top of page

Làm thế nào để xây dựng thói quen học tập bền vững và đạt GPA cao?

  • Làm thế nào để duy trì được GPA 3.85/4.0 trong khi vẫn tham gia được hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội?

  • Một ngày Moon ngủ mấy tiếng để có đủ thời gian để hoàn thành tốt mọi việc?

  • Làm sao để có được work-life balance?

Đây là ba câu hỏi mình nhận được nhiều nhất về chủ đề học hành/làm việc trong thời gian gần đây. Vì thế, mình sẽ viết ra một số cách mình đã áp dụng, và cả những bài học mình tự rút ra được trong suốt 4.5 năm học Đại học ở Việt Nam và 2 năm học Thạc Sỹ ở Canada.

Lưu ý rằng ở mỗi môi trường học tập và ngành học sẽ có những đặc thù khác nhau. Vì vậy, các bạn nên chú ý đọc những gì mình viết sau đây với tâm thế so sánh, đối chiếu với đặc thù hoàn cảnh của các bạn để có thể chọn lọc được những gì phù hợp nhất nhé.

Thời gian biểu từ hồi còn học Thạc Sỹ của mình ở UBC. Kỳ học đó mình tập trung vào việc viết luận văn là chủ yếu, nên phần lớn thời gian được phân bổ cho việc viết, viết và viết; còn lại những hoạt động khác chỉ chiếm phần nhỏ thời gian trong tuần.


1) Planning for a continuous learning journey: lên kế hoạch cho một hành trình học tập bền bỉ, không dồn tất cả vào những tháng/tuần cuối cùng của học kỳ.


Ngày trước cứ đến mùa thi là mình thấy các bạn của mình đồng loạt “khóa facebook” để tập trung ôn thi. Mình thì ngược lại, có lần sát đến ngày thi cuối kỳ mình vẫn có tâm trạng để đi xem phim để lên dây cót cho tuần thi sau đó. Thực ra không phải mình thiên tài gì so với các bạn mình hết, chỉ là mình biết mình không phải người có thể “handle” được tất cả mọi thứ chỉ trong vài tuần cuối cùng của học kỳ, nên mỗi khi bắt đầu kỳ học mới, mình đều dành thời gian để lên kế hoạch cho cả kỳ học.


“Planning” với mình có rất nhiều cấp độ khác nhau, gồm: kế hoạch cho cả kỳ (ví dụ: kỳ này học bao nhiêu môn, sẽ tham gia khoảng bao nhiêu hoạt động lớn, hoặc tổ chức bao nhiêu sự kiện lớn cho câu lạc bộ, vì hai năm cuối Đại học mình là phó chủ nhiệm, sau đó là chủ nhiệm một câu lạc bộ trong trường Đại học); kế hoạch tuần—lên thời gian biểu dựa vào lịch trình lặp đi lặp lại trong một tuần, giống như là thời khóa biểu ngày xưa mình đi học cấp 1 đến cấp 3 vậy. Thời gian biểu này được sử dụng như một khung chung, sau đó tùy vào từng tuần cụ thể, mình luôn dành ra khoảng 15 – 30 phút vào thứ hai để “planning for the week”, cũng có khi mình sẽ làm điều này vào tối chủ nhật để tiếp thêm năng lượng cho ngày thứ hai. Cấp thấp nhất là “planning for the day”, tức là mường tượng ra một ngày của mình sẽ có những điều quan trọng gì cần phải hoàn thành trước khi ngày đó kết thúc.


Thói quen “planning” nhiều cấp này đã giúp mình tổ chức cuộc sống một cách gọn gàng hơn, đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều.


