top of page
Ảnh của tác giảNguyet-Anh Nguyen

Sức mạnh của sự bền bỉ (và làm sao để duy trì nó)


Mùa xuân năm 2018.

Có một cô sinh viên Việt Nam, cao 3 mét bẻ đôi, thường lạc đường ở UBC campus, thi thoảng hớt hải chạy từ Forest Science Centre sang Advanced Learning Centre để kịp vào lớp học môn tiếp theo. Loay hoay tìm phương pháp nghiên cứu tối ưu nhất cho luận văn thạc sĩ. Xoay mòng mòng học một ngôn ngữ lập trình mới. Lo lắng làm sao sống sót qua mùa mưa dài của Vancouver mà vẫn duy trì học bổng, làm sao qua được kỳ học nặng về toán thống kê ứng dụng.


Trong những ngày tháng quay mòng mòng với những câu hỏi, đã có rất nhiều lần cô nghi hoặc bản thân và chính sự lựa chọn của mình. Nhưng mỗi ngày, khi mặt trời lên, lại là một ngày mới cô bền bỉ theo đuổi tiếp chặng đường mình đã chọn. Proposal thiếu sót, thì sửa. Bài tập thống kê làm chưa đúng, làm lại. Bài thuyết trình chưa trôi chảy, luyện nói tiếp.


Mùa xuân năm 2020.

Cũng là cô gái bé nhỏ ấy, đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Nhưng thay vì loay hoay trong trường học, cô loay hoay tìm việc giữa đại dịch. Những người bạn trong nhóm nghiên cứu cũng đã rẽ sang nhiều hướng khác nhau. Người thì tiếp tục học lên tiến sĩ, người thì đã chuyển hẳn sang một thành phố mới để theo đuổi ước mơ. Cô vẫn hàng ngày ngồi làm lược sử nghiên cứu, sửa báo để nộp lên các tạp chí. Ngày nào cũng vậy, đọc job posting, sửa resume, viết thư xin việc gửi đi. Ở thời điểm ấy, ưu điểm lớn nhất của cô, có lẽ không phải là tấm bằng thạc sĩ xếp hạng đặc biệt, mà đơn giản là sự “lì lợm” không chùn bước.


Mùa xuân năm 2021.

Những nỗ lực không ngừng giúp cô có được một công việc rất tốt, bắt đầu với hành trình của một chuyên viên phân tích dữ liệu. Cô bắt đầu làm việc với những dự án nhỏ, những nhiệm vụ nhỏ, nhưng có rất nhiều điều cần học hỏi. Từ việc xử lý số liệu sao cho chuẩn, sự tỉ mỉ, trách nhiệm cao, đến lối tư duy và kỹ năng học từ việc xâu chuỗi các tình huống trong công việc để củng cố chuyên môn. Những ngày tháng cắp sách học đủ thứ việc tỉ mẩn ấy, lại chính là những viên gạch đầu tiên tạo nên nền móng vững chắc cho sự nghiệp của cô sau này.


Mùa xuân năm 2023.

Làm việc được 2 năm, khi đã có nhiều bài học tích lũy cho riêng mình; cô vẫn cảm thấy mình cần học thêm nhiều kỹ năng mới. Vì thế, cô quyết định tiếp tục làm việc song song với học thêm các chứng chỉ chuyên môn. Nhờ có trải nghiệm làm việc, cô có cơ hội hiểu rõ hơn về những gì mình đang thiếu, những gì mình còn cần cải thiện và mài dũa thêm. Cô được phụ trách nhiều dự án lớn hơn, được tin tưởng và trao quyền định hướng cho một số dự án mới có tầm ảnh hưởng đáng chú ý trong ngành. Được thử đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ technical lead tới project manager, tất cả đều xảy ra rất cam go trong năm 2023. Những cơ hội đầy áp lực và trách nhiệm này giống như câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức” vậy. Thời điểm ấy cũng chính là một ‘wake-up call’ để cô ráo riết tự vấn bản thân về con đường mà cô muốn đi.


Mùa xuân năm 2024.

Cô vẫn chưa quen được cảm giác khi đồng nghiệp giới thiệu cô với danh xưng mới trong công việc: “this is Anh, our Geospatial Data Scientist.” Thi thoảng, cô vẫn nhớ về những ngày đầu tiên chập chững bước vào giảng đường của UBC Forestry, giữa hàng trăm sinh viên ưu tú đến từ khắp nơi trên thế giới, ngồi lắng nghe từng từ của giáo sư trên giảng đường, cặm cụi học một ngôn ngữ, hai ngôn ngữ, rồi rất rất nhiều điều, với cô, đều là “lần đầu tiên”.


Đã có rất nhiều lần, mọi người hỏi cô “tại sao có thể đi mãi, làm mãi mà không mệt”. Cô tự nhủ: mệt chứ, nhưng nghỉ mệt một xíu rồi lại không quản tiếp tục đi.

Đã có rất nhiều lần, cô thấy mình như một kẻ đạp xe lên dốc, mệt và hụt hơi muốn dừng lại, xuống dắt xe. Nhưng đạp xe lên dốc nhiều, cô nhận ra rằng: chỉ cần mình đổi gear, để có thể đạp một cách chậm hơn, từ từ hơn, nhưng miễn là đừng dừng đạp, thì chiếc xe vẫn sẽ di chuyển, vẫn sẽ tiến về phía trước dù rất rất chậm.


---

Cứ mỗi lần đối mặt với một thử thách mới hay khi cảm thấy nản chí, muốn dừng lại, tôi đều giữ cho riêng mình 2 phiên bản của chính mình:


Một là phiên bản bé nhỏ của chính tôi: khi học làm bất kỳ một điều gì mới. Đối mặt với thử thách mới, bản thân tôi cũng giống như phiên bản “đứa trẻ” vậy. Một đứa trẻ tập đi, tập nói, tập làm quen với mọi thứ xung quanh. Nếu đứa trẻ đó làm chưa tốt ở lần đầu tiên, hãy động viên, khích lệ, và đừng “khó khăn” với đứa trẻ ấy quá. Chỉ cần đứa trẻ ấy không dừng lại và tiếp tục cố gắng, ấy đã là một điều mà không phải ai cũng làm được. Cách suy nghĩ này giúp tôi có động lực tiến lên, sai thì làm lại, không sợ và không dễ chùn bước trước những thử thách trong đời.


Hai là phiên bản mới của chính tôi sau khi thức dậy mỗi ngày. Mỗi ngày mới là một cơ hội mới. Cơ hội để mình trở nên tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Từ bỏ việc so sánh bản thân với những người xung quanh; tập trung vào việc trở nên tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua, là một trong những động lực nội tại tốt và bền bỉ nhất mà tôi từng có được. Cũng giống như chiếc máy tính hoạt động trơn tru hơn sau khi được ấn nút khởi động lại, con người, thực ra cũng có thể “restart” bản thân mỗi ngày. Mỗi khi cảm thấy chán nản, tôi luôn tự nhắc mình bằng một câu nói đơn giản như vậy:


“You are only as good as you were yesterday, so be better today!”

---

Tháng hai đã đi qua quá nửa, tôi mong rằng mọi người dù đang ở đâu, cũng đều có thể tiếp tục đạp xe lên dốc tiến về phía trước, để không sớm thì muộn, có thể tận hưởng thành quả diệu kỳ của sự bền bỉ diệu kỳ này.

82 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Trust.

Comments


bottom of page