top of page
Ảnh của tác giảNguyet-Anh Nguyen

Vancouver trong tôi: thành phố ven biển miền tây Canada

Thứ hai bao giờ cũng là ngày có không khí làm việc chậm rãi vì dư âm của cuối tuần vẫn còn. Hôm nay nhiệt độ còn xuống rất thấp. Mới hôm qua trời còn nắng ấm, chỉ hơi lạnh se ở mức 9 – 10 độ, thì sáng nay khi ra khỏi nhà lúc 8 giờ sáng để đi làm, tôi đã cảm nhận rõ cái lạnh buốt trên những đầu ngón tay.

Ở Vancouver những ngày 1 – 2 độ C như hôm nay không nhiều, nhất là vào đầu mùa Đông. Năm nay, quả thật là một năm kỳ lạ, đến cả mùa Đông cũng đến sớm và lạnh hơn mọi năm.

Mười rưỡi sáng, Dean rủ tôi cùng xuống tầng một lấy thêm cafe, một thứ không thể thiếu được vào buổi sáng như sáng thứ hai. Vừa bước xuống cầu thang thì thấy tuyết rơi trên vai áo. Với tôi, lần nào cũng thế, kể cả lần đầu tiên thấy tuyết rơi ở Vancouver, tôi vẫn cứ nghĩ nó là bọt xà phòng. Lí do đơn giản là vì tuyết ở Vancouver không giống với tuyết của hầu hết những nơi còn lại của Canada. Bông tuyết của thành phố ven biển không khô và nhẹ, nó mang đậm cái nét của một thành phố vốn được mệnh danh là “Raincouver” (là cách chơi chữ mà người dân nơi đây ghép từ “Rain” vào theo vần của tên thành phố -couver”)

Không chỉ có tuyết, thành phố ven biển bờ Tây Canada này còn có rất nhiều điều khác biệt thú vị, mà trước đó chính bản thân tôi cũng chưa biết hết.


1) Thời tiết khác hoàn toàn với những gì mọi người nghĩ về Canada – Vancouver thỉnh thoảng mới có Tuyết vào mùa Đông


Vài năm sống ở thành phố này, tôi dần quen với việc nghe bạn bè của tôi kể về mùa đông “thực sự” của Canada ở các tỉnh bang khác, khi tuyết dày lên tới tận đầu gối và nhiệt độ thì xuống tới -40 độ. Bạn cùng nhà của tôi từng sống ở Alberta một năm, cậu ấy kể lại về cái lạnh khô và rất khác với cái lạnh của Vancouver—lạnh mang nhiều ẩm từ biển, nên dù nhiệt độ không xuống quá thấp thì cái lạnh vẫn rất buốt. Để giữ ấm được tốt nhất, thì thay vì mặc một chiếc áo khoác dày và to sụ, người dân Vancouver tạo thói quen mặc “layers” tức là mặc nhiều lớp áo mỏng, và nhất thiết lớp áo ngoài cùng nên là lớp áo chống nước, vì ở Vancouver mưa rất nhiều.

Ngoài sự khác biệt lớn nhất vào mùa đông ra, thì những mùa còn lại của Vancouver được phân chia khá rõ rệt. Thiên nhiên ở đây phản ánh rất rõ đặc trưng của từng mùa. Mùa xuân cả thành phố sẽ tràn ngập sắc hoa anh đào, từ hồng phớt đến hồng đậm, đủ các sắc thái. Mùa Hè sẽ là mùa cây cối xanh tươi rợp bóng, nhiệt độ ấm lên nhiều, chạm ngưỡng hơn 20 độ C là thời điểm thích hợp để mọi người tìm đến các khu leo núi, khu bảo tồn thiên nhiên, đi ra biển tắm nắng, hoặc chèo kayak ở những vịnh nhỏ gần thành phố. Mùa thu thì cả thành phố sẽ khoác lên chiếc áo vàng – đỏ rực rỡ trước khi trời chuyển đông.


2) Đa dạng văn hóa được hiện lên như những “mảnh ghép” (cultural puzzles), khác hoàn toàn với bạn “hàng xóm” Mỹ—đa dạng văn hóa được ví như một “melting pot”


Trước khi tới Vancouver, tôi đã từng nghe từ rất nhiều bạn bè rằng lối sống và văn hóa của hai nước Canada và Mỹ khá giống nhau. Thực ra điều đó cũng có rất nhiều phần đúng. Tôi đã có dịp đi dọc một số thành phố ở bờ biển phía Tây nước Mỹ. Trong một chuyến roadtrip mùa hè năm 2018, khi câu chuyện trên xe đang hướng dần vào sự khác biệt giữa Mỹ và Canada, tôi hỏi Grace—cô bạn người Mỹ cùng nhóm nghiên cứu của tôi rằng: “sau 2 năm ở Vancouver, cậu thấy điều gì thú vị nhất mà cậu không thấy ở Mỹ?”. Lúc đó Grace đã trả lời: “sự đa dạng văn hóa theo kiểu ‘puzzle’ chứ không phải theo kiểu ‘melting pot’.


