Sau mấy tuần, làn sóng quan điểm về trường chuyên lớp chọn vẫn chưa dứt. Có lẽ cũng bởi đang vào mùa thi cử, chủ đề bỗng được tiếp thêm dầu để tiếp tục cháy. Hôm qua tôi tám chuyện với anh bạn về chuyện học trường Chuyên của tôi khi xưa.
Nên tôi thiết nghĩ, tôi sẽ kể cho mọi người nghe. Coi như là thêm một góc nhìn.
Từ cấp 2, tôi đã ôm mộng được học trường Chuyên cấp 3 của Tỉnh. Khi đó Hà Tây chưa xác nhập vào Hà Nội, nên Nguyễn Huệ khi đó với tôi là một giấc mộng to lớn nhất. Tôi thích Văn từ nhỏ. Đến lớp 9, khả năng học Văn của tôi bộc lộ càng rõ hơn. Tôi không có tiền mua nhiều sách, những quyển ‘văn mẫu’ duy nhất tôi mượn được là sách cũ tuyển tập những bài thi đạt giải Học Sinh Giỏi (HSG) Quốc Gia qua các năm. Cô giáo tôi cho tôi mượn về làm tài liệu ôn thi HSG Thành Phố lớp 9.
Tôi nghe nói nếu thi vào trường Chuyên là nơi rất tốt để học môn mình thích. Thế là tôi xin Bố tôi cho tôi đăng ký thi chuyên Nguyễn Huệ. Bố tôi bảo là “con không cần áp lực, đỗ thì tốt không thì về Xuân Mai học” (Xuân Mai là trường cấp 3 gần nhà tôi).
Năm đó tôi đỗ vào Chuyên Văn Nguyễn Huệ, đủ điểm để nộp nguyện vọng 2 vào HN-Ams. Nhưng sau đó, tôi vẫn theo Nguyễn Huệ đơn giản vì gần nhà hơn. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác sung sướng khi biết giấc mơ từ năm cấp 2 của mình cuối cùng đã thành hiện thực.
Ngày đầu tiên đến lớp làm quen với bạn học. Tôi trầm trồ trong bụng khi nghe tụi bạn nói chuyện về lí do nộp hồ sơ vào lớp Chuyên Văn ngày ấy. Hóa ra không phải chỉ có duy nhất một lí do là vì thích Văn điên cuồng như tôi (“vì yêu cứ đâm đầu”), mà còn có đa dạng đủ loại lí do khác, lí do nào nghe cũng thú vị cả:
- Tớ vào học lớp này vì trượt chuyên Anh/chuyên Toán - À vào trường Chuyên thì môi trường tốt hơn trường thường mà - Tớ muốn đi du học, vào trường Chuyên thì mới có học bạ đẹp để xin học bổng
Lúc đó, tôi cũng chưa hiểu rõ lắm vì tôi đúng nghĩa là một cô học trò nhà quê lên tỉnh. Sau đó, tôi thỏa mãn đam mê học Văn, viết Văn, đi thi nhiều cuộc thi ở đủ các Cấp. Nói ra thì tôi đúng là một học sinh trường Chuyên mẫu mực theo tiêu chuẩn của xã hội, trừ việc tôi đã trượt ĐH nguyện vọng 1 sau khi 2 lần liên tiếp đạt giải Khuyến Khích Quốc Gia Môn Văn (mọi người hay gọi là giải khúc khích, vì chỉ ‘khúc khích’ thôi chứ còn lại chả làm được gì). Tận 2 cái giải lận, nhưng không phải giải có số.
Nhớ lại quãng thời gian 3 năm học Chuyên, tôi nghĩ đó là một ký ức đáng để trải qua. Không phải vì nó toàn màu hồng và lí tưởng, mà bởi vì nó dạy cho tôi biết được cần phải cố gắng và theo đuổi đến cùng thứ mình muốn. Cho dù kết quả có thế nào, thì cũng phải đứng dậy mà tiếp tục cố gắng sau đó.
Học sinh trường Chuyên hay bị bảo là "mọt sách"/"gà", và giá trị nằm ở thành tích?
Cũng có ý đúng. Vì học trường Chuyên có nghĩa là học nặng chuyên môn. Những bạn có ý định thi HSG Quốc Gia thì học cực nặng về môn Chuyên (nhưng đó là điều hầu hết các bạn thích). Những bạn chỉ có ý định chú tâm thi Đại Học (cố tình tự đánh trượt bản thân trong kì thi đội tuyển) thì sẽ tập trung vào khối thi ĐH. Ở trong một môi trường mà hầu hết là những người có tố chất, con người ta sẽ tự khắc phải phấn đấu để theo kịp. Điều này tạo ra 2 hệ quả, cũng dễ đoán được, một là sẽ sống sót tốt và trở nên tốt hơn, hai là sẽ bị nhấn chìm bởi áp lực.
