top of page

Bài đăng diễn đàn

Nguyet-Anh Nguyen
05 thg 6, 2021
In Research & Study Skills
Q: Em chào chị, không biết chị có thể chia sẻ cách chị đọc, tóm tắt và hệ thống những bài nghiên cứu khoa học cả trong quá trình học lẫn làm việc được không ạ? Em cảm ơn chị nhiều ạ. A: Chị chào em. Trước khi đọc tài liệu chị thường xác định rõ xem mục đích đọc là gì? Thường làm literature view chị có hai mục đích chính: 1) tìm ra research gaps/questions – ý tưởng nghiên cứu cho công trình mới của chị và 2) để đưa vào phần discussion của bài báo/báo cáo/luận văn. Nhìn chung, chị có thói quen đọc các tài liệu nghiên cứu khoa học như sau, em có thể tham khảo nhé: Bước 1: Đọc abstract: nhận định xem nghiên cứu này có liên quan trực tiếp đến điều em đang quan tâm không? Nếu không => bỏ qua, nếu có => tiếp bước 2 Bước 2: Đọc phần Results - kết quả: có thực sự liên quan một cách cụ thể và hứng thú không? có hỗ trợ được em trả lời câu hỏi/là bằng chứng để em đưa vào discussion của em; hoặc giúp em định hình được research gaps, hoặc đọc xong kết quả em có nảy ra được câu hỏi gì từ đó không? Bước 3: nếu câu trả lời ở bước 2 là có, tiếp tục đọc sang Methods – phương pháp => nếu liên quan thì đọc chi tiết và chuyển sang bước 4 Bước 4: cho vào danh sách chọn lọc các bài báo (em có thể lưu lại trong kho tài liệu của riêng em, chị sử dụng Mendeley – một dạng Reference Manager; em có thể google tìm hiểu thêm vì có rất nhiều phần mềm khác nhau, em có thể tùy chọn cho mình loại phù hợp). Em có thể tóm tắt nội dung của bài báo, take note lại, chia nhóm/folder theo chủ đề sử dụng chính phần mềm reference manager em có trên laptop/PC. Chị có một cách thủ công hơn nhưng cực tốt chị dùng khi viết thesis/báo để xuất bản: chị lập bảng để note lại những điểm chính, thường bao gồm các cột như: tên bài báo, năm xuất bản, tác giả, chủ đề, phương pháp chính, kết quả chính. Chị sẽ lọc những bài tốt và liên quan nhất cho vào danh sách, đến khi chị cần chỉ cần lướt lại là có ngay. Hơn nữa, bảng tóm tắt như vậy sẽ cho em một cái nền chắc về lĩnh vực em làm. Q: Em chào chị ạ, em thấy chị rất mạnh về mảng nghiên cứu khoa học. Em cũng rất muốn viết báo khoa học để đăng tạp chí, tăng khả năng cạnh tranh cho hồ sơ của mình nhưng lại thấy rất khó vì ở Việt Nam ít trường đại học dạy kỹ năng này một cách bài bản và chính xác. Chị có thể chia sẻ chị đã bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học như thế nào không ạ? Em cảm ơn chị nhiều. A: Chị chào em. Chị bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học (NCKH) từ cuối năm thứ hai Đại học. Chị bắt đầu bằng việc liên lạc với một số thầy cô dạy môn học chuyên ngành mà chị thấy hứng thú ngay trong khoa chị thôi (em nên xem xét xem thầy/cô em muốn theo chân làm NCKH đã có bài báo quốc tế nào chưa? Background của các thầy/cô ra sao? – nếu họ được đào tạo Thạc Sĩ/Tiến Sĩ tại nước ngoài rồi thì chắc chắn sẽ có thể truyền lại kỹ năng làm NCKH chuẩn quốc tế cho em). Sau đó, chị hỏi xem nếu làm nghiên cứu thì có những chủ đề nào khả thi? Dựa vào độ phù hợp, chị xin thầy cho đi thực địa theo một nhóm các anh/chị khóa trên để quan sát và phát triển ý tưởng nghiên cứu khoa học. Nếu ngành em không có hoạt động đi thực địa/thị trường thì em cần đầu tư thời gian đọc tài liệu (literature) để có hiểu biết về lĩnh vực em cần làm, tìm ra research gaps hoặc research questions. Khi đã có chủ đề nghiên cứu, Chị tập trung hoàn thiện thật tốt NCKH đó, xin thầy cho phép nộp bài NCKH dự thi lên cấp cao hơn (cấp khoa, cấp bộ, thuyết trình tại hội thảo quốc tế tại trường chị), đăng ký các cuộc thi liên quan đến NCKH (ví dụ: Science Slam của DAAD – thời chị cuộc thi này tổ chức thường niên tại ĐH Bách Khoa HN). Tất cả những kinh nghiệm từ NCKH đó giúp chị có thể tìm kiếm và nộp hồ sơ cho một số chương trình thực tập sinh nghiên cứu/khóa học kỹ năng nghiên cứu trong và ngoài nước. Khi đã có cơ hội tham gia 1-2 chương trình, mọi thứ sẽ sáng tỏ hơn và em có thể tự mình bồi đắp kiến thức và kỹ năng thông qua việc tự đọc, tự tổng hợp kiến thức về việc làm NCKH cũng như viết báo. Q: Em chào chị, chị giới thiệu cho em nguồn học viết research paper với ạ? Em cũng muốn viết 1 paper đăng lên tạp chí khoa học mà chưa biết bắt đầu từ đâu ạ. Em cảm ơn chị. A: Chị chào em. Nếu em đã có công trình nghiên cứu khoa học rồi, và bây giờ muốn chuẩn bị một bản thảo dựa trên công trình đó để nộp lên tạp chí khoa học thì em có thể tham khảo hai cuốn sách sau để hình dung rõ hơn về các phần cơ bản của một bài báo, cũng như rèn luyện kỹ năng viết học thuật: 1) Write It Up: Practical Strategies for Writing and Publishing Journal Articles (https://bit.ly/2JYBW1k) 2) How to Write a Lot: A Practical Guide to Productive Academic Writing (https://bit.ly/3opVHxE) Ngoài ra, em cần xác định journal mà em sẽ nộp bản thảo, sau đó lên trang web của journal đó và tải phần yêu cầu cụ thể cho bản thảo (mỗi journal sẽ có một format riêng cho bản thảo). Nếu em chưa có kết quả nghiên cứu khoa học nào và đang ở giai đoạn bắt đầu làm nghiên cứu thì em có thể tham khảo câu trả lời sau (chị đã trả lời một bạn hỏi cùng chủ đề như em dưới bài post này): “Chị bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học (NCKH) từ cuối năm thứ hai Đại học. Chị bắt đầu bằng việc liên lạc với một số thầy cô dạy môn học chuyên ngành mà chị thấy hứng thú ngay trong khoa chị thôi (em nên xem xét xem thầy/cô em muốn theo chân làm NCKH đã có bài báo quốc tế nào chưa? Background của các thầy/cô ra sao? – nếu họ được đào tạo Thạc Sĩ/Tiến Sĩ tại nước ngoài rồi thì sẽ có thể truyền lại kỹ năng làm NCKH chuẩn quốc tế cho em). Sau đó, chị hỏi xem nếu làm nghiên cứu thì có những chủ đề nào khả thi? Dựa vào độ phù hợp, chị xin thầy cho đi thực địa theo một nhóm các anh/chị khóa trên để quan sát và phát triển ý tưởng nghiên cứu khoa học. Nếu ngành em không có hoạt động đi thực địa/thị trường thì em cần đầu tư thời gian đọc tài liệu (literature) để có hiểu biết về lĩnh vực em cần làm, tìm ra research gaps hoặc research questions. Khi đã có chủ đề nghiên cứu, Chị tập trung hoàn thiện thật tốt NCKH đó, xin thầy hỗ trợ nộp bài NCKH dự thi lên cấp cao hơn (cấp khoa, cấp bộ, thuyết trình tại hội thảo quốc tế tại trường chị), đăng ký các cuộc thi liên quan đến NCKH (ví dụ: Science Slam của DAAD – thời chị cuộc thi này tổ chức thường niên tại ĐH Bách Khoa HN). Tất cả những kinh nghiệm từ NCKH đó giúp chị có thể tìm kiếm và nộp hồ sơ cho một số chương trình thực tập sinh nghiên cứu/khóa học kỹ năng nghiên cứu trong và ngoài nước. Khi đã có cơ hội tham gia 1-2 chương trình, mọi thứ sẽ sáng tỏ hơn và em có thể tự mình bồi đắp kiến thức và kỹ năng thông qua việc tự đọc, tự tổng hợp kiến thức về việc làm NCKH cũng như viết báo.” Q: Hi chị, chị có đăng bài báo khoa học nào chưa ạ? Chị có thể cho em tham khảo được không? Em cảm ơn chị. A: Chị chào em. Chị có hai xuất bản khoa học quốc tế chính như sau: Nguyen, N.A., B.N.I. Eskelson, S.E. Gergel, and T. Murray (2021). The occurrence of invasive plant species differed significantly across three urban greenspace types of Metro Vancouver, Canada. Urban Forestry and Urban Greening. DOI: https://doi.org/10.1016/j.ufug.2021.126999 Nguyen, N.A., B.N.I. Eskelson, M. Meitner, and T. Murray (2020). People’s knowledge and risk perceptions of invasive plants in Metro Vancouver, British Columbia, Canada. Environmental Management. DOI: https://doi.org/10.1007/s00267-020-01350-0
3
3
346
Nguyet-Anh Nguyen
05 thg 6, 2021
In General Discussion
