top of page

Đi tìm trạng thái dòng chảy.

Vòng tròn ikigai là khái niệm nổi tiếng tới nỗi có rất nhiều người chưa từng đọc hết cuốn sách Ikigai của Héctor García và Francesc Miralles cũng biết tới. Nhưng cá nhân tôi lại yêu thích khái niệm trạng thái dòng chảy nhất trong cuốn sách. Một trạng thái có thể dùng để tháo gỡ rất nhiều khái niệm phức tạp khác mà cuộc sống hiện đại tạo ra để định nghĩa hạnh phúc của một ai đó:


“The happiest people are not the ones who achieve the most. They are the ones who spend more time than others in a state of flow.” (Ikigai)

“Những người hạnh phúc nhất không phải là người đạt được nhiều thành tựu nhất. Họ là những người ở trong trạng thái dòng chảy nhiều hơn tất thảy những người khác.” (Trích sách ‘Ikigai’, tạm dịch).


Có rất nhiều bạn đã từng nhắn tin hỏi tôi chia sẻ thêm về cách quản lý thời gian, để làm sao có thể vừa làm, vừa học, vừa viết blog mà vẫn vui vẻ không bị “burn out”. Thực ra tôi cũng có rất nhiều giai đoạn bị burn out, bị kiệt sức, quá tải đến mức nằm thừ trên giường từ sáng đến trưa nghĩ xem mình tồn tại trên đời này làm gì. Sau rất nhiều lần như vậy, tôi nhận ra, thực tế mỗi người đều có một quỹ thời gian như nhau mỗi ngày sống trên đời: 24 tiếng. Quỹ thời gian ta có là như nhau, nhưng điều làm nên sự khác biệt là cách mình sử dụng nó ra sao, cách mình đặt tâm thế và suy nghĩ của mình vào nó như thế nào.


Phần lớn những khoảng thời gian tôi cảm thấy mình bị áp lực, sống mệt mỏi nhất là do tôi cho phép mình lo lắng quá nhiều về những điều đã xảy ra rồi, hoặc những điều chưa xảy ra. Đặc biệt, là những điều đã/chưa xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Những khoảng thời gian lo lắng về điều mình không thể kiểm soát ấy khiến tôi còn rất ít thời gian để đạt được một trạng thái dòng chảy (a state of flow) cho những việc quan trọng nhất mà tôi cần/nên tập trung vào.


Hãy thử nghĩ lại xem đã bao lâu rồi bạn không ở trong trạng thái làm một điều gì đó say sưa đến mức không quan tâm những gì đang diễn ra xung quanh, đến mức bạn không còn có cảm giác thời gian trôi nhanh hay chậm, đến mức khi bạn cầm tới chiếc điện thoại thì đã có vài cuộc gọi nhỡ, vài tin nhắn chờ?


Trạng thái dòng chảy là một trạng thái, ít nhiều, chúng ta đều đã từng trải qua trong đời. Nhưng phần lớn chúng ta không “nhận thức” được. Vì thế, phần lớn, chúng ta không chủ động để ý và phân tích xem điều gì giúp chúng ta đi vào trạng thái dòng chảy, và tại sao chúng ta lại có được nó? Để từ đó, rèn luyện được kỹ năng có thể chủ động đi vào trạng thái dòng chảy khi ta muốn. Khi rèn luyện được khả năng này, mình sẽ không còn áp lực về chuyện phải “ngủ ít làm nhiều”, hay phải cày cuốc từ 9 giờ sáng tới 6 giờ tối nữa. Hoặc ít nhất, mình có thể tận hưởng được trọn vẹn nhất những khoảng thời gian mình dành ra cho một việc gì: dù là chuyên môn hay là những hoạt động giải trí, khám phá; dù là việc đơn giản hay phức tạp, hãy cố gắng quan sát xem đâu là những hoạt động giúp bạn đạt được trạng thái dòng chảy.


Khi tìm ra được cách tốt nhất giúp bản thân đi vào trạng thái dòng chảy, hãy cố gắng thực hành nó mỗi ngày để tạo điều kiện cho cơ thể và trí não của bạn có cơ hội “tập thể dục” đều đặn. Ngoài ra, khi có thời gian tự do, không bị ràng buộc bởi trách nhiệm, bạn cũng có thể tự tận hưởng đi vào trạng thái dòng chảy khi học thêm những điều mình tò mò, làm những điều mình muốn cùng với người mình thân thiết, yêu quý.


Ví dụ, sáng chủ nhật là thời điểm yêu thích của tôi để làm một đầu việc chuyên môn nhỏ nào đó mà tôi thực sự thích nếu không đi ra ngoài. Khi thì là ngồi đọc thêm tài liệu chuyên ngành mà bình thường ngày trong tuần không có đủ thời gian. Khi thì dành thời gian nghiên cứu thêm những cách tối ưu công việc tôi cần làm. Học thêm chuyên môn và đi vào trạng thái dòng chảy khoảng 2 tiếng sáng chủ nhật là một trong những biện pháp “chữa lành” mà tôi tự tạo ra cho mình trong rất nhiều năm rồi. Nghe thì có vẻ hơi buồn cười, nhưng bản thân tôi vốn là người thích được thong thả bằng sự chuẩn bị. Vì thế, tôi tập dành ra một phần nhỏ trong những ngày nghỉ để chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng hơn, để tôi có thể sống từ từ hơn trong những ngày mà ai ai cũng phải sống vội. Nhờ có thói quen này mà trong nhiều năm tôi đã loại bỏ được chứng buồn chán vào sáng thứ hai hàng tuần, thay vào đó, tôi có thể bắt nhịp rất tốt cho tuần mới ngay từ sáng sớm thứ hai.


Nếu tuần nào không có thời gian tập thể dục trí não vào chủ nhật, thì sáng thứ hai tôi sẽ chọn 1 đầu việc đơn giản mà tôi thích làm nhất trong số những việc trên “to-do” list cho ngày hôm ấy để hoàn thành trong vòng 1 tiếng làm việc đầu tiên của ngày. Điều này giống như một mẹo nhỏ giúp thúc đẩy tinh thần, tạo hứng khởi và đà làm việc cho cả ngày hôm ấy.


Hôm nay là thứ hai rồi, bạn cũng thử đạt trạng thái dòng chảy ít nhất một lần trong ngày xem có cảm thấy sảng khoái hơn không nhé!


---

Ảnh: dòng chảy trắng đen của những buổi họp và những giờ ngồi test thử cách tiếp cận với vấn đề mới. Dòng chảy nhiệt tình đến mức làm hoài không ra kết quả lại làm lại, làm lại không ra rồi vẫn làm, tới bao giờ được thì thôi - hay còn gọi là: yêu nghề.

33 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page