lúc muốn bỏ tất cả để trở về với Hà Nội của tôi.

Nhìn lại, điều thay đổi lớn nhất tôi nhận ra sau những ngày tháng đi học xa nhà ở một đất nước khác, có lẽ, chính là việc bây giờ khi đứng trước một thử thách nào đó, tôi không còn ngông cuồng nói một câu tự tin thái quá như khi trước nữa. Thay vào đó, tôi sẽ chọn cách bình tĩnh nhìn nhận, để bản thân tôi có thể cân bằng cảm xúc của chính mình, sau đó sẽ bắt tay vào hoàn thành tốt những điều cần làm để vượt qua những thử thách khó nhằn nhất.


Vì thế, điều đầu tiên tôi nghĩ tới khi nói về “du học đã thay đổi tôi như thế nào?” là: khả năng hoàn thành điều mà mình chọn bắt đầu, với trách nhiệm cao nhất

Tôi hồi tưởng lại chính bản thân mình vào ngày 27 tháng 11 năm 2019, khoác lên mình bộ lễ phục, đứng trong the Chan Centre, xung quanh là các bạn đồng niên khóa của tôi năm ấy, trước mắt là một chiếc bục cao trải thảm đỏ chờ những tân học giả là chúng tôi được xướng tên và bước lên nhận bằng. Trong bài phát biểu của thầy hiệu trưởng khi ấy có một đoạn như thế này:


“The differentiating hallmarks of UBC graduates are many, but most importantly, they include self-discipline, resourcefulness and the ability to finish what you started, in spite of any number of challenges you encountered along the way.”

Tạm dịch: “Có rất nhiều đặc điểm tạo nên sự khác biệt của sinh viên tốt nghiệp từ Đại học British Columbia, nhưng quan trọng nhất, chúng bao gồm tính tự giác, sự tháo vát và khả năng hoàn thành những gì các em đã bắt đầu, bất chấp bất kỳ thử thách nào các em gặp phải trên suốt hành trình.”


Đúng, có lẽ điều làm tôi thấm thía nhất trong câu nói ấy là đoạn “the ability to finish what you started, in spite of any number of challenges you encountered along the way”. Để đi qua được những thử thách và hoàn thành một hành trình muôn màu ấy, tôi đã gom nhặt được cho mình nhiều bài học, cả lớn lẫn nhỏ, rèn luyện thêm những khả năng mà trước đó tôi tôi cứ nghĩ rằng mình đã làm rất tốt rồi, nhưng thực ra là chưa đủ.

Thư viện "không ngủ" hay là những con người không ngủ?


Khả năng làm tốt những điều bản thân “không thích cho lắm” nhưng lại rất cần thiết

Tôi vẫn còn nhớ điều làm tôi chật vật nhất khi bắt đầu đi du học là rèn luyện kỹ năng viết học thuật. Giáo sư của tôi là một người rất nghiêm khắc trong chuyện học trò của mình phải dành thời gian để nâng cấp “academic writing skills”. Việc viết lách sáng tạo (creative writing) với tôi là một việc cực kỳ thú vị, nhưng tôi lại rất khó chịu khi phải thích nghi với kỹ năng viết học thuật—một kiểu viết yêu cầu tuân theo những chuẩn mực nhất định, viết làm sao để đơn giản dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích, nhưng không bị mất đi tính chất khoa học của nội dung.


Những bản thảo đầu tiên tôi gửi cho giáo sư để xin nhận xét lúc nào cũng “đỏ lè” và chi chít nhận xét mỗi khi mở ra. Nhận xét như “please re-write this sentence/section” là chuyện rất bình thường thôi (nên dù có thất vọng về bản thân cũng không làm gì được, thay vào đó là phải viết lại để cải thiện nó).


Đọc đến đây nếu có bạn nào thắc mắc: “ủa, đi du học thì trường nào cũng yêu cầu sinh viên phải đạt đủ chuẩn chứng chỉ tiếng Anh đầu vào mà? sao còn có chuyện “struggle” với chuyện viết lách như thế?”. Đúng, có chuẩn đầu vào, ví dụ như khoa Lâm Nghiệp của UBC tôi theo học thì yêu cầu đầu vào ít nhất là IELTS 7.0. Nhưng IELTS chỉ là một chứng chỉ chứng nhận bạn có khả năng sử dụng ngôn ngữ ở một mức độ nào đó, còn có được kỹ năng viết học thuật tốt trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể lại là một câu chuyện đường dài khác.


Giáo sư của tôi là người Đức, từng có thời gian học tập và nghiên cứu ở Mỹ, tại Oregon State University (OSU). Vì bà cũng đã từng trải qua cảm giác của một sinh viên quốc tế với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nên để động viên chúng tôi tập trung cải thiện kỹ năng viết của mình, có lần bà đã kể một câu chuyện thời sinh viên của bà cho chúng tôi nghe:

“When I was a Ph.D. student at OSU, my supervisor forced me to take two undergraduate writing classes, which did not count towards my degree in terms of credit at all but forced me to improve my written English. I hated every minute of those two classes, complained loudly about how crazy my supervisor was for making me take those classes and wailed with pain about the unfairness of being an international student with English as a second language.”


