top of page

Chị ơi, sẽ ra sao nếu em không học trường "top"?

Mọi người bảo tôi: bây giờ tụi nhỏ không bị quá áp lực như thế hệ 9x đời đầu tụi mình, vì hình thức xét tuyển Đại Học rộng mở hơn. Nhưng tôi thấy tư tưởng và quan niệm về các trường tốp đầu – tốp giữa – và tốp dưới thực ra vẫn còn rất đậm sâu. Tôi lại ngồi đây và kể chuyện tiếp vậy:


Năm 2017, tôi khi đó bắt đầu khóa học thạc sĩ, tôi tham gia một buổi gặp mặt của câu lạc bộ kỹ năng giao tiếp cho sinh viên quốc tế tại Vancouver. Tôi vẫn nhớ mãi phản ứng của bạn ngồi cùng tôi khi nghe tôi giới thiệu học UBC—là một trong 3 trường ĐH hàng đầu Canada trong nhiều năm liền: “Good for you, you must be smart” (thật tốt cho cậu, chắc cậu phải thông minh lắm).


Tôi nghĩ trong đầu: “wow, cậu còn chưa nói chuyện với tôi đủ lâu, vậy mà lại nghĩ tôi thông minh chỉ ngay sau khi tôi nói ra tên trường tôi theo học”; hoàn cảnh đó kéo tôi về một ký ức tương tự lúc tôi là sinh viên ĐH năm nhất ở Việt Nam, trong buổi phỏng vấn cho một dự án xã hội ở Hà Nội. Bạn trong ban phỏng vấn đã hỏi tôi:


- “Cậu học trường nào thế?”; tôi đáp: “tớ học ĐH Lâm Nghiệp”

- “Trường nào cơ? Nông Nghiệp á?”, bạn ấy nheo mày.


Tôi nghĩ tôi ăn nói cũng rõ ràng mạch lạc lắm mà. Từ bé đi thi đọc hiểu tôi cũng toàn được khen là đọc to, rõ ràng, biểu cảm nữa chứ chả đùa. Thế là tôi rất kiên định nhắc lại, với niềm tinh mãnh liệt là chắc bạn ý chưa nghe rõ thật:


- “Không, là Lâm Nghiệp, chứ không phải Nông Nghiệp đâu cậu”

- “Ồ, tớ chưa nghe đến trường đó bao giờ luôn, còn không biết nó tồn tại ở Hà Nội cơ đấy”.

Tôi không biết các bạn cảm thấy thế nào, nhưng chính vì tôi đã ở trong cả hai trường hợp: một là sinh viên trường tốp dưới ở Hà Nội, hai là sinh viên trường tốp đầu ở Canada. Sự đối lập đầy thú vị ấy giống như sống một cuộc đời nhưng 2 lần tuổi trẻ vậy.

Về sau, tôi được không ít người hỏi về sự tương phản của hai trải nghiệm này. Đến tận hôm nay, tôi đặt hai câu chuyện ở cạnh nhau không phải để so sánh, vì tôi nghĩ mọi sự so sánh đều là khập khiễng nếu không áp dụng một phương pháp khoa học đủ chuẩn xác (đó là bệnh nghề nghiệp của tôi). Tôi chỉ muốn đặt nó cạnh nhau, để các bạn hiểu thêm một số điều tôi tâm niệm được như sau:


Danh tiếng của một ngôi trường không hoàn toàn định nghĩa năng lực của một ai


Lí do đơn giản: lá thư báo đỗ không phải là điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình sự nghiệp của bạn, nó chỉ đơn giản là một cột mốc. Hành trình sau đó của bạn, mà bạn chính là người cầm lái, mới thật sự góp phần lớn tạo nên bạn của sau này.


Nếu có một ngày, sau bao nhiêu cố gắng nỗ lực và mòn mỏi chờ đợi, bạn kết thúc với chuyện bị hụt điểm và phải đưa ra lựa chọn vào một trường có điểm đầu vào thấp hơn, không phải là trường tốp đầu. Bạn chắc chắn sẽ buồn lắm, người ta có thể cho rằng bạn là kẻ thua cuộc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải giới hạn khả năng phát triển và học hỏi của mình chỉ bởi vì bạn nghĩ trường tốp dưới không có môi trường phát triển tốt như trường tốp đầu.


Mục tiêu của việc đi học không phải là được thật nhiều điểm cao và lúc nào cũng vỗ ngực xưng danh mình học trường nào. Học là một hành trình bền bỉ, mà khi đó người đi học chủ động tạo được nền móng và phát triển tốt khả năng nhận thức cho bản thân, trong đó tôi coi trọng ba phương diện: chuyên môn + nhóm kỹ năng mềm + các mối quan hệ xã hội.


Ở Việt Nam, mọi người thường nhìn vào điểm đầu vào để chia nhóm các trường đại học, từ phụ huynh học sinh, đến chính cả các em học sinh, sinh viên. Trong cộng đồng nghiên cứu học thuật, khoảng gần chục năm trở lại đây đã có những chú ý hơn về việc xếp hạng các trường ĐH dựa trên số lượng bài báo công bố hàng năm trên các tạp chí khoa học quốc tế. Nhưng thực ra tất cả những tiêu chí đó chỉ là tương đối. Điểm mấu chốt tôi muốn truyền đạt vẫn chỉ có một câu đơn giản:


Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình muốn học được những gì

Quay lại ba điểm chính tôi đề cập: chuyên môn + nhóm kỹ năng mềm + các mối quan hệ xã hội. Ba điều này là ba yếu tố chủ đạo để tôi có thể từ một sinh viên trường “tốp dưới” (theo định nghĩa chung chung ở Việt Nam) trở thành sinh viên cao học với học bổng toàn phần ở một trường được ví thuộc nhóm “Ivy League Schools” của Canada. Vậy tôi đã làm gì ở 3 yếu tố trên trong suốt 4.5 năm học ĐH ở Việt Nam để có thể sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi may mắn đến với tôi?


