Bẩm sinh, tôi là một người rất cả tin. Vì thế, suốt cả quãng thời gian niên thiếu, cho tới tận khi là sinh viên Đại học, tôi rất dễ tin vào những gì người khác nói, làm, và chỉ dẫn. Sự cả tin đó xuất phát một phần vì thói quen lười tự đi tìm hiểu thông tin, và phần nữa là vì sự tin tưởng người quen, hay là những người mà tôi từng tin là họ biết rất nhiều (lớn tuổi hơn tôi, thành tích học tập tốt, vân vân).
Bằng sự cả tin và ngây thơ ngút trời đó, đã có rất nhiều lần tôi mất tiền, thời gian, và công sức oan ức mà không nhận lại gì nhiều. Ví dụ điển hình đầu tiên mà tôi còn nhớ, là lần tôi bỏ tiền ra để theo học một khóa học năm lớp 11. Hồi đó, có một thầy giáo nước ngoài mở lớp học giao tiếp. Vì hồi đó dốt tiếng Anh quá, nên tôi cũng cố gắng xin phép ba mẹ cho đi học. Dù thầy dạy giỏi, nhưng tôi học vẫn không cải thiện. Sau này, tôi mới biết, đó là do tôi thì ở trình độ gần như mất gốc, còn thầy thì dạy ở trình độ nâng cao. Khóa học có chất lượng, nhưng không phải cái tôi cần. Tôi nghỉ học thầy từ đó, không theo lớp nữa. Gia đình cũng đỡ đi được một khoản tốn kém.
Lần thứ hai, khi ấy tôi muốn học ôn thi chứng chỉ IELTS. Tin lời của rất đông người rằng cô này nổi tiếng dạy giỏi, nên đi học. Rút kinh nghiệm từ lần chọn sai trước, lần này tôi đã chọn hẳn một lớp học mà nếu đúp thì được học lại thoải mái không mất thêm tiền (haha). Dù theo khóa học cũng đầy đủ, tôi không thấy bản thân thật sự học được cách học có hiệu quả từ phương pháp dạy của cô. Sau cùng, tôi cũng nghỉ, cảm thấy mình là một đứa bất trị.
Cho tới tận khi tôi thực sự phải thi chứng chỉ để nộp hồ sơ học thạc sĩ ở Canada, tôi quyết định không đi học thêm ở ngoài nữa mà ở nhà tự học. Tự tìm thông tin, tài liệu, tổng hợp các nguồn sách vở khác nhau để học từ từ hơn, nhưng dài hơi hơn, có đủ thời gian để tìm ra cách học thực sự hợp và khiến mình thực sự hiểu những gì mình đang làm.
Cho tới tận khi khăn gói sang một đất nước khác sống, thời gian đầu tôi vẫn rất cả tin. Có một thời gian, tôi sống ở nhà thuê dưới tầng một nên mùa đông phòng ngủ dễ bị lạnh. Nhà tôi thuê hồi ấy không có chỗ để tôi tự chỉnh nhiệt độ máy sưởi, mà thường phải thông qua chủ nhà. Cả một mùa đông năm đầu tiên, bà chủ nhà nói với tôi rằng ở đây ai cũng chỉ chỉnh nhiệt độ đến như thế thôi, bà cũng không làm gì khác. Và tôi tin. Phần cũng ái ngại vì sợ rằng phàn nàn nhiều sẽ khó tìm chỗ ở mới khi đang giữa năm học.
Cho tới khi tôi có bạn cùng nhà mới, bạn mới hỏi tôi: sao không viết email để chính thức nói chuyện với bà chủ nhà về vấn đề đó. Vì người thuê nhà được luật pháp bảo vệ về những chuyện như vậy. Từ đó, tôi mới biết, muốn tự bảo vệ quyền lợi của mình thì điều trước tiên mình cần trang bị cho bản thân là thói quen tự kiểm duyệt mọi thông tin mà người khác “bảo mình”. Hay nói cách khác, chỉ tin vào những điều mình đã tự kiểm chứng, hoặc thu thập được thông tin đủ toàn diện và có cơ sở. Nhờ có cú huých mang tính thức tỉnh của bạn cùng nhà năm đó, mà tôi cũng có được sự “đa nghi” và kỹ tính cần thiết để sống tự lập không bị bắt nạt.
Đi làm được vài năm, tôi lại càng thấm thía khía cạnh này của cuộc sống. Tính chất công việc của tôi phải tiếp xúc nhiều với dữ liệu và thông tin chính sách, và phải làm việc với các đối tác từ nhiều thành phố ở Canada. Mỗi thành phố, mỗi tỉnh bang lại có một quy trình, chính sách, và cách làm việc khác nhau, nên thói quen tìm hiểu thông tin mới để kiểm chứng và thích nghi đã dần trở thành một thói quen không thể thiếu.
Bài học đắt giá nhất trong công việc đầu tiên mà tôi có là trong một lần đưa ra đề xuất về tổng số giờ hoàn thiện một đầu việc cho dự án. Khi đó, tôi đã rất tin vào lời khách hàng khi họ nói: “số liệu của thành phố tôi có sẵn rất tốt và chất lượng”. Vậy nên, khi ước tính tổng số giờ cho đầu việc, tôi đã không lường tới việc sau này, khi nhận dữ liệu của khách hàng, té ra, tôi lại nhận thấy rất nhiều vấn đề cần thêm thời gian để khắc phục. Điều mà những người trong ngành tôi hay nói đùa (mà thật) với nhau: “động đến dữ liệu và khâu kiểm duyệt chất lượng, không được tin ai ngoài chính mình.”
