top of page

Slow progress is still progress

7 cách giúp tôi đi qua những khoảng thời gian khó khăn của mình


12/03/2023 (7 ngày trước):

Tôi tự thân ra khỏi nhà, đi bộ tới một tiệm café để ăn bữa sáng muộn một cách lười biếng. Trong bối cảnh thời tiết u ám, tâm trạng rối bời, cơ thể mệt mỏi vì công việc, với tôi, đó đã là một bước tiến đáng kể. Dù tâm trạng không được tốt và 100% khỏe mạnh, tôi viết ra được khoảng đâu đó 500 từ trên blog để chia sẻ cùng bạn đọc. Ở thời điểm bài viết được viết ra, chính tôi cũng cảm thấy được nhẹ nhõm hơn nhiều phần. Tôi mừng rằng ở khoảng thời gian bận bịu và khó khăn này, tôi vẫn dám đối diện với những vấn đề của chính mình, và cho bản thân được phép bộc bạch nó ra bên ngoài.


18/03/2027 (ngày hôm qua):

Tôi dành nửa buổi chiều để đạp xe dọc bến cảng thành phố, rồi đi café, đi ăn tối cùng bạn. Chặng đạp xe 2 tiếng ngày hôm qua khiến tôi thực sự cảm thấy đã trở lại với nhịp sống bình thường trước đó, nhẹ nhàng và từ từ. Mùa mưa u ám dường như cũng đi qua vừa kịp lúc, tuyết trắng còn nhiều trên những đỉnh núi làm nền cho thành phố cảng đã nhộn nhịp vào mùa Xuân – Hè. Mọi thứ hoàn hảo tựa như một bức tranh. Trong lúc đạp xe, cứ chốc chốc tôi lại “ồ à” tự thốt lên rằng trời hôm nay đẹp quá; đến mức có vài lúc tôi không khỏi nghĩ rằng mình đang sống trong một bộ phim.


Nhìn lại, quả thực, bất kỳ điều gì tốt đẹp đều cần thời gian, như việc phục hồi sức khỏe tinh thần của tôi mấy tuần qua vậy. Quá trình có thể nhanh hay chậm tùy từng người một. Nhưng trong chính quá trình ấy, đôi lúc mình có cảm giác như mình nhúc nhích mãi chẳng được thêm một xíu xiu nào thành tựu. Nhưng mà, “slow progress is still progress”. Giống như sự tiến bộ đơn giản của tôi từ tuần trước qua tuần này vậy: từ đi bộ, sang đạp xe rồi kìa. Hehe.

Nói vui một chút như vậy thôi, chứ mục đích chính của bài viết này là lưu lại 7 cách giúp tôi đi qua những khoảng thời gian khó khăn của mình. Tôi hy vọng rằng, bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đang đi chậm quá, hoặc thậm chí đi lùi, thì những điều này có thể là một danh sách cho bạn tham khảo:


1) Self-reflection: tập ngồi xuống cùng nỗi buồn để nhìn nhận vấn đề thực sự của mình, không bỏ rơi cảm xúc, không trốn tránh đau khổ. Thực hành thói quen biết ơn và nghĩ đến những điều làm bản thân cảm thấy may mắn và trân trọng là cần thiết, nhưng việc đối diện với vấn đề của chính mình lại càng quan trọng hơn.

  • Tại sao vấn đề này lại ngăn cản mình tiến lên/làm mình cảm thấy bế tắc?

  • Bước đầu tiên mình có thể làm để gỡ rối được vấn đề đó là gì?

  • Sau mỗi bước gỡ rối, mình cảm thấy ra sao? Có hiệu quả không? có cần chỉnh sửa ở đâu không?

2) Finding hope: chiếc neo níu giữ mỗi người lại trên thế gian này chính là hy vọng. Để thoát ra được những khoảng thời gian tăm tối, sau khi nhìn nhận vấn đề rồi, thì điều tiếp theo cần làm là bồi đắp hy vọng. Giống như cách mà một người bạn của tôi nói, bằng ngôn từ bình dị và đẹp đẽ: bồi đắp niềm hy vọng như một chiếc bánh crepe ngàn lớp; mỗi lớp mỏng tang, nhưng cứ lớp này bồi lên trên một lớp khác, nối tiếp nhau. Một chiếc bánh ngàn lớp thơm ngon, được bồi đắp lên từ những lớp bánh mỏng tang như vậy.


Cuộc sống của mình cũng thế, nó đáng sống hơn dù chỉ nhờ một tia hy vọng bé xíu xiu. Hy vọng có thể đến từ một kế hoạch chuyển việc, chuyễn nơi ở, đi chơi, cùng thực hiện một dự án nhỏ cùng bạn thân/người thương, đồng nghiệp; hoặc bất cứ kế hoạch đơn giản nào cho chính bạn. Hãy bắt đầu bằng điều dễ nhất và gần bạn nhất.