Q: Em chào chị. Em thấy là chị đã từng làm Research Scientist ở British Columbia University lẫn chuyên viên tại DiamondHead Consulting Ltd., chị có thể chia sẻ về điểm giống và khác biệt khi làm việc tại hai môi trường này cũng như lý do chị lại chọn làm ở DiamondHead Consulting Ltd. không ạ? Em cảm ơn ạ. A: Chị chào em. Nói một cách ngắn gọn thì sự khác biệt giữa hai môi trường làm việc, theo chị, bao gồm những điểm chính sau: Academia: để phát triển lâu dài (ở nước ngoài và cả ở VN): em thường cần học lên tiến sĩ (Ph.D), nếu ở nước ngoài thì em cần mạnh nghiên cứu nếu muốn thành full prof ở trường ĐH nghiên cứu lớn, hoặc em có thể làm lecturer, professor of teaching – chú trọng vào dạy học. Nếu em về VN thì em sẽ theo hệ thống của VN – việc làm nghiên cứu vẫn là tốt nhưng không quá nặng như ở nước ngoài. Tóm lại: em sẽ làm 2 nhiệm vụ chính là nghiên cứu và giảng dạy. Để làm nghiên cứu mạnh thì em cần khám phá ra những vấn đề mới trong ngành, xuất bản càng nhiều báo khoa học càng tốt. Sau 2 năm học thạc sĩ và 1 năm làm việc theo dự án nghiên cứu tại trường, đã trải qua cuộc sống của một nghiên cứu sinh, xuất bản 2 bài báo khoa học quốc tế. Chị nhận thấy mình muốn thử sức với môi trường bên ngoài, muốn được tiếp xúc với những dự án mang tính ứng dụng nhiều hơn, nên chị chuyển hướng sang làm industry. Industry (mảng applied): không nhất thiết cần bằng Ph.D – nếu có thường bị overqualified, trừ một số ngành đặc biệt( ví dụ: y, dược, hóa sinh) nếu em muốn xin vào làm Research and Development (R&D) cho những công ty, tập đoàn lớn. Tính chất công việc khi làm trong industry là áp dụng những kiến thức khoa học/ phương pháp trong ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nên bản chất là tìm tòi và chắt lọc/ứng dụng những phương pháp đã được nghiên cứu chứng minh. Vì vậy, điểm giống vẫn là cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn của chuyên ngành, và biết vận dụng nó linh hoạt. Điểm khác là ở chỗ, chị cảm thấy tính chất công việc này phù hợp với bản thân chị hơn, vì chị thích nhìn thấy được việc mình làm được áp dụng ngay vào thực tế, chứ không chỉ là những bài báo khoa học xuất bản trên giấy. Một điểm quan trọng nữa, là làm ở môi trường applied chị được tiếp xúc với nhiều người làm ở nhiều môi trường khác nhau (ví dụ: local governments), thực hiện nhiều dự án ở các mảng khác nhau – chị thấy đỡ chán. Làm mảng applied không bị áp lực xuất bản báo, chị có thể tập trung tạo ra những sản phẩm ứng dụng. Vì cơ bản làm trong môi trường academic, một dự án nghiên cứu có thể kéo dài 1 – 2 năm là bình thường, áp lực xuất bản lại rất lớn nên nhiều khi việc làm nghiên cứu bị biến tướng đi rất nhiều nếu phải chạy theo số lượng bài báo xuất bản mỗi năm để “build reputation” cho trường và cho bản thân mình nếu trở thành professor. Q: Chị Nguyệt Anh ơi, chị có thể cho em hỏi về những yêu cầu để được làm việc tại trường, như trường hợp của chị là làm Research Scientist tại University of British Columbia được không ạ? Vì theo em được biết là chỉ những cá nhân có thành tích nổi bật mới được trường giữ lại làm việc, thì không biết chị có thể chia sẻ cụ thể những yếu tố để chị được nhận làm việc tại trường được không ạ? Em cảm ơn chị ạ. A: Chị chào em. Để ở lại trường làm việc sau khi tốt nghiệp (ví dụ như làm research scientist), chị nhận thấy cần có hai tiêu chí chính sau: 1) Kiến thức chuyên môn vững về mảng mình làm nghiên cứu – và định xin làm nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp. Rèn luyện academic writing skills thật tốt để sẵn sàng chuẩn bị bản thảo cho xuất bản quốc tế là một ví dụ điển hình. Ví dụ: chị được Honours Designation cho luận văn thạc sĩ của chị (hàng năm khoa chị chỉ có 10% sinh viên cao học đạt được danh xưng này, đánh giá của hội đồng nghiên cứu dựa trên nhiều phương diện cho chất lượng của luận văn). 2) Tạo được kết nối với các giáo sư hoặc cụ thể là 1 – 2 giáo sư của các lab mà em nhắm em sẽ xin làm việc trực tiếp cùng. Vì thực chất làm research scientist ở các trường ĐH là làm việc cùng dự án nghiên cứu với một giáo sư, trong một nhóm nghiên cứu nhất định. Vì vậy, khi em đã có được chuyên môn vững, em cần chú ý kết nối với các giáo sư ngay từ khi còn học trong trường, sau đó đặt vấn đề với họ trước khi em tốt nghiệp khoảng nửa năm (hoặc càng sớm càng tốt), để họ có thể giúp đỡ và hướng cho em vào vị trí phù hợp nhé. Q: Em chào chị ạ. Em cũng đang phân vân muốn theo hướng academic, nhưng lại sợ mình không thể theo lâu dài