Sự cả tin và thiếu thông tin rất dễ dẫn chúng ta đến những quyết định sai lầm trong cuộc sống, từ nhỏ nhặt, đến cả những quyết định lớn hơn trong đời. Nhỏ thì mất thời gian và một ít công sức làm đi làm lại một chuyện gì đó. Lớn hơn thì là một số tiền ném ra ngoài cửa sổ cho một khóa học mà mình tưởng là có ích, nhưng thực ra mình tự tìm hiểu được. Lớn hơn nữa thì là chọn tin nhầm người, đi nhầm hướng cho rất nhiều năm trong đời.
Cũng may, sáng suốt trong suy luận và lựa chọn là một thứ có thể rèn luyện được. Việc rèn luyện này có thể bắt đầu từ hai việc rất đơn giản: 1) tập đặt câu hỏi với những thông tin mình được tiếp xúc và 2) tự tìm thông tin để xác thực trước khi tin và đưa ra quyết định và hành động.
Một ví đụ đơn giản nhất chính là những mẩu tin và clip ngắn trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, người “nổi tiếng” và những khóa học, những bài chia sẻ (thậm chí bao gồm chính bài viết này của tôi chẳng hạn). Với tất cả, tôi mong các bạn đừng chọn đọc/ xem/ nghe/ nhìn bất cứ điều gì và tin ngay lúc ấy. Nếu là thông tin các bạn quan tâm, hứng thú, xin hãy để nó đi cùng bạn ít nhất một thời gian đủ để bạn ngẫm nghĩ, đủ để bạn đặt câu hỏi chất vấn ngược lại, đủ để bạn đem ra thảo luận, đủ để bạn tự tìm thêm những nguồn thông tin bổ sung góc nhìn; rồi hãy chọn tin hay không tin một người lạ trên mạng.
Đừng giống như tôi của những năm mười mấy hai mươi tuổi, dễ dàng bỏ tiền và thời gian ra để đổi lấy những điều không hợp, không cần thiết, và hơn nữa, không có giá trị lâu dài.
Thực ra, có rất nhiều người đi đầu, người thành công, người khác với đám đông, đôi khi chỉ là người chịu khó tìm hiểu và có đầy đủ thông tin hơn những người còn lại.
Lại một mùa thu nữa sắp tới, mùa của sự học, sự làm. Tôi mong các bạn đều thật sáng suốt để không phải cả tin vào ai cả. Và nếu có định bỏ tiền ra đi học bất cứ khóa học nào, thì hãy tham khảo những câu hỏi sau đây - những câu hỏi mà tôi hay tự hỏi mình trước khi bỏ thời gian, công sức, và tiền bạc để học/ để tin vào một điều gì đó:
Tại sao mình cần phải đi học?
Mình có thể tự tìm tài liệu hoặc khóa học miễn phí để đáp ứng nhu cầu của mình không?
Mình có đủ thời gian để tự tìm tài liệu học không?
Nếu không tự tìm được, mình có quen biết ai có thể chia sẻ về khóa học mình đang định đăng ký học không?
Chương trình dạy, thời lượng, và tài liệu của khóa học có gì?
Người dạy và phong cách dạy của họ có phù hợp và “legit” không? họ có thực hành nghề nghiệp chuyên môn về mảng mình học hay không? Họ dạy cách học, dạy cách tư duy về chủ đề mình tìm kiếm, hay họ chỉ dạy theo phương pháp “theo kinh nghiệm của anh/chị/thầy/cô thì…”?
Cân nhắc về số tiền mình bỏ ra và giá trị mình nhận được từ khóa học có lâu dài và bền vững không?
Nếu những câu trả lời dẫn bạn đến thiên hướng: có thể tự tìm tòi được, giá trị mang lại không bền vững, hoặc thông tin về chuyên môn và phương pháp dạy của người dạy chưa đủ tin tưởng và chuyên nghiệp, thì bạn nên dừng lại, hoặc cân nhắc kỹ hơn.
Tự học, tự làm, tự đi đều là những trải nghiệm vất vả, đòi hỏi sức bền, sự kiên định, và đôi lúc còn hơi “sợ” nữa. Nó giống như việc bạn đọc một mẩu tin ngắn xong, nghe một câu chuyện xong, việc chọn tin ngay tắp lự sẽ đỡ mệt hơn là việc đi xác minh thông tin vậy.
Nhưng tôi mong, ngày càng sẽ có nhiều hơn những bạn biết tự trang bị cho mình thói quen nghiên cứu và tìm hiểu, đặt câu hỏi thật nhiều, tranh luận lành mạnh thật nhiều. Và đặc biệt, nếu bạn là người viết nội dung chia sẻ, thì hãy kiến tạo những nội dung lành mạnh và đa chiều cho thế giới này.
—
Vancouver, một chiều thứ sáu, một bài viết với tiêu đề chỉ hơi hơi liên quan, và một chiếc hình không liên quan gì lắm. Có chăng, nó nhắc nhở tôi một điều: sự tin tưởng là thứ quý giá mà mình đừng bao giờ dễ dãi cho đi. Sự tin tưởng là thứ rất khó để xây dựng, nhưng lại rất dễ để đánh mất.
Tấm hình, chụp phong bì còn nguyên niêm phong đựng bảng điểm kỳ học đầu tiên của tôi ở UBC (hồi ấy đi xin về để nộp một học bổng ngoại khóa, xong kết cục bị trượt chỏng vó. haha).
Bình luận