Chúng ta, có lẽ ai cũng sẽ có những phút giây như thế, phàn nàn và kêu than với trời đất vì việc tại sao chúng ta phải làm những việc mà chúng ta không thích, về việc cuộc đời này vốn thật bất công.


Nhưng có phải thực sự là chúng ta không thích nó vì chúng ta “không thích” hay chúng ta đơn giản là chưa nỗ lực để nâng cấp bản thân lên và cảm thấy thoải mái thực hiện nó? Ít ai thấy thích làm những việc mình không giỏi, nhưng sẽ có những lúc chúng ta cần phải làm những việc mình không-thích-lắm, để đạt được đến một mục tiêu cao hơn mà chúng ta mong ước. Vậy nên, sau cả quá trình đối mặt và cải thiện những điều mình còn yếu kém, tôi mới thấy rằng: “It is not wanting what you like to do, but liking what you have to do that makes you happy.”

Tôi cùng các bạn đồng niên khóa, những sinh viên được học bổng ở UBC Forestry, trong một networking event kết nối với các cựu sinh của UBC năm 2018


Khả năng tự học, tìm tòi, và đặt câu hỏi

Trong suốt quá trình làm nghiên cứu ở UBC, tôi thường có lịch gặp mặt trực tiếp để cập nhật tiến độ nghiên cứu với giáo sư hàng tuần, mỗi buổi gặp kéo dài khoảng 30 phút đến một giờ đồng hồ. Có một lần, sau khi báo cáo kết quả mới, và thảo luận cùng giáo sư gần xong thì cả tôi và giáo sư cùng nhìn ra được một vấn đề có thể sẽ gây tranh cãi nếu đưa vào báo cáo.


Lúc đó, tôi vẫn nghĩ là giáo sư sẽ đưa ra cho tôi ngay một giải pháp để khắc phục, nhưng không, thay vào đó giáo sư đã hỏi tôi: “what do you think about that?”. Tôi sau đó ra về với một chồng sách trên tay, đó là những cuốn sách giáo sư chọn ra từ trên chiếc giá sách khổng lồ của bà, để tôi quay về phòng làm việc của mình và tự tìm ra câu trả lời. Cảm giác tự mình bơi trong một biển thông tin để chọn lọc, đánh giá, và đưa ra lựa chọn cho những thông tin quan trọng nhất, phù hợp nhất chưa bao giờ là cảm giác dễ chịu. Nhưng bởi vì đó là một kỹ năng cực kỳ cần thiết không chỉ trong trường học, mà còn là khi chúng ta bước ra ngoài trường học, đến tận bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn giáo sư vì đã giúp tôi rèn luyện được kỹ năng quý giá ấy.


Khả năng tự làm bạn với chính mình

Tại sao lại phải tự làm bạn với chính mình?

Bước vào hành trình mới với thử thách mới, ở một môi trường xa lạ, việc cân bằng cuộc sống để có sức khỏe thể chất, đời sống tinh thần, và trải nghiệm học tập tốt là điều mà du học sinh nào cũng mong muốn. Sẽ có những lúc cảm giác bản thân lạc lõng vì cố gắng bao nhiêu cũng không thể đủ, đôi khi chỉ ước có mấy đứa bạn thân ở ngay cạnh để rủ tụi nó đi cà phê cho khuây khỏa nhưng hóa ra mình và tụi nó lại cách nhau những 11 ngàn cây số, lệch múi giờ, và lệch cả nhịp sống. Tất cả những điều đó, tôi tin, không chỉ mình tôi mà có rất nhiều du học sinh cũng từng trải qua.

Thời gian đầu, để vượt qua được những cảm giác đó tôi thường dành thời gian để đi khám phá đây đó xung quanh nơi thành phố tôi ở, kết nối với những người bạn mới cùng học trong trường. Có thời gian tôi còn tham gia tình nguyện dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Canada. Có những đợt tôi chịu khó săn sách giảm giá để đọc sách bằng tiếng Anh nhiều hơn, khám phá thêm được vài tiệm cà phê “local” ở những góc phố có những hàng cây cổ thụ cao hơn cả những tòa nhà hai tầng, ở một góc phố cũ không ồn ào của Vancouver. Tôi dần dần cảm thấy mình là một phần của thành phố này, là một phần của cộng đồng, tôi hiểu mình thích gì, và muốn gì một cách rõ ràng hơn khi trước. Làm bạn với chính mình là như vậy, là dành nhiều thời gian hơn để quan sát và thấu hiểu chính bản thân mình.


Tôi nghĩ, không chỉ có việc “du học” làm thay đổi tôi, mà thực ra khi đứng trước những thử thách yêu cầu sự thích nghi, tôi đã làm gì để có cho mình những bài học quý giá từ những trải nghiệm mà hành trình du học mang lại. Cơ hội được đi, nhìn ngắm thế giới, và học hỏi ở một môi trường quốc tế sẽ không thể thay đổi tôi theo cách tích cực, nếu như tôi không thực sự nỗ lực để tạo ra những thay đổi tốt hơn cho chính bản thân mình.

648 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page