top of page

The grass isn’t greener on the other side – it’s greener where you water it.

Vài tuần trước, tôi nhận được lời ngỏ công việc từ một công ty lớn hơn công ty hiện tại tôi đang làm việc. Lời ngỏ đến ở thời điểm tôi cũng muốn tự đánh giá lại giá trị của mình trên thị trường tuyển dụng. Bởi vậy, tôi đã gật đầu bước vào buổi nói chuyện với tâm thế “test” lại các kỹ năng của bản thân sau một thời gian đi làm: từ kỹ năng phỏng vấn, phản xạ trước những câu hỏi chuyên môn, tới cách tiếp cận về lương thưởng với nhà tuyển dụng. Tôi không chuẩn bị gì nhiều. Thậm chí, vào buổi trao đổi thứ hai với National Team Manager, buổi sáng tôi vẫn còn thong dong chạy xe đi uống Cafe ở đầu kia của thành phố. Nhưng cũng nhờ sự bình thản và chắc chắn đó, tôi tự tin và để lại được ấn tượng rất tốt với bên tuyển dụng.


Trước khi kịp biết, tôi đã có những trao đổi thú vị với National Team Manager và Team Lead của công ty. Sau buổi trò chuyện thứ 2, phía nhân sự đã liên lạc và đưa ra một offer làm việc hấp dẫn. Chiếc offer lấp lánh ở rất nhiều khía cạnh: cơ hội tham gia những dự án lớn ở cả Úc và Canada, hứa hẹn việc tôi đóng vai trò quan trọng trong team ở Vancouver, và mức lương cao hơn hiện tại 25%, cộng thêm nhiều phúc lợi khác.


Lựa chọn dễ dàng nhất (và có vẻ ‘exciting’ nhất) có lẽ là nộp đơn xin từ chức, rồi nhảy việc. Làm việc cho một công ty lớn hơn, phúc lợi cao hơn, nghe “oách” hơn có lẽ là điều mà đa số mọi người đều thấy dễ hiểu. Với tôi thì khác. Mục đích ban đầu của tôi vẫn không hề thay đổi kể cả sau khi nhận được offer lấp lánh kia. Lý do? Vì suy đi nghĩ lại, tôi biết rõ mình đang có một môi trường làm việc lý tưởng cho mục tiêu dài hạn, trong nghề nghiệp và cả cuộc sống ở Canada. Trên hết, tôi thực sự yêu những gì mình đã và đang xây dựng trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhân cơ hội này để có một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở với cấp trên hiện tại của tôi về mục tiêu nghề nghiệp, cũng như đánh giá lại giá trị của tôi trong công ty, sao cho tương xứng với thị trường hiện tại, trước khi year-end review của năm nay tới vào tháng 12.


Tôi dành một vài ngày để chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho buổi gặp với principal. Vì đây là lần đầu tiên tôi trải qua việc này, nên cảm giác cực kỳ hồi hộp và không khỏi lo lắng: đặt vấn đề sao cho nhẹ nhàng nhưng vẫn hiệu quả? Dẫn dắt vào việc chia sẻ thông tin về ‘outside offer’ ra sao cho hợp lý và không bị hiểu lầm rằng mình chỉ muốn đòi lương cao? Và nhất là làm sao để họ không mất lòng tin vào sự trung thành và tận tụy của mình với công ty? Có rất nhiều yếu tố cần phải cân nhắc và chuẩn bị trước khi bước vào buổi gặp. Vì vậy, tôi đã:


  1. Nhìn nhận lại và ghi ra những thành tựu hoặc đóng góp nổi bật của bản thân trong 1 năm vừa qua, cũng như sự phát triển trong kỹ năng, chuyên môn và vai trò của mình trong team.

  2. Chia sẻ về tầm nhìn cho sự phát triển của bản thân trong những năm tới là gì? muốn trở thành một người như thế nào trong công việc? Project Manager? Technical Expert? v.v.

  3. Chia sẻ về outside job offer, lí do tại sao có offer đó? Nhấn mạnh về việc mình trân trọng môi trường và công việc hiện tại và muốn ở lại công ty tiếp tục cống hiến như thế nào. Bởi nếu như thực sự chỉ ở lại công ty vì tiền lương, thì mình sẽ không bao giờ thực sự “thỏa mãn”. Lương thưởng là yếu tố quan trọng, nhưng lại là yếu tố cuối cùng giữ chân một nhân viên có chất lượng. Mặt khác, cơ hội phát triển về lâu dài, đồng nghiệp và cấp trên tốt, cùng văn hóa làm việc là những điều quan trọng hơn lương thưởng rất nhiều để một ai đó xác định gắn bó lâu dài với một công ty/tổ chức. Bởi xét cho cùng, phần lớn chúng ta dành gần 1/3 cuộc đời trưởng thành cho công việc. Làm sao để sống gần 1/3 cuộc đời đó sao cho vui vẻ và hạnh phúc là một điều cực kỳ quan trọng.

  4. Sẵn sàng chia sẻ thông tin cụ thể về offer nhận được. Cung cấp con số chính xác và trung thực, cộng thêm các phúc lợi kèm theo nếu có để thương lượng về việc ‘match’ offer. Vì thường khi một công ty muốn giữ lại nhân viên mà họ coi trọng, họ sẽ sẵn sàng đưa offer tương đương hoặc cao hơn những gì mà outside offer đưa ra.

  5. Sau khi đã có rõ ràng những ý mình muốn đề cập trong buổi gặp, tập nói ở nhà trước để khi vào buổi gặp thật, mình làm chủ tình huống và cuộc đối thoại một cách tự tin và suôn sẻ hơn.


Kết quả là Moon sẽ không nhảy việc, mà chọn làm người ở lại, tiếp tục đắp lũy xây thành, ở chính nơi đã mở rộng vòng tay chào đón Moon 3 năm về trước, khi Moon chưa có gì nhiều trong tay: không kinh nghiệm làm việc bên ngoài trường học, không thẻ thường trú nhân.


Nhờ có ‘biến cố tốt’ lần này, Moon càng chắc chắn hơn về con đường mình đã, đang, và sẽ đi. Moon cũng biết rằng đồng nghiệp và cấp trên trân trọng những giá trị mà Moon đầu tư thời gian và tâm sức trong suốt thời gian qua. Trải nghiệm lần này cũng cho Moon hiểu hơn bao giờ hết: Khi đã tìm được điều tốt đẹp cho mình, đừng để vuột mất, thay vào đó, hãy nuôi dưỡng và vun trồng cho nó bằng cả trái tim và khối óc của mình. Bởi một lẽ rất thường tình: “The grass isn’t greener on the other side – it’s greener where you water it.”

97 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page