top of page

Đừng chỉ đi xa để ‘vi vu’, hãy hình dung về con đường mình sẽ đi (phần 2)

Phần 2: Mức độ khả thi của một cơ hội—“Tôi có gì? và họ tìm kiếm điều gì?”



Sau khoảng thời gian từ năm 2016 đến nay, khi đã trải qua một số hình thức trao đổi, thực tập, và học cao học tại nước ngoài với học bổng/chương trình đài thọ kinh phí toàn phần, có rất nhiều bạn hỏi tôi về việc làm thế nào để xây dựng được một hồ sơ mạnh và ‘hoàn hảo’? Kinh nghiệm ‘xương máu’ của tôi là gì?


Tôi luôn trả lời các bạn rằng bí quyết ở đây không có gì khác ngoài việc “chuẩn bị thật kỹ càng dựa trên hiểu biết rõ ràng về bản thân và chương trình/cơ hội bạn muốn theo đuổi”. Nhưng rốt cuộc thì làm thế nào để hiểu? đâu phải ai cũng tự dưng hiểu ra được mình đang có những gì? cần gì? và dễ dàng vẽ ra được một đường đi rõ ràng ngay từ đầu?


Đúng. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, ở thời điểm khi tôi còn là cô sinh viên năm thứ 2, lúc đó tôi vẫn còn rất lờ mờ về bản thân và những cơ hội tôi muốn nhắm tới (lắm lúc còn băn khoăn về sứ mệnh đến trái đất của mình, haha). Tôi cũng không phải thông thái ngay từ đầu, tôi chỉ nỗ lực tốt dần lên theo thời gian. Trong bài viết này, tôi sẽ viết về những điều tôi đã đúc rút được sau ngần đó năm, để cho những bạn đang và sẽ cần vạch ra cho mình một mục tiêu dù ngắn hay dài hạn, đều có thể tham khảo được: Điểm đáng chú ý:

  • Mức độ khả thi (% bạn sẽ đạt được một cơ hội/vị trí) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn hiểu về độ trùng khớp giữa những gì bạn có và những gì cơ hội/vị trí yêu cầu, bao gồm: trình độ, giai đoạn nghề nghiệp, tài chính, và phong cách làm việc.

  • Khi bạn nhìn ra được sự khác biệt giữa những gì mình đang có và những gì cơ hội yêu cầu, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng về mục tiêu cụ thể—những điều bạn cần làm để đạt được mục đích dài hạn.

Ảnh: Con đường ngập tràn lá Phong đỏ rực vào mùa thu, tại UBC Vancouver


1) Khái quát:

Bước 2: 1B Tôi có gì? + 2B Yêu cầu của cơ hội là gì? (hình bên dưới)

Việc vạch rõ ra những “lỗ hổng” (gaps) giữa những gì mình đang có và những gì cơ hội yêu cầu sẽ là kim chỉ nam cho bạn biết bạn cần bổ sung những yếu tố gì để bạn trở thành một ứng cử viên phù hợp nhất với cơ hội. Dưới đây, tôi dựa vào 4 yếu tố chính:

a) trình độ, b) giai đoạn học tập/nghề nghiệp, c) tài chính, d) phong cách sống/làm việc


a) Trình độ:

Trình độ học vấn/chuyên môn và hệ thống các kỹ năng mềm bạn có là điều không thể thiếu để hội đồng xét duyệt coi trọng bạn hay không. Tất nhiên, tùy vào chương trình mà yêu cầu và trọng số cho yếu tố này sẽ thay đổi tùy thuộc vào MỤC ĐÍCH CHÍNH của chương trình (ví dụ: chương trình chuyên về nghiên cứu sẽ khác với chương trình về đào tạo kỹ năng lãnh đạo). Nhưng hầu hết các chương trình về trao đổi/thực tập, và đặc biệt là du học ở các bậc học thì tất nhiên trình độ chuyên môn và kỹ năng là điều bạn phải chú trọng xây dựng một nền tảng vững.


Tuy vậy, dù ai cũng có thể phán chung chung rằng: "chuyên môn là GPA (điểm tổng kết) cao, kỹ năng tốt là tham gia nhiều hoạt động xã hội". Nhưng nếu có 50 ứng viên mà ai cũng có GPA cao, và hoạt động xã hội tốt, thì thực tế làm thế nào để bạn khác với những người còn lại? điểm mấu chốt ở đây là gì?


