Humans love good stories. Đúng vậy, con người thực sự thích nghe kể chuyện. Vì thế, kể chuyện trong bài luận là một xu hướng được đề cập tới trong rất nhiều những bài chia sẻ về nộp hồ sơ xin học bổng những năm gần đây. Nhưng chỉ đơn giản là kể chuyện thì liệu đã đủ?
Giáo sư của mình từng nói như thế này khi mình hỏi bà về việc kể chuyện trong bài luận: “remember you are building a case that you are focused, skilled, enthusiatic, and a great match for the program. Got a good story to tell? That’s terrific, but what do you want to convey by telling that story? – think about that.”
Mình đã nghĩ về điều giáo sư nói, nghĩ lại những lần mình ngồi ngẩn tò te trước màn hình. Trang giấy trắng cứ như thách thức mình, mình gõ rồi lại xóa, viết rồi lại bỏ. Thực ra, không phải lúc nào bạn cũng phải kể một câu chuyện thống thiết. Yếu tố kể chuyện trong viết luận có thể được tạo nên từ rất nhiều khía cạnh:
Nhân vật chính của câu chuyện: là bạn. Nhân vật chính này đã trải qua những tình huống trong quá khứ (đi học, làm việc, thực tập, nghiên cứu, vân vân).
Những tình huống điển hình bạn trải qua: giúp người đọc hình dung rõ về khả năng nổi trội và độ phù hợp của bạn với chương trình – đây chính là những ví dụ minh họa về trải nghiệm thực tế mà bạn sẽ kể trong bài luận.
Mạch câu chuyện: bạn biết cách sắp xếp và xâu chuỗi những tình huống/ví dụ mà mình kể thành một quá trình xuyên suốt. Nhờ mạch câu chuyện này, người duyệt hồ sơ cảm thấy thuyết phục rằng bạn là người thực sự có đam mê và cam kết theo đuổi ngành học nếu được nhận. Cuối cùng (và cũng rất quan trọng), nếu họ trao học bổng cho bạn, thì liệu bạn sẽ tạo ra những giá trị tích cực gì? Những giá trị ấy có phù hợp với mục đích chính của chương trình không?
Mình đã từng viết luận để xin nhiều loại học bổng khác nhau, từ học bổng trao đổi của chính phủ Mỹ, thực tập sinh nghiên cứu, và học bổng thạc sĩ ở Canada. Có hai câu hỏi lớn nhất mà mình luôn luôn vấp phải mỗi lần ngồi xuống viết luận:
Ý tưởng cho bài luận: làm sao để xâu chuỗi những điểm mạnh của mình để tạo thành một câu chuyện, hơn nữa là kết nối nó với yêu cầu cũng như tính chất của học bổng mình sẽ nộp?
Cấu trúc của bài luận: làm sao để bài luận của mình “vừa đủ”. Tức là một bài luận cô đọng nhưng không bị khô cứng và máy móc, dập khuôn?
Để không bị rơi vào bế tắc, mình thường áp dụng 5 bước rất đơn giản sau đây:
Bước 1:
Đọc hiểu yêu cầu và liệt kê ra những điểm phù hợp giữa mình và chương trình. Nếu có thể, ở mỗi gạch đầu dòng hãy kèm theo một ví dụ chứng minh sự phù hợp, lấy từ kinh nghiệm thực tế của mình trong vòng 3 – 5 năm gần nhất.
Đây là bước tạo nền cho bài luận/thư ngỏ - cũng giống như đi kiếm người yêu, phù hợp là chìa khóa dẫn đến thành công :D bản thân mình xuất sắc ra sao chưa đủ, mà mình còn cần hiểu mức độ phù hợp giữa mình và đối tượng. Mình cần hiểu họ đang tìm kiếm điều gì trong bài luận. Từ đó, mình có thể xây dựng cấu trúc và nội dung phù hợp để thuyết phục họ rằng mình là lựa chọn hàng đầu.
Bước 2:
Bước này có hai lựa chọn
Đi từ Structure: lên một dàn ý gọn gàng, mạch lạc, có logic dựa trên những gì có được từ bước 1. Ví dụ: bài luận sẽ gồm có mấy đoạn, thứ tự ra sao, mạch diễn đạt của bài luận sẽ dẫn từ ý a tới ý z như thế nào?
