top of page
Ảnh của tác giảNguyet-Anh Nguyen

Nghĩ về phân biệt chủng tộc

Những ngày gần đây mình theo dõi câu chuyện tạo nên các cuộc biểu tình và bạo loạn ở Mỹ sau cảnh tượng “the Knee-on-Neck” và cái chết của George Floyd (nếu ai chưa rõ đầu đuôi câu chuyện có thể đọc tóm tắt chi tiết vụ việc tại đây hoặc giải thích bằng tiếng Việt tại đây).


Cảnh tượng cái chết của George Floyd khiến mình cảm thấy phẫn nộ và thất vọng cùng lúc. Mình không nghĩ mình sẽ viết gì cả vì nếu dùng trải nghiệm của bản thân để nói gì về điều này thì có lẽ cũng là một quan điểm hạn hẹp. Cho đến khi mình nhận được email từ Stella-người bạn cũ trong nhóm nghiên cứu, là người Ghana (một quốc gia tại Tây Phi) và cũng là một trong những người bạn gốc Phi rất tốt của mình, thì sự quan tâm của cô làm cảm xúc của mình trỗi dậy khi chứng kiến mọi người buông định kiến chung về người da đen.


Mình đã từng gặp những người da đen xin tiền dạo trên đường phố St. Louis, đã từng phát sợ vì đi tàu ở Chicago và chứng kiến những người da đen nhảy từ đầu tàu này sang đầu tàu kia. Nhưng mình vẫn có những người bạn đến từ Châu Phi tính tình vui vẻ, sống tình cảm và có phong cách giống như Stella. Mình không chỉ muốn nói “hey, ngoài kia thực ra có rất nhiều người da đen tốt” để lấy đó làm luận điểm chính bày tỏ suy nghĩ về phân biệt chủng tộc.


Mình muốn nhấn mạnh rằng, hãy suy nghĩ và đối xử với người xung quanh ta bằng trải nghiệm thực tế mà ta có được với họ, với chính con người ấy, chứ đừng dựa trên xuất thân của họ hay phỏng đoán chung chung của mình về nơi mà họ xuất thân. Và nếu bạn chưa có tương tác gì với họ trên thực tế, thì tốt nhất bạn nên tôn trọng họ như một chủ thể độc lập, có đầy đủ quyền bình đẳng trong xã hội.

Từ góc nhìn của mình, sự phân biệt chủng tộc vẫn luôn tồn tại, chỉ là qua những sự việc, cụ thể như cái chết của George Floyd, sự phân biệt này được phản ánh rõ nét hơn bao giờ hết. Trước khi trải nghiệm cuộc sống ở một đất nước khác, mình vẫn rất ngây thơ tin vào việc “chắc chắn sự công bằng tồn tại ở đâu đó”. Nhưng ở thời điểm này, mình tự nói với bản thân rằng không có nơi nào có được sự công bằng tuyệt đối, đặc biệt là những vấn đề muôn thuở như phân biệt chủng tộc.


Phân biệt chủng tộc ở đây không có nghĩa đơn thuần là giữa người da đen và người da trắng. Mình đã chứng kiến nhiều cách mà mọi người nhắc tới sự phân biệt chủng tộc giữa người da trắng và người da màu nói chung (people of color, là khái niệm được sử dụng nhiều ở Bắc Mỹ để mô tả tất cả những người không phải da trắng, bao gồm những người Mỹ gốc Phi, gốc Latin, gốc Châu Á, gốc Trung Đông, và bao gồm cả người Bản Địa-Native Americans in the US and Indigenous People in Canada). Sự phân biệt còn có thể xảy ra giữa các chủng tộc người da màu với nhau, hoặc thậm chí là trong nội bộ một chủng người.


Là một người gốc Việt, sinh ra, lớn lên, và học hết đại học ở Việt Nam rồi mới đi học ở nước ngoài. Mình tự tin nói rằng mình là một người rất rất Việt Nam. Từ bề ngoài, đến cả giọng nói Tiếng Anh, và rất nhiều đặc điểm người ta có thể nghĩ về một người Châu Á. Vì vậy, nên mình cũng đã từng là nạn nhân của phân biệt chủng tộc mức độ nhẹ. Từ một số người da trắng mình từng tiếp xúc, từ vài sinh viên người Canada gốc Á trong lớp mình làm trợ giảng, và có cả từ chính mình nữa. Nghe hơi vô lí nhưng nó lại có thật.


Sau những lần đó, mình nhận ra rằng định kiến sinh ra từ cách mình nhìn nhận mọi việc. Cách mình nhìn nhận mọi việc thì lại được tạo nên bởi tất cả những gì mà mình đã trải qua trong quá khứ. Vì thế, mình có xu hướng tự tạo ra những định kiến về một nhóm người/người nhất định nào đó trước cả khi mình kịp hiểu nhiều hơn về họ.

