Tháng 6 năm 2016. 21 tuổi rưỡi. Giữa một chiều hè lạnh hơn cả mùa đông ở Việt Nam, sau chuyến đi nửa vòng trái đất, dài tổng cộng gần hai chục tiếng, tôi kéo chiếc vali chứa tất cả đồ đạc cho chuyến đi thực tập sinh ba tháng của mình, đến trước khu nhà ở dành cho sinh viên của UBC. Cuối cùng tôi cũng có mặt đúng giờ để nhận phòng. Cô bạn người Hàn chào tôi ở cửa. Jia nghỉ hè và cần cho thuê lại phòng, nên tôi may mắn thuê lại được căn phòng có tầm nhìn ra biển, ngay ở trường với giá rẻ.
Mẹ Jia hỏi tôi: - Cháu có người nhà ở bên này không? - Cháu không ạ Jia tiếp lời: - Thế chắc cậu có bạn cùng là người Việt ở bên này nhỉ? - À tớ cũng không, trong khoa tớ thì tớ chưa biết ai là người Việt cả.
Cả Jia và mẹ cậu ấy quay ra nhìn nhau mất một lúc trước khi hai người cùng bảo tôi với đại ý là “không quen ai thì sẽ buồn đấy, nhưng sẽ ổn cả thôi”. Rồi Jia tận tình chỉ cho tôi những siêu thị gần đó, một vài chỗ cần thiết quanh khu trường như cây ATM, hiệu thuốc, số điện thoại nào có thể gọi cho cảnh sát và đội an ninh của trường lúc khẩn cấp, hoặc khi đi về buổi tối một mình.
Rồi họ rời đi. Tôi đóng cửa lại sau khi chào tạm biệt họ - những người xa lạ mà lại là một trong số ít người tôi quen duy nhất ở thành phố này thời điểm đó. Tôi ngồi phịch xuống giường, nhìn xung quanh căn phòng, đồ đạc được dọn đi hết chỉ còn lại những vật dụng cơ bản, trên bếp cũng chỉ có một chiếc chảo. Vì chỉ đi thực tập ba tháng, nên tôi cũng không mang gì nhiều ngoài đồ dùng cá nhân.
Trong hoàn cảnh ấy, tự dưng tôi thấy lòng hoang hoải và trống rỗng. Lúc đáp máy bay xuống Vancouver, gặp Rachel – mentor của tôi, tim tôi hồi hộp và vui sướng chừng nào, thì bây giờ cảm xúc lại trùng xuống gấp bội. Tôi loay hoay mở vali và khóa bị kẹt. Đến cả cái vali cũng quay ra phản chủ thật đúng lúc. Điều duy nhất tôi muốn làm lúc đó là gọi về nhà, nhưng lúc đó mọi người còn đang ngủ. Vancouver cách Việt Nam 15 tiếng, nên buổi chiều ở Vancouver thì vẫn đang là ban đêm ở nhà.
Khoảnh khắc đó là khoảnh khắc đầu tiên của hành trình xa nhà, tôi có tất cả cho mình sự tự do trong tay, nhưng đồng thời cũng chẳng có một ai ở bên.
Tháng 4 năm 2017 Tuần đầu tiên của tôi ở Hawaii cho khóa học lãnh đạo trẻ Đông Nam Á. Có nắng, gió, biển xanh. Một chị bạn tôi hỏi tôi, với giọng rất ân cần và rất thật:
“Mấy lúc một thân một mình nơi đất khách thế, em có sợ không?” Tôi cũng lẫn lộn cảm xúc ra gì lắm, rồi thỏ thẻ: “cũng sợ phết chị ạ, tại em là đứa thỉnh thoảng ngơ ngơ. Ở một nơi mấy tháng mà còn chẳng nhớ hết nổi đường xá. Có lần em còn đi lạc, rồi phải đi bộ vì không bắt nổi xe buýt nào, trễ hẹn với bạn em hẳn một tiếng liền. Bạn em nó còn tưởng em bị làm sao. Cơ mà riết thành quen á chị, rồi em cũng tự tìm được đường về luôn” Tôi cười khì khì như chưa có sự tủi thân nào trong câu chuyện lạc đường ấy. Nhưng nỗi sợ trong lời thú nhận, thì là có thật.
Khi nghĩ tới việc được đi tới một miền đất mới, đi du học, đi lập nghiệp, theo đuổi một điều gì mới mẻ trong cuộc sống, người ta hay nghĩ tới tất cả những gì tươi đẹp nhất đang chờ, những cơ hội hấp dẫn mà lựa chọn đó mang đến. Nhưng chúng ta hay quên mất rằng, đi cùng với những khoảnh khắc tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng cũng sẽ là những khó khăn không lường trước.