Có một quy tắc mà tôi luôn luôn nhắc bản thân mình: mọi thứ đều cần có kế hoạch và sự chuẩn bị. Cụ thể, tôi đối chiếu giữa những gì mình đang có hiện tại và yêu cầu của điều mình muốn làm (vị trí công việc mơ ước, học bổng mơ ước, chương trình thực tập mơ ước, vv), từ đó xác định được “gaps”—những chỗ hổng, chỗ thiếu trên 3 phương diện lớn:


1) Chuyên môn: mình cần chuẩn bị những kiến thức chuyên môn gì? Tập trung hiểu rõ và nắm chắc được những kiến thức cần thiết nào mà công việc tương lai sẽ yêu cầu?

Học không cần dàn trải, học cần tập trung và có chất lượng. Nên chắc chắn bạn học hiểu, chứ không học “gạo”. Ngoài ra, cần sẵn sàng bắt tay vào học ngoại ngữ ngay từ năm đầu nếu bạn muốn tiến xa. Ngoại ngữ không nhất thiết phải là tiếng Anh, mà có thể là tiếng nào mà bạn thấy phù hợp với vị trí sau này của bạn. Ví dụ: bạn muốn xin vào làm cho một công ty Trung Quốc, thì bạn học tiếng Trung. Nhưng tiếng Anh giao tiếp cơ bản tôi vẫn khuyến khích bạn nên biết. Vì thời đại này, mọi thứ thật sự đều mang tính rất “toàn cầu hóa”. Đừng tự giới hạn bản thân mình, vì bạn có nhiều tiềm năng hơn bạn tưởng tượng đó.


2) Nhóm kỹ năng mềm: kỹ năng mềm có rất nhiều nhưng bạn nên xác định được những nhóm chính mà hướng công việc tương lai của bạn cần, từ đó tập trung cải thiện. Có một số nhóm kỹ năng mềm thì hầu như nghề nào cũng cần (tức là các nhóm kỹ năng có thể chuyển giao được—transferable skills) giống như nhóm kỹ năng giao tiếp (bao gồm: nói trước đám đông, kỹ năng viết và trình bày báo cáo, kỹ năng tương tác với đồng nghiệp, v.v). Làm nghề gì mà giao tiếp tốt cũng có lợi thế.


3) Quan hệ xã hội: phần này rất rộng, nhưng cũng là phần rất cần thiết và khó cân bằng nhất. Vì để vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi kỹ năng mềm, vừa năng nổ hoạt động xã hội để tạo kết nối là cực khó. Nhưng không phải là không thể. Đặc biệt ở các trường tốp dưới thì môi trường để các bạn thỏa sức khám phá và tham gia các hoạt động xã hội sẽ bị hạn chế hơn, nhưng vẫn có thể khắc phục được. Ví dụ: trường tôi ở ngoại thành, nên tôi tranh thủ cuối tuần để tham gia các hoạt động xã hội trong nội thành. Nếu trường tôi không tổ chức hoạt động tôi muốn tham gia để phát triển kỹ năng mình muốn, tôi sẽ tìm kiếm cơ hội từ các tổ chức phi chính phủ, hoặc các sự kiện lớn mở đơn cho sinh viên trên cả nước. Bạn không cần giới hạn bản thân mình chỉ tham gia những hoạt động có sẵn ở trường bạn học đâu. Hãy “think outside of the box” nhé.


Học ở trường tốp đầu có những lợi thế và áp lực riêng, nhưng học ở trường tốp dưới thì không đồng nghĩa với việc bạn là “ếch ngồi đáy giếng” đâu. Nó sẽ cho bạn cơ hội để tỏa sáng nếu bạn giữ vững được lập trường của mình, giữ vững tinh thần ham học hỏi, sự kiên trì và tự tin cho bản thân cơ hội phát triển dựa trên những cái sẵn có. Quan trọng là lúc nào cũng phải khiêm tốn và cầu thị.


Thế nên lần kế tiếp, nếu có ai muốn lấy tên trường họ học ra khoe với bạn, bạn cứ thản nhiên mà hỏi ngược lại rằng “hãy kể cho mình những điều hay ho cậu đã học được từ trường của cậu đi, mình đang rất háo hức nghe đây!”. Với mỗi người tôi gặp, tôi nghĩ tôi đều có thể học được gì đó từ họ. Tại sao không?


Qua bài viết này, tôi cũng muốn gửi gắm đến mọi người rằng: đã đến lúc nên thay đổi cách nhìn về các trường tốp đầu, hay tốp dưới. Những định kiến như vậy sẽ vô hình tạo áp lực lên các em học sinh, quan niệm lệch lạc sẽ dẫn đến các em hiểu sai về động lực của việc học, mục đích của việc học, và cách các em tự tạo ra trải nghiệm học hỏi cho mình.


Vậy nên, các em 2002 hãy cứ chiến đấu hết mình đi và đừng áp lực quá về chuyện trường tốp đầu hay tốp giữa hay tốp cuối. Cứ tự tin tỏa sáng dù mình có ở đâu, bởi vì nhân tố lớn nhất tạo nên số mệnh của mình vẫn cứ sẽ là chính mình, không việc gì phải tự ti cả, các em có thể làm nhiều điều ý nghĩa, và những điều đó sẽ đi với các em mãi về sau, chứ không chỉ là tên ngôi trường đại học các em theo học.

3.633 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Bình luận


bottom of page