top of page

Bình luận trên diễn đàn

Học bổng toàn phần bậc thạc sĩ tại Canada
In Scholarship Application
Nguyet-Anh Nguyen
01 thg 8, 2021
Chị chào em, Trước giờ chị đều tự viết bài luận khi nộp hồ sơ cho tất cả các chương trình (trao đổi, thực tập, và xin học bổng masters). Chị cũng từng góp ý nhiều bài luận cho các bạn sinh viên chủ động liên lạc nhờ chị và chị thấy có một vấn đề chung mà các bạn hay gặp phải là dù về mặt ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng) của các bạn rất tốt, nhưng phần lớn các bạn chưa triển khai được một "structure" tốt cho bài luận để nhắm thẳng vào những gì mà hội đồng xét tuyển tìm kiếm. Để có được một bài luận tốt, theo chị em có thể tham khảo những bước cơ bản sau: 1. Đọc thật kỹ yêu cầu của chương trình - xác định xem chương trình này muốn tuyển người như thế nào? Có những chương trình họ sẽ viết rõ ra là trong bài luận em phải trả lời được những câu hỏi cụ thể ra sao (ví dụ như YSEALI). Một số trường Đại học đều có hướng dẫn cụ thể và những tips về viết bài luận khi nộp học bổng vào trường họ. Ví dụ như khi nộp hồ sơ vào UBC, chị chỉ bám theo khung hướng dẫn của trường: https://www.grad.ubc.ca/prospective-students/application-admission/statement-interest 2. Lên dàn ý dựa trên những gì em rút ra từ bước 1, sắp xếp các ý chính sao cho thành một mạch câu chuyện về em, và tại sao em lại là người phù hợp nhất để họ chọn? - em tham khảo thêm các phần cơ bản của một bài luận để sắp xếp các ý sao cho phù hợp vào từng phần. Riêng ở đây, chị cũng muốn nhấn mạnh thêm là các bài luận mẫu sẽ chỉ cho em thấy được các phần cơ bản của bài luận, hình dung ra một bài luận thì sẽ như thế nào. Còn khó để nói được là có một nguồn nào có thể giúp em viết được một bài luận độc đáo - vì bài luận là viết về em, nên em nên là người tự nghĩ ra được một cách kể chuyện độc đáo về chính mình - về kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng em có như một ứng viên (chứ không phải một ai khác). 3. Sau khi đã có dàn ý thì em tiến hành viết thành bài, thường thì sau phần intro, mỗi ý chính (câu trả lời cho câu hỏi em xác định ở bước 1) nên được phát triển thành một đoạn, mỗi đoạn em viết sao cho toát lên được sức thuyết phục với người đọc. Viết ngắn gọn, cô đọng, và tập trung, không văn vở dài dòng, không lặp lại hết những gì đã viết trong CV/Resume. Có rất nhiều bạn viết luận theo phong cách "liệt kê". Ví dụ: tôi đạt được giải A ở cuộc thi B, đạt được GPA 4.0/4.0, vân vân. Phong cách liệt kê là phong cách được đánh giá thấp nhất khi viết một bài luận mang tính cạnh tranh. 4. Review nội dung: Lúc này em cần xem xét lại những gì mình đã viết xem các ý đã chặt chẽ chưa, toàn bộ bài luận khi đọc lên có tính liên kết với nhau không? em có lặp ý không? - phần này em có thể tham khảo bài chị viết về những điều không nên mắc phải khi viết bài luận của chị tại đây: https://www.moonloonie.com/post/viết-luận-xin-học-bổng-xin-việc-những-taboo-nên-tránh-xa 5. Review về mặt ngôn ngữ: ngữ pháp, từ vựng sao cho chuẩn và hiệu quả nhất Em hoàn toàn có thể tự viết được một bài luận tốt mà không cần dùng các dịch vụ review hay hướng dẫn, chỉ cần em chịu khó đầu tư thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, cũng như thử viết nháp nhiều lần trước khi nộp hồ sơ. Chị rất thích một ý như này "you cannot pour from an empty cup" - nếu em đã có một hồ sơ ổn, thì bài luận đơn giản chỉ là chọn ra và kể lại một số ví dụ tiêu biểu em đã trải qua để người tuyển chọn thấy em là ứng viên phù hợp. Việc của em là chọn ví dụ sao cho đúng để chứng minh cho họ thấy thôi. Còn nếu em chưa có sự phù hợp ấy thì dù một bài luận có được trau chuốt kỹ ra sao, cũng khó có thể giúp em trở thành người được chọn. Vì thế, nếu em chọn được chương trình phù hợp với khả năng, khi viết bài luận em sẽ cảm thấy rất "dễ dàng". Chị mong câu trả lời của chị phần nào sẽ giải đáp được thắc mắc của em. Chúc em học tốt!