Tuy nhiên khái niệm “mọt sách” hay “gà” không áp dụng cho tất cả. Có chăng là nó sẽ mất một thời gian lâu hơn để các bạn tỉnh mộng. Bản thân mình cũng thế, đã mất khoảng 2 năm để tỉnh mộng. Để xác định được mình muốn gì sau khi bước ra khỏi trường cấp 3.
Học Chuyên không có nghĩa là phải thi HSG Quốc Gia. Thi HSG Quốc Gia không có nghĩa là thần thánh và sau sẽ theo nghiệp nghiên cứu của môn học đó. Nói vậy để mọi người thôi nghĩ sai về kỳ thi nghe rất ‘đao to búa lớn’ đó.
Tôi thiết nghĩ, mọi người nên nhìn kỳ thi này dưới góc độ là nơi để học sinh được thỏa sức phát triển tài năng đặc biệt mà họ có, là một cột mốc để họ được tiếp tục nuôi dưỡng và đào sâu hiểu biết cũng như tình yêu với môn học. Từ đó, họ nhận thức được mình có thực sự muốn tiếp tục đi theo con đường chuyên môn đó hay không? Việc bồi dưỡng nhận thức và cách tự đặt ra câu hỏi về bản thân mình của học sinh Việt Nam nói chung, vẫn còn rất thiếu. Có lẽ bây giờ thời thế đổi khác, nhưng với tôi khi xưa, việc đó không phải chuyện ngày một ngày hai.
Trường Chuyên cũng là môi trường tốt để phát triển 'sức bền'
Tôi nghĩ điều quý giá nhất mình có được sau 3 năm cấp 3 không phải là những danh hiệu và giải thưởng, mà chính là sự rèn rũa về sức bền. Bản thân tôi có thể tự đứng dậy được sau cú shock chỉ được giải không số, sau đó là trượt ĐH để làm lại từ đầu một phần cũng là bởi ý chí của tôi được tôi luyện qua 3 năm làm học sinh trường Chuyên. Tất cả những áp lực, những câu hỏi tạo nên nỗi ám ảnh sợ hãi mà tôi phải trải qua năm 18 tuổi (ví dụ trong hình bên dưới) là hoàn toàn có thật. Nhưng đó có lẽ chưa là gì so với những thực tế mà cuộc sống vốn có. Vấp ngã và đứng dậy được chính vì vậy mà trở nên có ý nghĩa.
Để sang một bên những bất cập về chương trình sách giáo khoa, hay gánh nặng thi cử, tính chất của các kỳ thi, vân vân (tức là những vấn đề muôn thuở, ai cũng nói, ai cũng biết nhưng chưa ai làm gì được). Việc được tôi luyện trong một môi trường như Nguyễn Huệ nói riêng, và các trường Chuyên nói chung, tôi nghĩ là điều vô cùng may mắn với các bạn học sinh. Tôi đã từng gặp và nói chuyện với nhiều bạn ở nhiều trường Chuyên khác nhau trên cả nước như HN-Ams, Lê Hồng Phong, Quốc Học Huế, Chuyên KHTN. Tính cả chuyện “bias” rằng đó chỉ là số ít trên tổng số học sinh Chuyên trên cả nước, thì tôi nghĩ trường Chuyên vẫn là một nơi mà chúng tôi nếu được chọn lại, vẫn sẽ chọn.
Những người bạn ở trường Chuyên với mình vô cùng đặc biệt
Tôi rất may mắn vì quen được nhiều bạn giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ khi còn học ở Nguyễn Huệ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là ‘hội đội tuyển’. Hồi đó chúng tôi như một tập thể nhỏ có đủ các màu sắc khác nhau từ Văn, Toán, đến Hóa, Lý, Sinh. Dù các bạn đã biết thì cũng xin được nhắc lại, sức mạnh của sự đa dạng trong cuộc sống là rất lớn.
Nếu nhìn ở góc độ một cá nhân vào học một lớp chuyên về một môn, thì có thể là áp lực, là phiến diện. Nhưng đừng quên, rằng họ bước vào một môi trường có đủ hơn 10 lớp chuyên, gồm những người có nhiều khả năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau để học hỏi và giúp đỡ nhau. Trong cuộc sống sau này, sau khi đã kết thúc bài vở ở trường, họ có lựa chọn để duy trì và phát triển mạng lưới đó, dù là trong công việc hay trong đời sống thường nhật.
Vậy thì “bottom line” ở đây là: giống như việc bạn có trong tay một phương thuốc bổ đặc biệt, nhưng việc bạn dùng nó đúng cách hay sai cách thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất tất nhiên là bạn. Tôi, từ một cô học trò nhà quê lên Tỉnh học trường Chuyên, ôm theo giấc mộng Văn Chương, vỡ mộng, rồi tỉnh mộng. Áp lực cũng chịu đủ cả, “mọt sách” hay “gà” thì cũng đã từng sống qua. Nhưng trường Chuyên về bản chất, vẫn là một ký ức đáng giá và trên cả một chữ “Chuyên” đối với tôi, sau ngần ấy năm.
(CNH 09-12, mãi yêu).
Vancouver, Ngày 29 tháng 06 năm 2020
Kommentarer