2) Know your limits and habits: hiểu giới hạn và thói quen của bản thân


Lên kế hoạch thì ai cũng làm được, nhưng có một điều mà không phải ai cũng làm được đó là hiểu “thói quen” của bản thân mình. Lên kế hoạch là một chuyện, hoàn thành nó 100% như mình đã định là điều cực kỳ khó. Vì sao? vì nhờ có những thứ như “trì hoãn”, “ham vui”, và ti tỉ những lí do cực kỳ chính đáng khác mà chúng ta ai cũng mắc phải. Những điều đó là rất bình thường, ai cũng có hết. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa rủi ro thì mình cần hiểu rõ về giới hạn chịu đựng, độ trì hoãn, và mức độ xao nhãng của bản thân là ở đâu. Sau đó, kết hợp điều này trong lúc lên kế hoạch. Việc này sẽ giúp chúng ta lường trước được phần nào, và lên kế hoạch một cách “thực tế” hơn và phù hợp với bản thân mình hơn. Ví dụ: bạn biết là trong 1 giờ bạn chỉ có thể làm được tối đa 1 nhiệm vụ, thì đừng có vì nể người A, B, C nào đó mà gật đầu nhận 3 nhiệm vụ, sau đó loay hoay dằn vặt bản thân là tại sao mình không có đủ hơn 24 giờ một ngày.


Biết giới hạn và thói quen của bản thân để sửa đổi, và cũng là để học cách nói “không” đúng lúc đúng chỗ. Đơn giản vì ngoài việc tập trung học hành, làm việc của bản thân, chúng ta còn có rất nhiều thứ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày nữa. Vì vậy, đây là kỹ năng cực kỳ quan trọng để bản thân mình có thể điều tiết thời gian cho bản thân.


3) Create your own learning tools: tự xây dựng cho mình những “công cụ” học tập riêng


Không có một công thức hoặc phương pháp học tập nào có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Cách duy nhất là bạn phải tự quan sát và tìm ra phương pháp nào là phù hợp cho mình, trong nhiều trường hợp bạn có thể tự tạo ra một cách học mà bạn thấy hiệu quả, hoặc điều chỉnh dựa trên những gì có sẵn. Có hai điều mà mình thấy cực kỳ quan trọng để cân nhắc để học tốt (và thậm chí là cả làm việc tốt): đọc và hệ thống hóa kiến thức.


Khi còn học Đại học, mình vẫn còn nhớ mãi có một môn học cực kỳ khó nhằn của giáo sư người Mỹ. Đó là một trong những môn học chuyên ngành mà trung bình trước mỗi buổi học tụi mình đều phải đọc ít nhất 1 – 2 chương sách. Và nếu không đọc thì lên lớp sẽ thực sự bị “lost”. Khi sang Canada học cao học, điều tương tự cũng diễn ra, thậm chí còn kinh khủng hơn, vì số chương sách không dừng lại ở 1 – 2 chương nữa, mà là từ nhiều sách và mỗi sách 1 – 2 chương cho mỗi buổi học.


Ai có thời gian để đọc được hàng trăm trang sách học thuật trong vòng một buổi tối? (vẫn phải làm những việc khác, học những môn khác). Vì thế mình áp dụng một số cách khá quen thuộc sau đây:


a. "Cheat sheets": nôm na là mình sẽ skim/scan tất cả những gì được giao trong mục reading trước khi đâm đầu vào đọc, và tạo nên những “cheat sheets”- một dạng bảng tóm tắt ngắn gọn để mình biết cái gì nằm ở đâu. Khi đó mình đã có được một hình dung cụ thể là: “à, ngày mai mình sẽ học về những cái gì”. Sau đó, sẽ lọc ra những điểm quan trọng nhất để đọc trước. Ví dụ: những key concepts-khái niệm quan trọng nhất cho chủ đề đó và chắc chắn rằng mình hiểu rõ khái niệm, đọc thêm một vài ví dụ để hiểu xem chủ đề bài học đó áp dụng vào hoàn cảnh nào. Khi lên lớp thì thông qua việc thảo luận, trao đổi với bạn học, đặt/và trả lời câu hỏi với giáo sư, mình sẽ có được cái nhìn sâu hơn vào những gì mình học hôm đó.


b. Structured notes (categorize knowledge into topics/groups): ngoài ra, mình cũng sẽ tạo thói quen ghi chép và phân loại các chủ đề đã học, nếu có thể mình sẽ kết nối những kiến thức đã học với nhau để tạo thành một mạch hiểu về môn học. Cách này giúp mình hiểu và nhớ kiến thức một cách dễ dàng hơn mà không cần phải “học nhồi nhét”. Dù bây giờ ghi chép bằng tay không còn phổ biến, vì có quá nhiều phương tiện thay thế như ipad, laptop, vân vân. Mình vẫn cảm thấy ghi chép ra giấy tạo cho mình sự tập trung rất tốt.


