Em chào chị ạ. Sau khi dành thời gian để đọc các bài viết của chị cũng như tìm hiểu về việc làm, môi trường ở 2 mảng academic và industry, em đã quyết định mình sẽ định hướng theo con đường industry (em thích việc nhìn thấy được sản phẩm của mình sẽ ứng dụng như thế nào và thích được gặp gỡ nhiều người từ các background khác nhau mà không chỉ giới hạn trong phòng nghiên cứu và đặc biệt em thấy tính cách của em không hợp với việc làm research lâu dài). Tuy nhiên ngành em đang học là bachelor of chemistry (chỉ là chemistry chung chung chưa cụ thể) nên chắc chắn để làm được trong industry thì em sẽ phải học lên master về 1 mảng cụ thể (có thể là pharma, cosmetic, food, environment, energy, etc - em vẫn chưa xác định được ạ). Em có một số câu hỏi như sau.
Hiện em đang năm 1 và nếu em đã định hướng trước là mình sẽ làm trong mảng industry thì em nên có sự chuẩn bị như thế nào để 1 là build được hồ sơ cho xin hb master và 2 là hồ sợ đủ mạnh để kiếm được việc ạ? Khác với mảng academia thì sự chuẩn bị cho industry nên tập trung vào gì ạ? Từ đại học thì em nên tập trung đi internship hơn hay tập trung vào research (để build hồ sơ xin hb master).
Không biết ngành chị có như ngành của em không nhưng ngành của em nhiều nhánh nhỏ để đi cực. Hiện em vẫn chưa biết được mình sẽ muốn theo mảng nào trong ngành nên vẫn hoang mang lắm ạ. Tuy không cùng nghành nhưng chị có thể cho em xin lời khuyên làm sao để xác định được mảng nhỏ mình muốn theo đây ạ.
Theo em tìm hiểu thì vì đặc thù của chuyên ngành em, phần lớn mọi người bắt đầu industry sẽ với công việc là làm bên mảng R&D của công ty. Vậy không biết chị có biết thông tin gì về mảng này không ạ? R&D thì có nghĩa là research and development, vậy research trong industry khác gì research trong academia ạ? Và từ R&D mình có thể nhảy vào mảng nào khác không ạ?
Trên đây là một số thắc mắc của em. Mong sẽ nhận được phản hồi tự chị. Chúc chị sức khỏe 😊
1. Nếu em muốn xin học bổng master ngạch research-based (phổ biến là ở Mỹ và Canada) thì em cần tập trung tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu để có thể xin được học bổng toàn phần. Nếu em xin học bổng chính phủ dạng course-based ở các nước châu âu/úc thì em tập trung tích lũy GPA, và thêm kinh nghiệm đi internship (nghiên cứu cũng tốt nữa, nhưng không cần quá nặng) – tùy vào tính chất của loại học bổng cụ thể mà em nhắm tới.
Tốt nhất vẫn là em thu hẹp phạm vi của mảng chuyên môn mà em thấy phù hợp với: 1) khả năng của em và 2) nhu cầu của thị trường việc làm. Sau đó, em có thể thử bắt tay vào làm một công trình nghiên cứu khoa học cấp trường – cái này sẽ cho em thấy được là em có thích mảng đó hay không, cũng là tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu luôn – tầm năm 2 – 3 em làm NCKH xong, năm cuối có thể xin một internship ngắn hạn để trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Như vậy, hồ sơ của em sẽ có cả hai mảng để support cho học bổng và cũng đồng thời cho em có được cái nhìn rõ hơn về định hướng của bản thân.
Các kỹ năng mềm em nên chú ý rằng có những kỹ năng liên quan trực tiếp tới ngành học nhưng cũng có những kỹ năng mềm cơ bản mà ngành nghề nào cũng cần có, em nên chú trọng phát triển tốt cả hai nhóm kỹ năng mềm này.
2. Như chị đã nói ở trên, để xác định hướng em muốn đi theo thì em dựa vào 1) khả năng của em – em mạnh mảng nào nhất? – trong khi học các môn chuyên ngành em sẽ thấy được điều này, 2) nhu cầu thị trường đang cần người làm ở mảng nào? 3) liên lạc với một số anh chị đi trước để tham khảo thêm về tính chất công việc của từng mảng, rồi em có thể lọc ra được những mảng em thấy ổn nhất. Cuối cùng là phải thử, vì thử là cách duy nhất cho em biết em thực sự có hợp với một mảng nhất định không. Em đừng áp lực quá về việc phải xác định được là mình sẽ theo hướng nào 100% ngay từ đầu, vì khi mình chưa thực sự trải qua thì mình không có cách nào biết được rõ cả. Có thể bây giờ em nghĩ em thích hướng A, nhưng sau khi làm một thời gian, em thấy mình hợp với hướng B, và em chuyển hướng cũng không sao, mọi chuyện đều ổn nếu em biết mình đang làm gì.
3. R&D mà em nhắc tới là bộ phận nghiên cứu và phát triển của các công ty/doanh nghiệp. Trên lý thuyết thì nó khá giống với việc làm nghiên cứu học thuật, các giai đoạn và quy chuẩn tương tự với một quá trình làm nghiên cứu cơ bản. Nhưng tính chất thì khác với làm nghiên cứu trong môi trường học thuật ở chỗ, em làm việc cho một doanh nghiệp/công ty thì chủ đề nghiên cứu sẽ phụ thuộc vào định hướng của công ty/doanh nghiệp đó.
Ví dụ, nếu em trở thành một giáo sư của một trường Đại học, em có quyền tự đề xuất các ý tưởng nghiên cứu, xin funding và thực hiện, phạm vi nghiên cứu sẽ rộng hơn, ý tưởng 100% là của em. Nhưng ở trong bộ phận R&D của một công ty chuyên về một loại sản phẩm nhất định chẳng hạn, thì có thể em sẽ chỉ tập trung nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm cụ thể cho công ty đó thôi.
Còn về chuyện chuyển từ R&D sang các bộ phận khác của công ty, chị nghĩ là vẫn có khả năng nhưng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khó nói trước, ví dụ như quy mô của công ty đó, khả năng của em, và nhu cầu về nhân sự của công ty.
Tựu chung lại, chị khuyên em ở thời điểm bây giờ nên tập trung vào bước số 1 trước, đó là trau dồi càng nhiều kiến thức và kỹ năng về ngành học của em càng tốt, đồng thời xây dựng các mối quan hệ với những anh/chị/các bạn trong ngành để học hỏi và trao đổi thông tin về nghề nghiệp, định hướng. Tới năm 2 em có thể thử làm nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi trong ngành dành cho sinh viên, dựa trên đó em sẽ dần dần biết mình muốn gì nhất, rồi xin đi thực tập, trải nghiệm và “reflect” lại quá trình em đã trải qua.
Chị mong những điều này sẽ giúp ích cho em phần nào.
Chị chúc em may mắn và học tốt!