được ạ. Chị có thể chia sẻ về trải nghiệm của chị khi làm việc trong lĩnh vực academic, cũng như lý do để chị chuyển hướng sang mảng applied không ạ? Cũng như khi chuyển sang mảng applied từ background academic như vậy, chị có gặp nhiều khó khăn không và cách chị vượt qua chúng như thế nào ạ? Em cảm ơn chị Nguyệt Anh ạ. A: Chị chào em. Chị nghĩ việc phân vân không biết mình có hợp với academic hay không là rất bình thường – chị cũng ở trong tình huống như em khi mới tốt nghiệp ĐH. Về việc định hướng này, chị có viết một chuỗi bài trên blog, có thể cho em câu trả lời chi tiết (đây là link tới phần 3 của chuỗi bài viết, em có thể thấy link sang phần 1 và 2 trong phần này luôn): https://bit.ly/34VTO3P Nói một cách ngắn gọn thì sự khác biệt giữa hai mảng academic và applied, theo chị, bao gồm những điểm chính sau: Academia: để phát triển lâu dài (ở nước ngoài và cả ở VN) em thường cần học lên tiến sĩ (Ph.D). Ở nước ngoài, em cần mạnh nghiên cứu nếu muốn thành full prof ở trường ĐH nghiên cứu lớn. Hoặc em có thể làm lecturer, professor of teaching – chú trọng vào dạy học nếu nghiên cứu không phải là thế mạnh. Nếu em về VN thì em sẽ theo hệ thống của VN – việc làm nghiên cứu vẫn là tốt nhưng không quá nặng như ở nước ngoài. Tóm lại: em sẽ làm 2 nhiệm vụ chính là nghiên cứu và giảng dạy. Để làm nghiên cứu mạnh thì em cần khám phá ra những vấn đề mới trong ngành, xuất bản càng nhiều báo khoa học càng tốt. Sau 2 năm học thạc sĩ và 1 năm làm việc theo dự án nghiên cứu tại trường, đã trải qua cuộc sống của một nghiên cứu sinh, xuất bản 2 bài báo khoa học quốc tế. Chị nhận thấy mình muốn thử sức với môi trường bên ngoài, muốn được tiếp xúc với những dự án mang tính ứng dụng nhiều hơn, nên chị chuyển hướng sang làm Industry. Industry (mảng applied): không nhất thiết cần bằng Ph.D – nếu có thường bị overqualified, trừ một số ngành đặc biệt( ví dụ: y, dược, hóa sinh) nếu em muốn xin vào làm Research and Development (R&D) cho những công ty, tập đoàn lớn. Tính chất công việc khi làm trong industry là áp dụng những kiến thức khoa học/ phương pháp trong ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nên bản chất là tìm tòi và chắt lọc/ứng dụng những phương pháp đã được nghiên cứu chứng minh. Vì vậy, điểm giống vẫn là cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn của chuyên ngành, và biết vận dụng nó linh hoạt. Điểm khác là ở chỗ, chị cảm thấy tính chất công việc này phù hợp với bản thân chị hơn, vì chị thích nhìn thấy được việc mình làm được áp dụng ngay vào thực tế, chứ không chỉ là những bài báo khoa học xuất bản trên giấy. Một điểm quan trọng nữa, là làm ở môi trường applied chị được tiếp xúc với nhiều người làm ở nhiều môi trường khác nhau (ví dụ: local governments), thực hiện nhiều dự án ở các mảng khác nhau – chị thấy đỡ chán. Làm mảng applied không bị áp lực xuất bản báo, chị có thể tập trung tạo ra những sản phẩm ứng dụng. Vì cơ bản làm trong môi trường academic, một dự án nghiên cứu có thể kéo dài 1 – 2 năm là bình thường, áp lực xuất bản lại rất lớn nên nhiều khi việc làm nghiên cứu bị biến tướng đi rất nhiều nếu phải chạy theo số lượng bài báo xuất bản mỗi năm để “build reputation” cho trường và cho bản thân mình nếu trở thành professor. Nhưng tóm lại vẫn là em hiểu được điểm mạnh và yếu của bản thân để lựa chọn nhé. Về vấn đề chuyển từ Academia sang Industry, chị có gặp khó khăn lúc đầu: 1) bắt đầu tìm việc trong khi chỉ có background về nghiên cứu và 2) khi bắt đầu đi làm, việc thích nghi với môi trường Industry – mọi thứ vận hành khác với môi trường học thuật. Cách giải quyết tương ứng: 1) chú ý phát triển đủ các kỹ năng mềm quan trọng phòng trường hợp em muốn nhảy từ Academia sang Industry, chú ý network nhiều với những người có background không thuần nghiên cứu ngay từ khi đi học và 2) hỏi hỏi và hỏi, nói chung em phải thật linh hoạt và chú ý quan sát, nếu không biết thì hỏi để thay đổi thôi, chứ cũng không có gì đặc biệt. Nguyên tắc là không được cứng nhắc và bảo thủ.
