“Mục đích chính của việc mình làm lần này là gì?” – kim chỉ nam của mỗi việc mình làm.
Đã rất nhiều lần trong quá khứ mình làm mọi việc theo cảm tính. Nhiều người nói “tôi không hối hận về bất cứ điều gì mà tôi đã chọn”. Với mình, có rất nhiều việc mình cảm thấy hối hận chết đi được. Và nếu mình biết rõ mục đích chính của mình lúc đó hơn, thì mình đã không phí phạm bao nhiêu thời gian và công sức.
Mình muốn chia sẻ 4 bài học nho nhỏ mà mình học được dưới đây, cộng thêm mẹo tặng thêm số 5 ở cuối bài viết, mong các bạn có thể ứng dụng được phần nào cho những dự định sắp tới của bạn nhé (thực ra mình thấy nó có thể áp dụng trên nhiều khía cạnh của công việc, học tập, và cuộc sống của chúng mình luôn đó).
1. DỒN SỨC VÀO MỤC TIÊU ĐÃ ĐƯỢC THU HẸP
Mình đã từng gặp những bạn mang 1 bộ hồ sơ duy nhất và gửi đi tất cả các nơi mà các bạn có thể. Trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm hồ sơ gửi đi thì các bạn hy vọng sẽ nhận được khoảng 1 – 2 lời hồi đáp.
Bài học mình rút ra là: chọn tập trung thu hẹp mục tiêu. Ví dụ, trong n chương trình đang mở đơn, mình sẽ ngồi lại để tìm ra độ phù hợp trên hồ sơ của bản thân, từ đó tự đánh giá xem nên tập trung sức lực để làm số lượng hồ sơ ít hơn nhưng chất lượng hơn cho từng trường/tổ chức/chương trình mình nộp.
Khi tập trung sức lực vào 1 – 3 nơi, mình sẽ có được một ‘profile’ dự tuyển chất như nước cất và tạo cho người duyệt hồ sơ cảm thấy ứng viên này (tức là mình) là một ứng viên nghiêm túc, biết người biết ta. Thay vì tung hỏa mù, điên cuồng gửi đi hàng chục hồ sơ để mong là kiểu gì chẳng có người nhận, thì hãy thử phương pháp tập trung có chọn lọc này xem sao nhé.
2. ‘BE REAL’: LÀ CHÍNH MÌNH ĐỂ TÌM ĐƯỢC CƠ HỘI PHÙ HỢP
Người ta bảo đi phỏng vấn thì đừng có ‘be yourself’ tức là đừng có là chính mình, hãy thể hiện những gì mà nhà tuyển dụng muốn. Mình thì lại làm ngược lại, mình nhìn việc này ở góc độ thực tế một chút, và không ngại là chính mình khi đi phỏng vấn:
Lí do thứ nhất: đây không phải là một bài kiểm tra miệng trên lớp để bạn đi trả bài đúng những gì thầy/cô muốn nghe. Đây là một cuộc trao đổi để bạn và người phỏng vấn bạn xác định được cả hai bên có phù hợp hay không. Nếu bạn chọn đeo lên một chiếc mặt nạ thì dĩ nhiên cơ hội đỗ của bạn có thể cao hơn. Nhưng sau đó còn là quãng đường dài mà bạn phải đi với tổ chức/công ty đó. Nếu bạn không là chính mình ngay từ đầu, thì bạn sẽ không thể thoải mái với công việc bạn có được đâu.
Lí do thứ hai: có rất nhiều tổ chức/ công ty có cách để nhìn ra được bạn đang diễn. Nhà tuyển dụng rất coi trọng độ trung thực của ứng viên. Bạn mình đã từng bị hỏi một câu như thế này: “Bạn có biết ở Canada có bao nhiêu trạm bán xăng không?”. Mục đích của câu hỏi này là gì khi chuyên ngành của bạn mình còn chẳng có tí gì liên quan đến nội dung câu hỏi?