Theo kinh nghiệm của mình đúc rút được:

Chuyên môn: các bạn nên hiểu rõ xem chương trình của mình nhắm đến chuyên biệt vào mảng/chuyên đề/chủ đề cụ thể nào của ngành? Sau đó đối chiếu lại xem trong những gì mình được học ở trường (ví dụ: trong tổng số những môn chuyên ngành), thì thực chất môn nào là môn liên quan sát sườn nhất? từ đó hãy xoáy vào mảng đó để đào sâu. Lấy được điểm A+ của môn học đó vào bảng điểm để gây ấn tượng với người duyệt hồ sơ về những môn chuyên ngành, cộng thêm tham gia các hoạt động ngoài chương trình học có liên quan (ví dụ: nghiên cứu khoa học, chạy dự án ứng dụng những gì được học vào vấn đề thực tế). Sự tập trung phát triển chuyên môn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chính của chương trình không chỉ tạo sự khác biệt trong khâu ứng tuyển, mà còn là trang bị cho chính bạn kiến thức nền vững chắc để đến khi bạn tham gia chương trình, chính bạn sẽ là người được hưởng lợi nhất. Lí do là vì bạn đã chuẩn bị những hiểu biết cần thiết để tạo đà cho bản thân phát triển tối đa trong suốt quá trình trao đổi/thực tập/du học.


Kỹ năng/hoạt động xã hội: tương tự như mình đã phân tích ở mục chuyên môn, kỹ năng mềm cũng vậy. Đừng tham gia quá nhiều hoạt động xã hội hay câu lạc bộ hội nhóm một cách dàn trải. Hãy biết chọn lọc và nhắm đến những hoạt động/tổ chức có liên quan sát sườn với những gì bạn muốn theo đuổi. Nếu không thực sự biết ngay từ đầu thì đừng ngần ngại cho bản thân một khoảng thời gian ‘vùng đệm’ để thử xem mình thực sự muốn theo hướng nào, làm hoạt động về những điều gì? ứng dụng ra sao? Từ đó xoáy sâu và ‘bám chặt’ lấy lĩnh vực làm mình cảm thấy hứng thú và có khả năng duy trì bền vững. Làm đúng từ những điều nhỏ nhặt là chìa khóa của việc bạn xây dựng được một ‘profile’ chất như nước cất chẳng giống một ai!


b) Giai đoạn học tập/nghề nghiệp:

Bạn đang ở giai đoạn nào của hành trình học tập/sự nghiệp? Nếu là một sinh viên năm đầu thì lộ trình của bạn sẽ khác rất nhiều so với một sinh viên năm cuối hoặc người đã ra trường và đi làm được hai năm.

Với mỗi giai đoạn, lại có những loại học bổng/chương trình/cơ hội khác nhau. Bạn nên nhìn rộng ra để tìm hiểu thông tin cho đúng và sát sườn nhất với mình. Điều này rất quan trọng trong việc bạn tìm ra được cơ hội phù hợp với mình nhất. Hãy tưởng tượng như việc nhà sản xuất sữa cho trẻ em sẽ nhắm đến đối tượng khách hàng là các bà mẹ bỉm sữa, hoặc là thuốc bổ cho người già thì đối tượng khách hàng cũng sẽ rất khác.

Học bổng/cơ hội việc làm cũng như vậy, những tổ chức/ trường đại học/ chính phủ tạo ra một chương trình học bổng/ cơ hội để nhắm đến những đối tượng khác nhau, nhiệm vụ của bạn là hiểu rõ được họ nhắm đến ai? Và mình có phải là một trong số đó không? Nếu mình chưa đủ tiêu chí phù hợp thì liệu mình cần gì để trở thành người phù hợp? trong bao lâu thì sẽ làm được? Làm tốt được điều này sẽ một lần nữa tối giản được rủi ro của việc “ôi giá như 2 năm trước mình biết đến điều này sớm hơn *so sad”.


c) Tài chính: đây là yếu tố cực kỳ quan trọng (as always), gồm có những loại như sau:


Tự túc: bạn tự chi trả mọi chi phí liên quan đến chương trình/cơ hội. Mình chưa đi theo hình thức này bao giờ nên không có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ hiểu biết của mình thì các bạn nên cân đối và so sánh giữa các quốc gia/vùng mà bạn sẽ đến để tính được chi phí chính xác nhất, rồi so sánh với khả năng tài chính của bản thân/gia đình nhé. Nên tính dư ra một chút vì sẽ có nhiều thứ phát sinh, tốt nhất nên tìm được một người đang sống ở vùng đó/ học ở trường đó để hỏi xin kinh nghiệm thì sẽ có được con số sát thực tế nhất đó.


Được tài trợ: bán phần hoặc toàn phần—tổ chức trao học bống sẽ chi trả một phần hoặc toàn phần các chi phí liên quan. Ba chương trình lớn nhất mình tham gia từ năm 2016 – 2019 đều là đài thọ toàn phần, độ dài cũng thay đổi từ 5 tuần, 3 tháng, đến 2 năm. Lưu ý, một vài chương trình tài trợ toàn phần vẫn yêu cầu bạn vẫn phải ứng tiền ra mua vé máy bay (dao động tùy địa điểm đến), nên cũng cần chuẩn bị vay mượn gì đó nếu cần, sau đó họ sẽ bồi hoàn đầy đủ nên cũng không có mất gì hết (hehe). Trừ những chương trình trao đổi của chính phủ như YSEALI thì đại sứ quán sẽ lo từ A-Z (khỏi lo gì luôn, sướng lắm nhưng hem có tự lập được nhiều ở khoản đi lại).


d) Phong cách sống/làm việc:

Mỗi cơ hội sẽ cho bạn những trải nghiệm sống và làm việc khác nhau. Đơn giản nhất là địa điểm (thành phố, đất nước) bạn sẽ đến, rồi phức tạp hơn là loại hình của chương trình (tập trung vào nghiên cứu (thesis-based) hay học toàn bộ là các môn học (course-based) hay là bạn đơn giản tham gia một chương tình tập huấn với nhiều hoạt động nhóm? Tại sao điều này lại quan trọng và thực ra có gì để chuẩn bị? Từ kinh nghiệm của mình, nó quan trọng vì:

  • Bạn có thể có được hiểu biết rõ nhất về những gì người duyệt hồ sơ trông đợi ở một ứng viên (cách bạn thể hiện ra trong vòng phỏng vấn, bạn có là một người hợp với phong cách của chương trình không?)

  • Tránh việc bạn tự kỳ vọng quá nhiều rồi tự thất vọng về chương trình (haha)

  • Bạn có cơ hội trang bị cho mình những kiến thức về sự khác biệt văn hóa, lối sống, thời tiết, vân vân. Từ đó, bạn sẽ chuẩn bị tốt, tận hưởng và tận dụng tối đa cơ hội của bạn có.

2) Ví dụ:


Ở phần này mình sẽ lấy ví dụ từ hai chương trình có tính chất khá trái ngược nhau mà mình đã tham gia để làm ví dụ minh họa cho các bạn: 1) Globalink Research Internship của Mitacs tại Canada—gọi tắt là Mitacs Internship (12 tuần) và 2) YSEALI Academic Fellowship của chính phủ Mỹ (5 tuần)—bảng bên dưới:

Như các bạn thấy ở bảng trên, thì ở mỗi tiêu chí, hai chương trình mình đã tham gia có tính chất khá khác nhau, vì vậy mà việc mình tìm hiểu kỹ các thông tin này trước khi nộp hồ sơ là vô cùng quan trọng. Tương tự, bạn có thể dùng ví dụ này để vận dụng vào phân tích trường hợp riêng của bạn, để đối chiếu so sánh xem độ trùng khớp là bao nhiêu?

Sau đó, chúng ta sẽ cùng nhau bàn về làm như thế nào để mình có thể chuẩn bị tốt nhất để bản thân trở thành ‘người được chọn’ ở phần cuối của chuỗi bài viết này: phần 3: “Tôi cần làm gì?” nhé!

 

[Còn tiếp]

759 lượt xem2 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page