Về sau, càng có thời gian khám phá Vancouver nhiều hơn, tôi càng thấy những gì Grace nói khi đó rất đúng. Ở Vancouver và những thành phố lân cận, tôi cảm giác như mỗi khu vực là một mảnh ghép văn hóa được tạo nên bởi cộng đồng người nhập cư. Tôi có thể bắt tàu và đến Richmond và sẽ ngỡ rằng mình đang ở Trung Quốc, hoặc có thể đi dọc đường Kingsway để có cảm giác đang lang thang giữa một con phố ở Việt Nam. Rồi các cộng đồng Hàn, Nhật, Ấn Độ, phân bố ở các khu vực lân cận, tất cả ghép lại thành một bức tranh đa dạng văn hóa khổng lồ vô cùng đặc sắc cho khu vực Vancouver.


3) Phương tiện công cộng – không chỉ có xe bus và skytrain, Vancouver có tổng cộng 5 loại hình phương tiện công cộng khác nhau


Những năm sống ở Vancouver của tôi gắn liền với phương tiện công cộng. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên đến UBC làm thực tập sinh vào mùa Hè năm 2016, tôi cứ băn khoăn mãi vì không thấy trên xe buýt có người soát vé (ngố thật!). Sau đó là cảm giác thích thú khi có được chiếc thẻ “compass” vạn năng cho riêng mình. Chiếc thẻ dùng để “tap” khi đi phương tiện công cộng. Vì đặc điểm địa hình ven biển mà Vancouver có nhiều loại hình phương tiện công cộng hơn, gồm có bus, skytrain, seabus (xe buýt trên biển?), westcoast express (một dạng tàu nhanh), và ferry (bao gồm phà nhỏ đi trong vịnh, và phà lớn đi từ Vancouver đến các thành phố khác nằm trên đảo Vancouver).

Điều tôi thích nhất khi tham gia phương tiện công cộng ở thành phố này là mọi người luôn nói cảm ơn mỗi khi xuống xe. Ngoài văn hóa “sorry” nổi tiếng của người Canada, thì có lẽ văn hóa “thank you, driver” là một nét văn hóa “đốn tim” tôi ngay từ những ngày đầu sống ở thành phố xinh đẹp này.



4) Thành phố liên tục lọt top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là thành phố có mức sống đắt đỏ nhất Canada

Dù không nổi tiếng như New York hay những thành phố “đình đám” khác của Bắc Mỹ, Vancouver là thành phố được xếp hạng thành phố đáng sống nhất bắc Mỹ và liên tục giữ vị trí cao trong top 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Sống ở Vancouver đồng nghĩa với việc bạn có thể ở trên phố tận hưởng sự tấp nập và sầm uất, tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, đi trượt tuyết, hoặc leo núi, và ngắm hoàng hôn trên biển trong cùng một ngày. Bên cạnh đó, sự đa dạng về văn hóa tạo nên một nền ẩm thực phong phú. Những lễ hội đa sắc màu vào mùa Hè là một điều khiến Vancouver trở thành điểm đến du lịch khó có thể bỏ qua ở Canada.


Vancouver có quá nhiều điều tuyệt vời như thế, nhưng đổi lại điểm yếu lớn nhất của thành phố xinh đẹp này đó là sự đắt đỏ. Ký ức tìm thuê nhà ở Vancouver trong suốt mấy năm ở đây, với tôi, luôn luôn là một thử thách lớn. Giá nhà ở Vancouver đắt hơn rất nhiều so với những thành phố khác của Canada. Chi phí sinh hoạt vì vậy cũng đắt đỏ hơn, thành ra nó giúp tôi tập được thói quen chi tiêu khoa học hơn, biết cân nhắc cho mỗi khoản chi tiêu hàng tháng. Tôi yêu quý thành phố này như quê hương thứ hai của mình. Sau vài năm, có lẽ nếu một ngày phải rời khỏi nơi này, tôi sẽ nhớ Vancouver nhiều nhiều lắm.

---

Ảnh: đây là vài bức hình tôi chụp, rải rác qua nhiều năm ở Vancouver, đủ các mùa ở nơi đây. Có lẽ chỉ nhiêu đó chưa lột tả hết được vẻ đẹp của nơi này, nhưng mong rằng những tấm hình sẽ giúp mọi người phần nào cảm nhận được những điều tôi kể.

175 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page