0
0
424
Nguyet-Anh Nguyen
03 thg 6, 2021
In Scholarship Application
Q: Em chào chị ạ, chị có thể chia sẻ thêm về học bổng toàn phần mà chị nhận được bậc Thạc sỹ ko ạ? Trường ĐH mà chị apply có offer học bổng cho các ngành khác như Kinh tế, Kinh doanh không ạ hay chỉ cho ngành của chị thôi ạ? Em cảm ơn ạ A: Chị chào em. UBC có offer học bổng hỗ trợ học phí cho sinh viên quốc tế có hồ sơ đầu vào xuất sắc (tất cả các ngành, mức học bổng tùy theo từng ngành và mức độ cạnh tranh của hồ sơ mỗi năm). Nếu em học cao học, theo hướng research-based (như trường hợp của chị), thì luôn có học bổng toàn phần cho những ứng viên có hồ sơ tốt nhất nộp vào trường năm đó. Em có thể đọc thêm chuỗi bài chia sẻ của chị về học bổng bậc thạc sĩ tại UBC tại đây (em có thể kéo xuống phần ví dụ của bài viết, chị chia sẻ về việc học thạc sĩ của chị ở phần đó, một số bài viết khác trên website của chị cũng có đề cập về những trải nghiệm trước, trong, và sau khi học thạc sĩ tại Canada): https://bit.ly/2TxLbKr Q: Em chào chị. Em hiện cũng đang tìm hiểu về những học bổng cho bậc Thạc sỹ, không biết chị có lời khuyên rằng em nên tập trung, ưu tiên những yếu tố nào được không ạ (GPA, hoạt động ngoại khóa, giải thưởng, kinh nghiệm làm việc, điểm thi các chứng chỉ IELTS, GMAT,...)? Em cảm ơn chị rất nhiều ạ. A: Chị chào em. Để xác định rõ xem em cần tập trung ưu tiên yếu tố nào thì trước hết em cần xác định loại học bổng em sẽ theo đuổi. Tuy nhiên, có hai nhóm chính sau, với mỗi nhóm chị sẽ tóm tắt về các điểm cần lưu ý: 1) Học bổng của chính phủ: loại học bổng này cần cực kỳ chú ý đến việc phát triển hồ sơ toàn diện cả về mặt học thuật (ví dụ: GPA) và đặc biệt là mặt kỹ năng như kỹ năng lãnh đạo (ví dụ: dự án/hoạt động cộng đồng để chứng minh tiềm năng lãnh đạo của mình? em có thể chứng minh mình có thể tạo ra đóng góp tích cực cho cộng đồng hay không?). Ngoài ra, những chương trình trao đổi của chính phủ thường hướng đến gắn kết, trao đổi, và phát triển mạng lưới thanh niên tiềm năng, nâng cao hiểu biết về văn hóa giữa hai nước/các nước trong khu vực mà học bổng đó nhắm tới. Vì vậy, em cũng cần chứng minh được mình sẽ là một đại diện phù hợp để thực hiện “sứ mệnh” đó khi em nhận được học bổng. 2) Học bổng mang tính chất học thuật/nghiên cứu chuyên sâu cao: bao gồm các loại học bổng thực tập sinh, học bổng cao học bậc thạc sĩ hay tiến sĩ (research-based): các loại học bổng này yêu cầu em chứng minh được niềm đam mê và khả năng của em trong lĩnh vực học thuật, khả năng ngôn ngữ cũng không được thấp. Cách chứng minh dễ dàng nhất là qua những kỹ năng làm nghiên cứu em đã chuẩn bị được trong những năm học Đại học, các nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ, vân vân. Điểm tổng kết các môn chuyên ngành liên quan trực tiếp đến nhánh/mảng nghiên cứu mà em muốn theo đuổi cũng vô cùng quan trọng để hội đồng duyệt hồ sơ nhìn vào và đánh giá/so sánh bạn với các ứng viên khác. Và tất nhiên, là các chứng chỉ ngôn ngữ kèm theo. Hoạt động ngoại khóa có thì càng tốt, và vẫn nên có nhé – dù không cần phải quá xuất sắc. Em có thể đọc thêm bài viết chi tiết này trên blog của chị nhé: https://bit.ly/3gacfHs Q: Em chào chị Nguyệt Anh ạ. Chị có thể chia sẻ thêm về hồ sơ, cũng như kinh nghiệm apply của chị để đạt được học bổng toàn phần của Đại học British Columbia được không ạ? Em cảm ơn chị ạ. A: Chị chào em. Để đạt được học bổng, chị chú trọng tạo sức cạnh tranh cho hồ sơ của mình thông qua những điểm chính sau: 1) GPA: GPA