“Sao tự dưng mấy hôm nay thấy mệt thế nhỉ?”
“Sao tuần này mình siêu thế, có thể cân hết cả ti tỉ thứ việc mà không thấy mệt?”
Đã có khi nào các bạn, đặc biệt là các bạn nữ, từng tự đặt cho mình những câu hỏi tương tự hai câu hỏi bên trên chưa? Bản thân tôi thì đã rất rất nhiều lần tự hỏi mình như thế. Sau này, tôi nhận ra rằng, tất cả những trạng thái “khỏe/yếu” mà tôi tưởng là “bất thường” kia, thực ra lại rất bình thường, và nằm trong một vòng lặp - mang tên - chu kỳ kinh nguyệt.
Sự liên quan giữa thay đổi tâm trạng, trạng thái của cơ thể trong từng giai đoạn của chu kỳ thì có thể ai cũng đã biết ít nhiều. Nhưng điều mà tôi ước rằng chính bản thân mình đã hiểu rõ sớm hơn, chính là cách để tối ưu hóa cuộc sống của mình dựa trên chu kỳ tự nhiên của bản thân.
Vẫn là chiếc bản lề cũ tôi hay chia sẻ: thời gian chúng ta có là gần như tương đương nhau, sự khác biệt nằm ở chỗ, chúng ta sử dụng nó như thế nào. Với khái niệm tối ưu hóa cuộc sống dựa trên chu kỳ tự nhiên, về cơ bản gồm có:
1/ Hiểu về 2 giai đoạn chính của chu kỳ kinh nguyệt:
a) Follicular phase (dẫn tới Ovulation Phase): giai đoạn cơ thể chuẩn bị cho việc rụng trứng, kéo dài khoảng 10 tới 16 ngày tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Với một chu kỳ 28 ngày, thì Follicular phase nằm ở hai tuần đầu tiên. Tôi hay gọi giai đoạn này là giai đoạn “vàng”. Lý do là vì đó là khi nội tiết tố estrogen bắt đầu tăng cao, thường cơ thể sẽ có nhiều năng lượng hơn, cảm thấy vui vẻ, thoải mái, và tự tin hơn. Một số nghiên cứu còn cho thấy, ở giai đoạn này, da của phái nữ sẽ đẹp hơn. Vì thế, giai đoạn này sẽ là giai đoạn tốt để bạn lên kế hoạch cho những việc quan trọng cần nhiều năng lượng, làm việc cường độ cao hơn, sắp xếp những buổi gặp gỡ hoặc phỏng vấn quan trọng vào giai đoạn này trong tháng nếu có thể. Tối ưu nhất là ngay sau khi kỳ kinh của bạn kết thúc, vì đây là giai đoạn nội tiết tố estrogen ở mức đỉnh điểm.
b) Luteal phase (dẫn tới Menstrual Phase): giai đoạn sau khi trứng rụng và không được thụ tinh, kéo dài trong thời gian còn lại của chu kỳ cho tới trước ngày kinh nguyệt. Với một chu kỳ 28 ngày, thì Luteal phase nằm vào khoảng hai tuần sau. Đây là giai đoạn tôi đặt tên là “take it easy”. Nội tiết tốt estrogen giảm từ từ tới mạnh, và progesterone tăng dần sẽ khiến bạn cảm thấy năng lượng giảm hơn giai đoạn đầu tiên của chu kỳ. Premenstrual syndrome (PMS) - hội chứng tiền kinh nguyệt - xuất hiện ở giai đoạn này, ví dụ gồm có: tâm trạng dễ thay đổi (mood swings), căng ở vùng ngực, lên mụn, vân vân. Đây là giai đoạn bạn nên tìm cách giảm bớt áp lực lên bản thân về cả thể chất lẫn tinh thần, cố gắng điều hòa và giữ nhịp làm việc, sinh hoạt, nhưng không nên quá khắt khe, trách móc hay tự đổ lỗi cho bản thân.
2/ Theo dõi chu kỳ của bạn mỗi tháng, tốt nhất có thể sử dụng lịch hoặc ứng dụng. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng miễn phí giúp bạn theo dõi các giai đoạn của chu kỳ, giúp bạn thống kê chiều dài của chu kỳ, số ngày kinh nguyệt, và sự thay đổi của cơ thể bạn qua từng giai đoạn nhỏ của chu kỳ. Số liệu thống kê ít nhất từ 3 tới 6 tháng gần nhất có thể giúp bạn hiểu hơn về cơ thể mình rất nhiều.
3/ Nắm rõ được chu kỳ và “body behaviours” của bản thân thông qua số liệu thực tế từ ý số 2 bên trên để tối ưu hóa những kế hoạch trong cuộc sống. Ví dụ, tôi có một thỏa ước với bản thân như sau: lên kế hoạch cho cơ thể nâng cao hiệu suất vào Follicular phase, và “take it easy” vào Luteal phase. Nếu có công việc hoặc sự kiện quan trọng trong Luteal phase, thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng và cho bản thân đủ thời gian để thực hiện.
4/ Chia sẻ những đặc điểm của chu kỳ với nửa quan trọng của mình. Điểm cuối cùng nhưng cũng là điểm vô cùng quan trọng nếu bạn có chồng/người thương (hoặc bạn là chồng và người thương của một bạn nữ và đang đọc tới tận dòng này 😛). Hãy chủ động chia sẻ những thời điểm quan trọng trong chu kỳ của mình để hậu phương cũng được biết, được làm quen với chu kỳ của bạn. Từ đó, họ sẽ không bỡ ngỡ với những lần “mood swings” của bạn, sẽ hỗ trợ bạn nhiều hơn khi bạn cần.
Cơ thể chúng ta cũng giống như một thế giới cần được khám phá và thấu hiểu. Khi thấu hiểu dần dần rồi, mình sẽ khắc thấy mình yêu cả chu kỳ vòng lặp mà trước kia mình chỉ biết vỏn vẹn bằng ký ức của những cơn đau bụng dưới. Chỉ cần tìm hiểu và chịu khó ghi chép hàng tháng, chỉ nửa năm sau thôi, bạn sẽ thấy những thay đổi rõ rệt trong cuộc sống của mình. Nếu bạn chưa biết chu kỳ của mình ra sao, chưa từng có số liệu ghi lại chu kỳ, thì còn chần chờ gì nữa mà chưa bắt đầu?
Ảnh: Vancouver đã vào hè. Bước chân xuống đường đã thấy hoa oải ương, hoa hồng, hoa cẩm tú cầu nở đầy khắp nẻo. Vào hạ mới được nhiêu đây, mà đã vội vàng sợ những ngày tháng đẹp đẽ này sẽ trôi qua mau. Đoạn, lại tự nhắc mình rằng: "không sao, cái đẹp tự nhiên, âu cũng là một vòng lặp. Mùa hạ nếu có đi qua, thì vẫn sẽ còn quay trở lại." ☺️
Comments