Mình thường duy trì hai thói quen này suốt cả kỳ học, học tới đâu làm tới đó nên đến khi gần thi mình cực kỳ nhàn. Chỉ cần ngồi review lại, sắp xếp mọi thứ và bổ sung thêm những điều mình còn thiếu, là có thể sẵn sàng đi thi.


4) Be curious: expand your understanding actively – ask lots of questions


Có một điều cực kỳ quan trọng: ngoài việc tập trung vào giáo trình yêu cầu trên lớp, mình cũng duy trì một thói quen khác là tự tạo cho bản thân sự “tò mò” với những khái niệm/chủ đề thú vị được đề cập đến trong các môn chuyên ngành. Mình thích chủ động chọn ra một vài chủ đề làm mình hứng thú nhất để tự tìm hiểu thêm. Nhiều bạn chỉ nghĩ rằng “google” là để copy-paste chế thông tin vào bài tập. Mình thì coi “google” như là một thư viện khổng lồ để tự tìm hiểu thêm về một vấn đề, và cũng tự tạo cho bản thân mình việc đọc về một vấn đề ở nhiều nguồn khác nhau, tự “question” về sự giống và khác nhau giữa các nguồn đó. Thói quen này tạo cho mình khả năng “validate”- kiểm chứng thông tin. Ví dụ: một bài viết khẳng định rằng ăn nhiều món ăn A sẽ gây ra bệnh B, thì mình có khả năng tự thu thập thông tin và các bằng chứng khoa học để quyết định xem mình có tin thông tin mà bài viết đó đưa ra hay không.


Quay lại với việc học và làm việc cũng vậy, nếu mình muốn hiểu rõ bản chất và hiểu một cách đa chiều về một chủ đề, phương pháp, thì bản thân cần dành thêm thời gian để đọc và tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Nếu đọc được những nguồn tài liệu hay, mình sẽ ghi chú lại và tạo thành một bộ sưu tập tài liệu tham khảo cho môn học/chủ đề đó. Điều này tạo ra một thói quen học tập và tìm hiểu bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở việc “học cho qua môn” hay “làm cho xong việc”.


5) Don’t force yourself too much, take mini breaks throughout the term


Cuối cùng, điều quan trọng nhất là khi lên kế hoạch học tập/làm việc, mình luôn chú trọng việc dành ra những quãng nghỉ ngắn cho bản thân. Dành thời gian để cân bằng tâm trạng bằng việc không tự ép bản thân quá mức, luôn lắng nghe xem tình trạng cơ thể của mình ra sao. Ví dụ: nếu bạn cảm thấy ngột ngạt, bí bách và cạn ý tưởng thì có thể dành ra 15 – 20 phút nghỉ để đi dạo ở nơi có nhiều cây xanh, hoặc không gian thoáng đãng, mua một cốc đồ uống bạn yêu thích, nghe một vài bài nhạc bạn yêu, sau đó quay trở lại làm việc cũng không sao cả. Một điều cực kỳ quan trọng nữa là: ngủ đủ giấc. Nhiều bạn nghĩ rằng để thành công thì một ngày ngủ ít lại. Bản thân mình có những lúc cũng lâm vào tình trạng phải ngủ ít, đó là điều không thể tránh nổi. Nhưng mình có một nguyên tắc là không được để tình trạng đó kéo dài. Duy trì được thói quen ngủ đủ giấc là nền tảng tốt nhất để bạn làm việc và học tập hiệu quả.


Có một điểm lưu ý lớn mà mình tự rút ra được đó là: không phải lúc nào mình cũng có thể có một cuộc sống work-life balance một cách hoàn hảo tuyệt đối. Sẽ có lúc mình phải tập trung thời gian cho công việc nhiều hơn một chút, nhưng sẽ có lúc mình thời gian để “hồi sức” lại một chút. Nhưng dù có là điều gì thì cũng đừng để nó đi quá giới hạn chịu đựng của bản thân bạn. Vì vậy, hiểu được giới hạn của bản thân thì khi đó bạn đã nắm trong tay điều quan trọng nhất để đạt được một cuộc sống cân bằng rồi đó.

7.928 lượt xem3 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page