Đại học của chị cao (3.85/4.0), tất cả các môn chuyên ngành của chị không môn nào dưới 85%, tương đương điểm quy đổi A là điểm chữ cao nhất thời điểm chị học Đại học. 2) Nghiên cứu khoa học: chị bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm, ngay sau khi chị học xong năm hai. Sau đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhóm chị đại giải cấp trường, và được đề cử đi thi cấp bộ. Chị đã từng được cử làm một trong hai đại diện của Việt Nam đi thuyết trình công trình nghiên cứu khoa học tại cuộc thi thanh niên quốc tế với Lâm Nghiệp năm 2014 (đại giải Nhì). 3) Hoạt động ngoại khóa: Chị tham gia tổ chức hoạt động và chạy dự án cho câu lạc bộ ở trường Đại học xuyên suốt 4 năm Đại học. Trong đó, nhiệm kỳ cuối cùng chị làm chủ nhiệm câu lạc bộ và đề xuất một số đề án về hội thảo giáo dục nâng cao nhận thức của thanh niên về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên/ động vật hoang dã (chứng minh rất rõ về kỹ năng lãnh đạo). 4) Tiếng Anh: tiếng Anh giao tiếp tốt và tự tin là một thế mạnh giúp chị cạnh tranh với những ứng viên khác. Mặc dù cho tới tận khi nộp hồ sơ học thạc sĩ năm 2016 chị mới thi IELTS (7.0 – vừa đủ mức tối thiểu đầu vào của khoa chị thôi), nhưng trước đó tất cả các chương trình chị nộp hồ sơ đều phải trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh, nên đây cũng là điều chị chú tâm rèn luyện suốt những năm học Đại học. 5) Thư giới thiệu: ngoài ra, chị xin được thư giới thiệu từ các giáo sư của trường Đại học Colorado (Mỹ). Thư giới thiệu cũng cực kỳ quan trọng để khiến hồ sơ của chị “stand out” so với những ứng viên còn lại. Để xin được thư giới thiệu ấn tượng, thì không có cách nào khác ngoài việc phải tạo ấn tượng tốt với người mà em làm việc/được học trong khóa học của thầy/cô đó. Em có thể đọc thêm về hai bài viết này trên blog của chị: 1) Viết bài luận: https://bit.ly/3chjego và 2) Phỏng vấn: https://bit.ly/3iiAkyp Q: Chị ơi, em hiện là sinh viên năm thứ hai Đại học. Không biết chị có thể chia sẻ chị mất bao lâu để chuẩn bị( bao gồm cả GPA, hoạt động ngoại khóa, LOR, SOP, điểm thi các chứng chỉ) cho việc đạt học bổng du học bậc Thạc sỹ tại University of British Columbia được không ạ? Em cảm ơn chị nhiều ạ. A: Chị chào em. Quá trình chuẩn bị nếu bao gồm tất cả những điều em đề cập thì có thể nói là cả một quá trình 4.5 năm học Đại học của chị (vì em liệt kê cả GPA và hoạt động ngoại khóa – đây là hai yếu tố đường dài xuyên suốt cả 4.5 năm mà chị tích lũy và cố gắng). Còn quá trình chuẩn bị hồ sơ và thủ thục cần thiết (LOR, SOP, thi các chứng chỉ cần thiết, liên hệ với giáo sư, làm hồ sơ nộp đi) thì là một năm. Em đang học năm hai, nếu em có ý định đi du học bằng học bổng thì đây là thời điểm tốt để tập trung lên kế hoạch và bắt đầu thực hiện từng mục tiêu nhỏ rồi. Chị chúc em may mắn. Em có thể ghé blog của chị để đọc thêm một số bài viết chị chia sẻ chi tiết về quá trình chuẩn bị hành trang xin học bổng nhé: https://www.moonloonie.com/
0
3
258
Nguyet-Anh Nguyen
03 thg 6, 2021
In Living Abroad