Sau vài năm, tôi nhận ra rằng, hóa ra cảm giác sống ở một nơi chẳng có đến nổi một người quen vào giây phút mình mới đặt chân tới, là một trong những cảm giác khó tả nhất mà một con người có thể trải qua. Đó vừa là cả một bầu trời tự do, nhưng theo đó cũng là muôn vàn sự hồi hộp, sợ sệt, lạ lẫm. Những người may mắn và dũng cảm nhất là những người tự tạo ra trải nghiệm tích cực và mang tính mới cho bản thân mình bằng sự cởi mở, ham học hỏi, không ngừng quan sát và thay đổi để trở nên tốt hơn, tạo ra những kết nối mới với một môi trường mà trước đó họ hoàn toàn lạ lẫm.
Một ai đó trở thành họ của ngày hôm nay, là bởi vì họ đã đi qua nhiều niềm hân hoan, nhiều giờ cố gắng không ngừng, vô số nỗi buồn không thể gọi tên, và có lẽ là cả những đau khổ tột cùng chẳng thể nói cùng ai.
Tháng 7 năm 2022 Tôi sống ở một thành phố không có người thân, nói một ngôn ngữ khác, đem lòng yêu một nền văn hóa khác, có một công việc tôi yêu thích, tự làm mọi thứ cho mình, tập tự yêu thương mình nhiều hơn. Thật khác với hình ảnh của tôi năm 21 tuổi, vào cái giây phút mà tôi thấy cô độc và lạc lõng vô cùng kia. Tôi đã đi qua những nỗi thất vọng về người khác, về thế giới xung quanh, và vì thế không ít lần tôi bị bủa vây bởi những ý nghĩ tiêu cực.
Tôi đi qua được những quãng cảm xúc tăm tối nhất của những năm tháng sống và học tập ở một nơi xa là nhờ việc không ngại ngần tự cho mình dừng lại nghỉ ngơi. Tôi không trốn tránh nỗi buồn, tôi cho bản thân mình được phép đau khổ và bộc bạch nỗi đau ấy ra ngoài: khóc thành tiếng, viết thành câu chữ, hay dũng cảm hơn là kể lại cho người thân của tôi nghe. Tôi thực sự may mắn vì đã có được những trạm dừng cho cho riêng mình. Tôi tìm kiếm những điều đẹp đẽ nhỏ xinh đến từ những người xung quanh tôi. Như là, bạn tôi gõ cửa phòng đưa cho tôi chai nước và hỏi han tôi xem có ổn không, có cần người nói chuyện không; giáo sư của tôi cho tôi mượn nguyên một bộ đồ bếp vì thương tôi lần đầu tiên xa nhà và chẳng có người quen.
Vậy nên, tôi thấy việc một mình không đáng sợ. Điều quan trọng nằm ở chỗ mình bước vào hành trình ấy với tâm thế và hành trang ra sao, cách mình đón nhận nó như thế nào, và mình sẽ làm gì để khiến nó trở thành một trải nghiệm đáng giá cho cuộc đời?
Có hai thứ mà sau một thời gian dài tôi vẫn luôn lấy làm bản lề của mọi sự kết nối giữa tôi và thế giới: một là cứ đối tốt với những người mình gặp và hai là biết thật rõ làm thế nào để tự bảo vệ bản thân mình. Đừng sợ khi bạn phải bước vào một hành trình nào đó hoàn toàn mới, đặt chân tới một nơi nào đó hoàn toàn lạ lẫm, một mình. Thế giới ngoài kia vẫn cứ đang đợi bạn góp thêm một mảng màu sáng vào bức tranh đa màu ấy, dù chỉ là từ những việc nhỏ nhất, và đơn giản nhất. Và dù có đang ở đâu, thì tại sao chúng ta không làm một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời vào hôm nay? ----
[Đây là một bài viết của tôi từ năm 2021, được tôi đọc và viết lại vào đầu tháng bảy năm 2022, lên sóng vào hôm nay, sau một ngày Vancouver bỗng đổ cơ mưa vào một chiều tháng bảy].
Càng đọc tui càng mê câu chữ của bà Nguyệt Ánh. Khi đọc cái tên này giống như leo núi vậy, xuống đáy rồi lại lên đỉnh. Dấu nặn xong dấu sắc 🤣 đổi lại thành Ánh Nguyệt thì thuận hơn, nghe tên cũng thơ mộng hẳn nhỉ 🤣