1
0
Định hướng cho industry
In General Discussion
Nguyet-Anh Nguyen
13 thg 7, 2021
1. Nếu em muốn xin học bổng master ngạch research-based (phổ biến là ở Mỹ và Canada) thì em cần tập trung tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu để có thể xin được học bổng toàn phần. Nếu em xin học bổng chính phủ dạng course-based ở các nước châu âu/úc thì em tập trung tích lũy GPA, và thêm kinh nghiệm đi internship (nghiên cứu cũng tốt nữa, nhưng không cần quá nặng) – tùy vào tính chất của loại học bổng cụ thể mà em nhắm tới. Tốt nhất vẫn là em thu hẹp phạm vi của mảng chuyên môn mà em thấy phù hợp với: 1) khả năng của em và 2) nhu cầu của thị trường việc làm. Sau đó, em có thể thử bắt tay vào làm một công trình nghiên cứu khoa học cấp trường – cái này sẽ cho em thấy được là em có thích mảng đó hay không, cũng là tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu luôn – tầm năm 2 – 3 em làm NCKH xong, năm cuối có thể xin một internship ngắn hạn để trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Như vậy, hồ sơ của em sẽ có cả hai mảng để support cho học bổng và cũng đồng thời cho em có được cái nhìn rõ hơn về định hướng của bản thân. Các kỹ năng mềm em nên chú ý rằng có những kỹ năng liên quan trực tiếp tới ngành học nhưng cũng có những kỹ năng mềm cơ bản mà ngành nghề nào cũng cần có, em nên chú trọng phát triển tốt cả hai nhóm kỹ năng mềm này. 2. Như chị đã nói ở trên, để xác định hướng em muốn đi theo thì em dựa vào 1) khả năng của em – em mạnh mảng nào nhất? – trong khi học các môn chuyên ngành em sẽ thấy được điều này, 2) nhu cầu thị trường đang cần người làm ở mảng nào? 3) liên lạc với một số anh chị đi trước để tham khảo thêm về tính chất công việc của từng mảng, rồi em có thể lọc ra được những mảng em thấy ổn nhất. Cuối cùng là phải thử, vì thử là cách duy nhất cho em biết em thực sự có hợp với một mảng nhất định không. Em đừng áp lực quá về việc phải xác định được là mình sẽ theo hướng nào 100% ngay từ đầu, vì khi mình chưa thực sự trải qua thì mình không có cách nào biết được rõ cả. Có thể bây giờ em nghĩ em thích hướng A, nhưng sau khi làm một thời gian, em thấy mình hợp với hướng B, và em chuyển hướng cũng không sao, mọi chuyện đều ổn nếu em biết mình đang làm gì. 3. R&D mà em nhắc tới là bộ phận nghiên cứu và phát triển của các công ty/doanh nghiệp. Trên lý thuyết thì nó khá giống với việc làm nghiên cứu học thuật, các giai đoạn và quy chuẩn tương tự với một quá trình làm nghiên cứu cơ bản. Nhưng tính chất thì khác với làm nghiên cứu trong môi trường học thuật ở chỗ, em làm việc cho một doanh nghiệp/công ty thì chủ đề nghiên cứu sẽ phụ thuộc vào định hướng của công ty/doanh nghiệp đó. Ví dụ, nếu em trở thành một giáo sư của một trường Đại học, em có quyền tự đề xuất các ý tưởng nghiên cứu, xin funding và thực hiện, phạm vi nghiên cứu sẽ rộng hơn, ý tưởng 100% là của em. Nhưng ở trong bộ phận R&D của một công ty chuyên về một loại sản phẩm nhất định chẳng hạn, thì có thể em sẽ chỉ tập trung nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm cụ thể cho công ty đó thôi. Còn về chuyện chuyển từ R&D sang các bộ phận khác của công ty, chị nghĩ là vẫn có khả năng nhưng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khó nói trước, ví dụ như quy mô của công ty đó, khả năng của em, và nhu cầu về nhân sự của công ty. Tựu chung lại, chị khuyên em ở thời điểm bây giờ nên tập trung vào bước số 1 trước, đó là trau dồi càng nhiều kiến thức và kỹ năng về ngành học của em càng tốt, đồng thời xây dựng các mối quan hệ với những anh/chị/các bạn trong ngành để học hỏi và trao đổi thông tin về nghề nghiệp, định hướng. Tới năm 2 em có thể thử làm nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi trong ngành dành cho sinh viên, dựa trên đó em sẽ dần dần biết mình muốn gì nhất, rồi xin đi thực tập, trải nghiệm và “reflect” lại quá trình em đã trải qua. Chị mong những điều này sẽ giúp ích cho em phần nào. Chị chúc em may mắn và học tốt!