Q: Em chào chị ạ. Chị có thể chia sẻ các chị đối mặt với việc homesick, cũng như cách cân bằng giữa học tập, công việc với sinh hoạt thường nhật được không ạ? Em cảm ơn ạ. A: Chị chào em, chị có chia sẻ về homesick ở bài viết này, em ghé đọc nhé: https://bit.ly/3pnSLDj Về cách cân bằng giữa học tập, công việc, và sinh hoạt thường nhật, em có thể đọc bài viết của chị tại đây (và một số bài viết khác trên blog của chị) để có được câu trả lời đầy đủ và chi tiết nhất nhé: https://bit.ly/352PQa1 Ngoài ra, còn có một bài chị viết về những giai đoạn/cảm xúc khác nhau trong 2 năm chị học thạc sĩ tại Canada, tại đây: https://bit.ly/2TxM9Gz Q: E chào c ạ. E cũng hiện đang học xa nhà và e biết cuộc sống xa nhà rất khó khăn, nhất là lại ở một đất nước khác. Không biết lúc mới qua c có gặp phải nhiều khó khăn gì không và c thường làm gì để vượt qua được khó khăn ấy vậy ạ? E cảm ơn c. A: Chị chào em. Chị còn nhớ hai tuần đầu tiên sau khi chị nhập học là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của chị mãi đến tận bây giờ. Mặc dù trước năm 2017 chị đã từng tham gia các chương trình trao đổi ở nước ngoài, các cuộc thi và tương tác với rất nhiều bạn trẻ xuất sắc đến từ nhiều nơi, nhưng chỉ khi nhập học ở khoa Lâm Nghiệp của UBC, chị mới thực sự bị “choáng ngợp”. Lí do là bởi xung quanh chị quá nhiều người giỏi. Cũng phải nói thêm rằng UBC Forestry nhiều năm liền được xếp hạng vào top 3 thế giới trong lĩnh vực lâm nghiệp, nên sự “choáng ngợp” của chị là điều rất dễ hiểu. Chị áp lực và sợ bị thua kém, cộng thêm cảm giác xa nhà, xa bạn bè nên càng cảm thấy cô độc trong khoảng thời gian đó. Vấn đề được giải quyết khi chị bình tĩnh lại và quyết định chủ động mở lòng nói chuyện với các bạn trong cùng lớp học nhiều hơn, không ngại hỏi khi chị không rõ điều gì đó, và không ngại chia sẻ những thắc mắc về một chủ đề khó của môn học với giáo sư hướng dẫn. Lúc đó, giáo sư của chị đã nói với chị như thế này: “It’s not meant to be easy. If it’s easy, you don’t have to be here to study”. Chị khi đó đã khắc ghi mãi câu nói đó, cho đến tận bây giờ mỗi khi gặp phải nhiệm vụ gì khó khăn, chị đều nghĩ đến câu nói đó và chị cảm thấy có động lực để tìm bằng được cách giải quyết vấn đề. Trên blog của chị có một bài viết chi tiết về một vài cảm xúc và trải nghiệm trong quá trình học tập xa nhà, đây là một ví dụ em có thể ghé đọc nhé: https://bit.ly/3pliSuw Q: Em chào chị ạ. Em là hs lớp 10 cũng có ý định du học Canada nhưng em chưa biết nên chọn thành phố nào, c có thể nói sơ qua về nơi chị đang sống và cho e 1 vài gợi ý về các thành phố được không ạ. Em cảm ơn chị. A: Chị chào em. Từ trải nghiệm của chị, chị nghĩ em có thể cân nhắc một số tiêu chí chính sau đây khi chọn thành phố để du học, đặc biệt là ở Canada: 1) thời tiết, 2) chi phí sinh hoạt + học tập, 3) độ đa dạng văn hóa, 4) cơ hội việc làm cho ngành của em sau khi ra trường (nếu em muốn ở lại lấy kinh nghiệm làm việc). Nếu em muốn tới những nơi thời tiết không quá khắc nghiệt vào mùa đông thì em có thể cân nhắc giữa Vancouver, Victoria, hoặc Toronto. Vancouver và Toronto là hai thành phố lớn nhất, lân cận trong vùng xung quanh hai thành phố này cũng có một số thành phố nhỏ khác, em có thể tìm hiểu thêm dựa trên những tiêu chí chị vừa nêu ở đầu. Về Vancouver, chị có một bài viết chi tiết trên blog, em có thể đọc để hiểu rõ nhất nhé: https://bit.ly/3cjtogu Chị chúc em sẽ có được lựa chọn phù hợp nhất! Q: Em chào chị ạ. Em cũng có mong muốn đi du học Canada nhưng em hơi lo về khoản tài chính. Chị cho em hỏi chi phí sinh hoạt trung bình một tháng ở Canada là bao nhiêu ạ? Làm thế nào để chị tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhất ạ? Em cám ơn ạ A: Chị chào em. Chi phí sinh hoạt trung bình một tháng ở Vancouver (nơi chị sống) là khoảng $1000 - $1500/tháng tùy vào nơi mà em ở (vì giá thuê nhà quyết định phần lớn tổng chi phí sinh hoạt) và cả thói quen chi tiêu của từng người. Tuy