3) Patience is a superpower: hãy kiên trì với chính bản thân mình. Một ngày, hai ngày, dù đã cố gắng vực dậy bản thân, nhưng vẫn chưa thấy tiến triển, chưa thấy kết quả. Vậy thì kiên trì thêm một tuần, hai tuần. Sự kiên nhẫn, bền bỉ, ngay cả với nỗi buồn của chính mình là một siêu năng lực giúp bạn chiến đấu với rất nhiều điều bất ngờ xảy đến – và nhất là những điều không như bạn hằng mong.

4) Stay proactive: không cần lúc nào cũng phải tích cực – “stay positive”. Nhưng nếu có thể, hãy “stay poactive” – chủ động. Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, chủ động đối diện với vấn đề để còn tìm cách giải quyết kịp thời, chủ động bắt đầu những bước đầu tiên để tiếp cận với vấn đề của mình. Sống một cách chủ động trong lúc chính bản thân còn cảm thấy không lết ra khỏi giường (không phải vì mệt mà đơn giản là vì chán nản) là một thách thức. Để làm được điều đó, hãy gom bước 1, 2, 3 vào cùng để tự tạo cú huých tinh thần cho bản thân mình.

5) Don’t confuse YOUR happiness with OTHERS: có một lần mình đã hỏi bạn mình: “điều gì khiến mày cảm thấy hạnh phúc?”’ bạn mình khi đó đã bảo: “tao thấy vui mỗi khi tao làm mọi người xung quanh vui”. Bạn mình là một đứa cực kỳ tốt. Nếu nó đã quý ai thì dốc hết tâm hết sức vì họ. Tiêu chí về hạnh phúc của bạn mình, mình không phủ nhận rằng chính mình cũng có phần cảm nhận thấy đúng. Khi mình giúp được một ai đó trong cuộc sống, nhất là người mình yêu thương, mình cảm thấy hạnh phúc lắm chứ. Nhưng điều đáng sợ nhất là khi mình nhầm lẫn giữa hạnh phúc của người khác và hạnh phúc của mình. Chỉ khi mình sống độc lập về cảm xúc, biết rõ mình muốn gì, cần gì, điều gì thực sự làm mình hạnh phúc, thì khi đó mình mới có thể chắc chắn rằng mình không sống vì người khác, không bị cuốn vào guồng quay “làm vừa lòng cả thế giới”; nhưng mình vẫn có thể mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh từ những việc mình làm.


6) Be comfortable with saying NO: 1 + 2 + 3 + 4 + 5 = it’s totally okay to say “no” sometimes. Khi có quá nhiều việc, nhiều người cần tới mình, và khả năng của mình có hạn; và dù cho mình có là một người “siêu nhân” yêu sự chu toàn tới mức nào đi chăng nữa, thì mình cũng đừng ngần ngại nói “không” khi mình biết rõ là việc đó nằm ngoài sức của mình. Dồn sức, tâm huyết vào những mục tiêu rõ ràng, quan trọng nhất trong cuộc sống ở hiện tại và tương lai gần, là cách giúp mình đứng dậy sau mỗi lần bị kéo tụt xuống thung lũng rối bời của công việc/cuộc sống.


7) Never forget the people who were there (and always there) for you!

ở những phút giây cảm thấy đơn độc nhất trên hành trình sống, tôi vẫn may mắn có thể tìm thấy ít nhất một người ở đó để tôi có thể dựa vào. Và tôi mong, bạn cũng như vậy.


Có rất nhiều người có gia đình, bạn bè đầy đủ; gia đình và bạn bè của họ yêu quý họ, ủng hộ họ. Nhưng không phải ai cũng may mắn để có được ít nhất 1 người thực sự hiểu, thực sự có thể cho họ dựa vào lúc họ khó khăn. Gia đình, người thân, bạn bè dù có tốt và ủng hộ bạn tới bao nhiêu, thì cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy họ không hiểu hết bạn, không thực sự “giúp” gì được bạn. Tình yêu và cách họ yêu bạn nhiều khi không thực sự là thứ bạn cần. Người đầu tiên mà bạn có thể dựa vào những lúc ấy có lẽ là chính bạn. Nếu may mắn hơn thì là người thương, bạn thân hoặc cha/mẹ/anh chị em. Nhưng dù là ai đi chăng nữa, tôi mong rằng bạn đừng bao giờ quên họ - những người đã từng ở bên bạn lúc khó khăn, và sẽ luôn luôn ở bên bạn khi bạn cần. Hãy nghĩ về họ, yêu thương họ, nuôi hy vọng, và cố gắng vì mình và vì họ. Và trong một số trường hợp, thì “họ” ở đây, chính là bạn.

Downtown Vancouver nhìn từ Stanley Park.

Những ngọn núi còn nhiều tuyết trắng nhìn tựa như một bức tranh.

---

Vancouver. Ngày 19/03/2023.

Mưa đã tạm vắng mặt, hoa đã bắt đầu nở trên khắp các nẻo đường. Tôi đã chạy, đã đạp xe, đã yêu đời hơn tôi của tuần trước.

Để lại đây những tấm ảnh của ngày hôm qua, để nhắc nhở bản thân mình: Slow progress is still progress, just keep going!

221 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page