1
1
Study abroad
In General Discussion
Nguyet-Anh Nguyen
18 thg 6, 2021
Chị chào Huyền, Chị nghĩ dù có lựa chọn như thế nào thì chắc chắn sẽ có những điểm không thể hoàn hảo. Tuy nhiên, điều đó hết sức bình thường thôi, và theo góc nhìn của chị, chị nghĩ em có thể cân nhắc hai hướng sau: 1) Học Đại học ở Việt Nam nhưng chọn những trường có thể cho em tiếp cận với các giảng viên nước ngoài của chuyên ngành tâm lý học. Các trường quốc tế như RMIT là một lựa chọn, ngoài ra còn có các trường ĐH công lập nhưng có chương trình hợp tác với ĐH ở nước ngoài (trước kia khi học ĐH ở Việt Nam chị cũng theo học chương trình liên kết với Colorado State University, Mỹ, nhờ vậy chị có cơ hội tiếp cận với các giáo sư đầu ngành ngay từ khi còn học ĐH ở Việt Nam). Trong khi học ĐH, em chủ động rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa song song, bắt đầu từ năm 2 trở đi có thể đẩy mạnh chuẩn bị hồ sơ để tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn lớn nhỏ tùy độ cạnh tranh của hồ sơ em có. Như vậy, em sẽ tối ưu hóa được khoảng thời gian học ĐH ở VN, và chuẩn bị tâm lý vững cho việc đi du học. 2) Đi du học sau 12: Chị quen rất nhiều bạn đi du học ngay từ khi hết lớp 10/11 ở Việt Nam, các bạn sang học dự bị 1 năm, sau đó chuyển tiếp lên ĐH ở bên này. Thực ra việc đi du học thì dù em có 20 hay 30 tuổi, thì nếu là lần đầu sống ở một đất nước khác, chắc chắn em sẽ phải nỗ lực, tự học thêm nhiều kỹ năng, trải qua nhiều giai đoạn tâm lý khác nhau tùy vào môi trường nơi em đến sinh sống và học tập. Và chị nhấn mạnh rằng đó là điều hết sức bình thường thôi, và chỉ cần em nghĩ tích cực, kiên trì thì tất cả sẽ trở thành trải nghiệm tuyệt vời cho em. Có một lựa chọn bổ sung là em có thể take gap year sau 12, tham gia hoạt động xã hội, học một vài khóa đào tạo ngắn hạn và thong thả chuẩn bị hồ sơ, tâm lý và những hiểu biết khác để đi du học sau đó. Nếu điều kiện tài chính của gia đình em thoải mái thì chị nghĩ dù chọn hướng nào trong hai hướng, em cũng sẽ có được những thành quả tốt nếu em đủ quyết tâm với ngành học em chọn. Nếu điều kiện tài chính eo hẹp và phải có học bổng, thì em lại cần cân nhắc thêm xem hồ sơ hiện tại của em thì đi theo hướng nào (1 hay 2 ở trên) thì sẽ có lợi cho hồ sơ xin học bổng nhất? Chị mong rằng em sẽ có cho mình lựa chọn phù hợp nhất. Chị chúc em may mắn và học tốt!
1
0

Nguyet-Anh Nguyen

Quản trị viên
Thao tác khác
bottom of page