nhiên, mức $1200 - 1500 là khá thoải mái cho sinh viên nói chung. Vancouver và Toronto là hai thành phố đắt đỏ nhất Canada, nếu em ở các thành phố khác thì chi phí sẽ đỡ tốn kém hơn. Về tiết kiệm chi phí sinh hoạt, chị có 3 lời khuyên chính sau: 1) Em chịu khó tự nấu ăn/pha cà phê/đồ uống tại nhà – nếu không biết thì nên học những món đơn giản, dễ làm mà vẫn đủ dinh dưỡng, vừa tốt cho sức khỏe vừa tiết kiệm. Nếu em ở một mình thì em có thể nấu cho nửa tuần rồi để tủ lạnh, tiết kiệm thời gian mà cũng đỡ ngán vì có thể đổi món. Em có thể tự thưởng cho mình những buổi ăn tối ở nhà hàng vào cuối tuần cùng bạn hàng tháng (hoặc tần suất tùy theo khả năng tài chính) để em cảm thấy vẫn được tận hưởng và vui vẻ. 2) Giữ lại hóa đơn đi siêu thị/mua sắm cho từng tháng, cuối tháng em ngồi lại tổng kết để biết mức độ chi tiêu và điều chỉnh lại – các ngân hàng bên này có app để track xem mỗi tháng em dùng hết bao nhiêu cho mỗi nhóm nhu cầu – nếu em dùng thẻ hoàn toàn. Em xem rồi cân đối xem mình chi tiêu tốn/hoang phí vào những nhóm nào thì cắt giảm lại. 3) Đơn giản hóa lối sống: quần áo, phụ kiện nên tối giản hóa – mua đồ thoải mái dễ chịu và phù hợp với mục đích sử dụng. Việc này giúp em tiết kiệm tiền và khi chuyển nhà/du lịch/về thăm quê, em không bị mệt mỏi vì việc pack đồ, hoặc thậm chí tốn thêm tiền để thuê dịch phụ chuyển đồ (chuyện xảy ra rất thường xuyên khi đi du học). Q: Em chào chị ạ. Chị có thể cho em hỏi chị thích nhất điều gì ở Canada ạ? Môi trường làm việc và học tập ở đó đã giúp chị có thêm những kiến thức và trải nghiệm như thế nào ạ? Em cám ơn ạ. A: Chị chào em. Cuộc sống ở Canada luôn tạo cho chị cảm giác bình yên và có phần “thong thả”, vì nhịp sống và làm việc không vội vàng và quá áp lực, con người hiền hòa thân thiện, văn hóa đa dạng. Vì vậy, chị cảm thấy dễ hòa nhập và khá thích nhịp sống ở đây. Ngoài ra, thành phố chị học tập và làm việc (Vancouver) là thành phố nổi tiếng thế giới về du lịch nên chị có cơ hội để đi khám phá được nhiều nơi. Đặc biệt là vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời ở thành phố ven biển này. Về môi trường học tập và làm việc, Canada nổi tiếng là một trong những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường Đại học lớn của các tỉnh bang. Ở trường chị theo học (UBC), chị có cơ hội được làm việc và lên ý tưởng nghiên cứu, xin funding cùng giáo sư, viết luận văn, và viết báo khoa học để công bố trên các tạp chí quốc tế. Ngoài ra, UBC cũng tạo điều kiện rất tốt cho sinh viên cao học phát triển các nhóm kỹ năng mềm cần thiết để thích nghi với việc chuyển đổi môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Điều này được thực hiện thông qua các khóa học/hội thảo miễn phí ngay tại trường, các sự kiện kết nối giữa cựu sinh và sinh viên, cũng như các nhà tuyển dụng tiềm năng của các ngành học. Vancouver là một thành phố đa sắc tộc, đa văn hóa. Canada cũng nổi tiếng vì sự thân thiện và chính sách mở cho người nước ngoài đến học tập và làm việc. Vì vậy, chị chưa bao giờ hối hận vì đã chọn Canada và UBC là điểm đến của mình. Em có thể đọc thêm ba bài viết sau trên blog của chị về trải nghiệm học tập và sinh sống ở Vancouver, Canada: 1) Năm miền cảm xúc, hai năm học cao học ở Canada (https://bit.ly/3vVfER9); 2) Vancouver trong tôi: thành phố ven biển miền tây Canada (https://bit.ly/3pmYjxM); 3) Du học đã thay đổi tôi như thế nào? (https://bit.ly/3wZjOY8)
0
0
46

Nguyet-Anh Nguyen

Quản trị viên
Thao tác khác
bottom of page