Sáng nay, tôi vừa nấu bếp vừa nhẩm tính, thì ra tôi cũng đã được 25 tuổi rưỡi. Tôi chẳng bao giờ chủ động tìm đọc những bài viết về sự chênh vênh của tuổi trẻ, tôi thích tự nghĩ về nó nhiều hơn. Giờ thì đứng giữa cái tuổi 25, tôi lại muốn viết về điều mà mình nghĩ trước sau cũng chỉ là tương đối này.
Thằng bạn hôm trước mới nói chuyện với tôi về công việc khó khăn vì dịch bệnh, hôm qua lại nhắn bảo tôi là “mày ơi tao mới chia tay người yêu”. Giờ tao không có gì ở hiện tại, cũng chẳng có kế hoạch gì cho tương lai cả.
Trên facebook, giữa bao nhiêu là điều hạnh phúc và thành công mọi người bày ra, thì có một bạn học cũ của tôi đi du học về Việt Nam lập nghiệp. Nó bảo rằng nó thấy bất lực vì cuối cùng cũng phải thừa nhận chênh vênh ở cái tuổi này là có thật. Khi thấy trong đầu mình có quá nhiều thứ muốn làm, thấy mình có bao nhiêu là tiềm năng nhưng cuối cùng thì lại ngồi đó và bất lực với hiện tại.
Tôi nghe người ta bảo những năm của tuổi 20 này thì đừng có tự cho mình nghỉ ngơi, đừng an nhàn vào cái tuổi còn chịu được cực nhọc.
Rồi tôi nhớ về bản thân mình mỗi lần ngồi căng mắt ra mà làm cho xong việc lúc 2h sáng, và ngủ vùi đến tận trưa muộn ngày hôm sau. Có những hôm tôi ngồi ăn cơm một mình nhưng không kịp nghĩ rằng cơm có ngon không? Hôm nay mình thấy thế nào? Đúng, tôi đã rất bận rộn. 25 tuổi, tôi không sợ thất tình, không sợ thất nghiệp, và không sợ vất vả làm ngày làm đêm.
Tôi đã tưởng bản thân mình chẳng có thì giờ để nghĩ đến cái chuyện “chênh vênh”. Nhưng mà tôi đã lầm.
Sáu tháng đầu của 2020 đã dạy cho tôi biết, thực ra những câu chuyện về sự chênh vênh của tuổi trẻ không nhất thiết nằm ở những chuyện như hoài bão, tình yêu, tiền bạc. Và chênh vênh sẽ không đi đâu cả dù bạn đã qua cái tuổi 25, cho dù bạn sắp 30 tuổi, hoặc thậm chí hơn. Nó vẫn ở đó nếu bạn chưa thật sự hiểu xem nguồn cơn của nỗi niềm đó là từ đâu mà ra?
Tôi đã nghĩ mình sẽ tập trung vào sự nghiệp và kiếm thật nhiều tiền, khi đó tôi sẽ có thể làm cái này cái kia mà mình thích. Tôi cũng có thể giúp đỡ được người mà tôi yêu thương nhiều hơn. Đúng, ý nghĩ thực tế đó đúng chứ. Nhưng ở thời điểm tôi đơn thuần nghĩ như vậy, với tôi cuộc sống giống như một “uphill battle”, tưởng tượng mà xem nếu đã phải đấu tranh với một điều gì đó cực kì khó khăn nhưng bản thân mình lại ở trong một tình thế bất lợi thì nó sẽ như thế nào?
Nên khi đó tôi đã quyết định trước tiên mình phải giành thời gian lắng nghe bản thân mình nhiều hơn. Sự chênh vênh đứng giữa ngã 3, ngã 4 ở một lúc nào đó trên cuộc đời sẽ luôn xảy đến, chứ chẳng phải chỉ ở tuổi 25 đâu. Chẳng qua ở mấy năm đầu của sự trưởng thành, tầm 25 tuổi, con người ta sẽ có thể đối mặt với những ngã rẽ như thế lần đầu tiên trong đời.
Nếu mỗi lần đứng giữa ngã ba đường như thế, tôi thực sự không biết mình muốn gì, hoặc ít nhất là biết mình thực sự không muốn gì nhất, thì chắc chắn lần tiếp theo tôi sẽ lại như vậy. Vì thế, nỗ lực để “đặt tâm trí mình vào chính mình” là điều có thể giúp tôi khỏe khoắn hơn trong tinh thần. Tôi hay nhớ về cảm giác cuối ngày nằm trên giường và sáng ra khi thức giấc, lúc đó là lúc tôi có cảm giác tĩnh lặng và trong sạch nhất về việc “thực ra mình đang có một đời sống tinh thần khỏe mạnh hay không?”.
Trong phim “The Dark Knight Rises”, nhà tù nơi Bruce Wayne (Batman) bị nhốt không có khóa, cũng chẳng có lính canh, nhưng ai muốn thoát ra khỏi nơi tù ngục đó thì chỉ có một cách là thực hiện cú nhảy thành công lên trên điểm cao nhất của “The Pit”- nhìn như một cái giếng sâu hoắm, để lên được mặt đất. Điều gì đã giúp Wayne thực hiện thành công cú nhảy?
“Sự sợ hãi”. Wayne đã thực hiện cú nhảy mà không có sợi dây thừng phòng bị buộc vào người. Thành công hoặc là chết.
Sức mạnh của sự sợ hãi không làm người ta trở nên yếu đuối đi đâu, nó làm người ta trở nên phi thường một khi người ta quyết tâm đối mặt với nó.
Chênh vênh tuổi 25, vì vậy, hoàn toàn có thể là thứ đáng sợ, ngay cả khi bạn đã qua 25 tuổi. Nhưng có một điều đáng sợ hơn đứng sau cái mác ‘chênh vênh 25’ đó, chính là mình chưa bao giờ thực sự lắng nghe bản thân mình, chưa từng nỗ lực đi tìm giá trị cốt lõi của mình, chưa bao giờ dám đấu tranh đến cùng vì những giá trị cốt lõi đó. Bởi vì bạn nghĩ đâu đó vẫn có một sợi dây thừng bảo bộ, và vì bạn chưa sợ hết mình để thực hiện cú nhảy ra khỏi cái nhà tù không khóa, không cả lính canh của chính mình.
Phần 2 của "Tuổi trẻ mình sống vì đâu?" sẽ sớm ra mắt các bạn, hãy nhớ đón đọc nhé!