Mục đích của câu hỏi chỉ để kiểm tra xem, ứng viên có dám dũng cảm nói thật: “tôi không biết”, hay là sẽ đoán bừa. Người làm việc có trách nhiệm và trung thực sẽ nói “tôi không biết” khi họ thực sự không biết.
3. ĐỪNG TÌM ĐẾN NGƯỜI KHÁC CHỈ VÌ BẠN CẦN GÌ ĐÓ TỪ HỌ
Có một câu rất hay như thế này mà sếp mình đã chia sẻ với mình khi bàn về chuyện tạo lập mối quan hệ—networking: “Reach out to people when you don’t need something from them”, có nghĩa là “kết nối với những người xung quanh bạn khi mà bạn không cần gì từ họ cả”. Nếu như một người đã mất tích cả mấy tháng đến mấy năm, tự dưng ngoi lên và bảo bạn: “Ê, giúp tao cái a b c được không?” thì bạn cảm thấy thế nào?
Mình không biết các bạn nghĩ sao, nhưng trong các mối quan hệ, mình luôn luôn đánh giá cao sự chân thành. Và đừng chỉ chân thành khi bạn cần gì đó từ người ta nhé. Như vậy mình tin các bạn sẽ có được những mối quan hệ có chất lượng hơn chỉ là những mối quan hệ ‘xã giao’ đó.
4. TẬP LÀM MỘT NGƯỜI GIAO TIẾP HIỆU QUẢ
Từ kinh nghiệm làm việc, mình nhận ra rằng hầu hết sếp hay đồng nghiệp của mình sẽ yêu quý mình như là hàng hiếm nếu mình có thể trao đổi công việc một cách trọng tâm, hiệu quả và tiết kiệm thời gian cho họ càng nhiều càng tốt.
Nói theo ngôn ngữ thực dụng: con người về cơ bản là lười, nên nếu trên đời xuất hiện một ai đó có thể làm cho cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, họ sẽ rất rất thích. Ví dụ: mình nhắc sếp những việc mình cần từ sếp, nếu có thể mình sẽ đào lại email công việc lên vào đúng lúc sếp cần. Như vậy sếp mình còn chẳng phải mất công đi tìm lại email mà chỉ việc click vào để xem luôn.
Thế đó, hơi vất vả một tí nhưng mà làm việc như vậy cũng đã. Nhiều lúc nghĩ không biết mình có rảnh hơi quá đáng không, nhưng cho đến hiện tại thì phương thức này vẫn phát huy tác dụng nhé các bạn!
PRO-TIP: HƯỚNG SỰ CHÚ Ý VÀO NHỮNG CHI TIẾT NHỎ
Đây là điều cực kỳ quan trọng. Lí do: những người làm việc có kinh nghiệm và chuyên môn sẽ nhìn vào những điều nhỏ nhặt của một sản phẩm để đánh giá tác giả của nó. Ví dụ: bạn mất công làm một báo cáo thật hay, nhưng không để tâm loại bỏ những lỗi sai li ti như chính tả, format, kiểm tra lại tài liệu tham khảo đã đúng chưa.
Tất cả những thứ tưởng chừng vụn vặt nhất sẽ tố cáo bạn, tạo cho người duyệt hồ sơ/ báo cáo/ đề án của bạn ấn tượng về một người cẩu thả, thiếu độ tập trung, và nặng hơn có thể là biểu hiện của một người ‘thiếu trách nhiệm’. Thế nên, học làm tốt đến cả những chi tiết nhỏ, đôi khi lại là mấu chốt của một thành công lớn đó!
Cảm ơn em nhé @Thuy An Nguyen <3 Chị vẫn luôn rất vui khi biết những điều chị viết ra có ích với mọi người.
Em cảm ơn chị Nguyệt Anh về bài viết rất hay này ạaaaa! <3