Ví dụ, đôi lúc chỉ vì mình đã có quá nhiều trải nghiệm không tốt với những người đến từ cùng một nơi, thì mình trở nên ác cảm với tất cả những người khác mình mới gặp có nguồn gốc từ vùng ấy. Đó là phản xạ tự nhiên của con người, nhưng đừng để phản xạ ấy được tự do lấn át suy nghĩ và hành động. Việc tự nhắc nhở bản thân về lí do đằng sau tất cả những chuyện này là rất quan trọng để giúp mình đưa ra nhận định một cách toàn diện hơn về một vấn đề.


Khi nhớ lại cảm giác của việc trải nghiệm phân biệt chủng tộc, đỉnh điểm nhất có lẽ là khi mình đã có lúc nghi ngờ chính bản thân mình chỉ vì “mình là mình”, tức là mình đã từng tự kỳ thị chính mình. Mình còn nhớ như in cái cảm giác vào lần đi phỏng vấn xin việc vòng 2 sau khi chỉ còn lại một vài ứng cử viên cho 1 vị trí duy nhất mà mình nộp đơn. Trong lúc ngồi ở sảnh chờ tới lượt được vào trong phỏng vấn, mình bắt gặp cô quản lý dự án tiễn một bạn ứng viên trước mình ra về.


Sau khi kết thúc phỏng vấn về nhà, cho dù mình đã trả lời rất tốt các câu hỏi hôm đó, tất cả những gì mình lo lắng là “rõ ràng mình thấy bạn ứng viên kia là người da trắng, bạn ấy có thể là người Canada, liệu mình có cơ hội không?”. Trong thâm tâm mình khi đó thực sự chẳng quan tâm xem liệu bạn ấy có giỏi hơn mình, hay trả lời tốt hơn mình hay không, mình chỉ có duy nhất một sự tập trung “bạn ấy là người da trắng!!!”. Trời ơi kinh khủng! Mình nghĩ lại bản thân và thấy tại sao mình lại phải thiếu tự tin đến mức ấy chỉ vì nguồn gốc của mình. Cho dù sự phân biệt mà mình nghĩ tới thực ra có tồn tại trong xã hội bây giờ, thì tại sao mình lại cho phép đó trở thành một lí do làm bản thân nhụt chí!?.


Sau đó thì mình nhận kết quả đỗ vào vị trí ấy. Mình không biết điều này nói lên những gì cho người khác khi nghe mình kể lại. Nhưng nó đủ để mình tự nhận ra rằng nếu muốn người khác không đối xử phân biệt với mình, trước tiên, mình phải sửa lại tư tưởng của mình trước. Mình không thể cứ xơi xơi lên án phân biệt chủng tộc khi mà chính trong tư tưởng của mình còn đầy rẫy những khúc mắc về cách nghĩ. Cách nghĩ mới là điều quan trọng nhất mà hầu hết mọi người bỏ qua. Cách nhìn phiến diện giữa người với người nó len lỏi ở khắp nơi trong cuộc sống, và chỉ cần mình không nhắc nhở mình về điều đó là lập tức nó sẽ làm loạn ngay.


Mình nhận thấy mình may mắn vì đã được trải qua cả những điều tích cực và tiêu cực khi gặp nhiều người, đến từ nhiều nơi. Phần lớn trong số họ đều tôn trọng và cởi mở về nguồn gốc và xuất thân của mình. Chính những điều đó dạy cho mình phải cố gắng cởi mở hơn nữa với những người đến từ những nền văn hóa khác. Sau tất cả, mình vẫn muốn gửi gắm một suy nghĩ của mình: mỗi người đều có quyền được tôn trọng dù họ có đến từ đâu, nhìn như thế nào, họ thích điều gì và ghét điều gì. Trước khi bạn có đầy đủ trải nghiệm với người đó, thì tuyệt nhiên đừng nên đưa ra phán xét về người ta.


Nếu bạn cảm thấy thật sự không thích ai đó sau khi bạn đã tiếp xúc, bạn có thể lịch sự giữ khoảng cách, vậy có lẽ sẽ tốt cho cả hai. Chúng ta có lẽ đều quá bận rộn để nghĩ nhiều về cuộc đời của người khác, trước khi nghĩ về mình, nhưng mình tin dù có thế nào thì thế giới vẫn rất cần sự tôn trọng giữa người với người.

Và bởi vì, cho đến cuối ngày thì:

“We don’t have to agree on everything to be kind to one another”.

Ảnh: Team của mình, gồm các thành viên có màu da và sắc tộc khác nhau, chụp ảnh kỷ niệm sau sự kiện đầu tiên mà chúng mình cùng hợp tác tổ chức năm 2017 tại UBC Forestry. Mình nghĩ đây cũng là một minh chứng thật đẹp về sự đa dạng văn hóa, điều mà mình luôn luôn lấy đó làm động lực để sống tốt hơn với những người ‘không giống mình’.

4.074 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page