Đi từ free writing: viết thoải mái, thích theo cấu trúc nào cũng được, cứ viết hết ra những gì mình có thể viết, dựa trên những vì có được từ bước 1.
Bước 3:
Nếu chọn đi từ structure ở bước 2: tiến hành viết thành bài dựa trên dàn ý. Thường thì sau phần giới thiệu, mỗi ý chính nhằm chỉ ra độ phù hợp giữa bản thân và chương trình (xác định ở bước 1) nên được phát triển thành một đoạn. Mỗi đoạn mình viết sao cho toát lên được sức thuyết phục với người đọc thông qua ví dụ cụ thể. Viết cô đọng, không văn vở dài dòng, không lặp lại hoàn toàn những gì đã viết trong CV/Resume. Có rất nhiều bạn viết luận theo phong cách "liệt kê". Ví dụ: tôi đạt được giải A ở cuộc thi B, đạt được GPA 4.0/4.0, vân vân. Nhưng không chỉ ra được rằng điều đó thì có ý nghĩa gì mà tự cho rằng người đọc sẽ tự hiểu. Đây là một sai lầm khá phổ biến. Để tránh điều này, sau mỗi câu mình viết mình đều tự đặt câu hỏi lại cho bản thân “so what?” hoặc “how?” để xem điều mình viết đã đủ thuyết phục chưa.
Nếu chọn đi từ free writing ở bước 2: quay lại để thu gọn các đoạn và sắp xếp, định hình cấu trúc cho bài luận/thư ngỏ. Lược bỏ những phần thừa, lặp lại. Thường mình rất chú trọng nguyên tắc “one sentence, one idea” – mỗi câu chỉ nên dùng để diễn đạt một ý, tránh dùng câu phức liên tục, nhồi nhét 2 – 3 ý vào cùng một câu. Câu chủ đề nên để ở đầu đoạn, mỗi ý tưởng trong một đoạn cần phải có ví dụ để chứng minh (nếu có thể đưa các con số vào thì càng tốt). Giữa các đoạn cần có sự liên kết với nhau để tạo thành một mạch – đây chính là lúc mình tạo ra mạch câu chuyện cho bài luận.
Bước 4:
Review lần 1
Review về nội dung xem những gì mình viết đã chặt chẽ chưa? Toàn bộ bài luận khi đọc lên có tính liên kết với nhau không? có lặp ý không?
Sau review lần 1, mình thường để ra một quãng nghỉ cho bản thân – tức là để bài luận đó, nghĩ về nó nhưng không đọc lại những gì mình viết cho tới khoảng 2 ngày sau. Cách này tạo cho mình không gian để suy nghĩ sâu hơn về những gì mình muốn truyền tải qua bài luận. Mình có thể nghĩ ra được ý mới hay hơn, cho bản thân tâm thế tốt hơn để review lần 2.
Bước 5:
Review lần 2
Lúc này mình sẽ đọc lại những gì mình đã viết 2 ngày trước đó. Thường thì mình sẽ nhìn ra được lỗi ngớ ngẩn nào đó mà khi trước mình không nhìn ra. Ở bước này mình sẽ review lại về cả mặt nội dung lẫn ngôn ngữ một lần nữa thật kỹ càng. Sau đó, mình sẽ nhờ người mình tin tưởng review giúp.
Khi nhờ ai đó review giúp bài luận/hồ sơ nói chung, mình thường xác định rõ xem người đó có khả năng review giúp mình ở phương diện nào. Ví dụ: người đó có khả năng tiếng Anh cực tốt, nhưng không có kinh nghiệm gì về học bổng mình nộp, cũng không hoạt động cùng chuyên ngành/lĩnh vực của mình. Vậy mình sẽ nói rõ với bạn ấy rằng mình muốn bạn ấy review về mặt ngôn ngữ - về ngữ pháp, cấu trúc câu nói chung. Và ngược lại.
Trải qua 5 bước này, bài luận của mình được cải thiện hơn rất nhiều. Mình mong rằng, những bước cơ bản này sẽ phần nào giúp các bạn có thể tạo một cái nền vững chắc, và tránh được bế tắc mỗi khi bắt tay vào viết luận.
Thank you. This is really helpful