top of page

Ý nghĩa của cuộc sống là gì?

Chẳng ai sinh ra mà đã biết rõ mình là ai, trừ khi họ chấp nhận một định nghĩa người khác tạo ra sẵn cho họ. Chúng ta hầu hết dần dần hiểu ra bản thân mình hơn sau những gì chúng ta trải qua. Có người nhanh, có người chậm, nhưng cũng có người mãi mãi không biết giá trị thực sự của bản thân nằm ở đâu dù đã trải qua kha khá chuyện.


Hôm nay tôi đã rối trí vì không biết phải sắp xếp như thế nào chuỗi bài viết về “làm thế nào để bớt đen”—trong đó tôi cố gắng truyền đạt đến mọi người cách tạo lập mục đích bền vững và lên kế hoạch để đạt được nó (ví dụ như chuyện bạn chọn trường đại học, chọn chương trình du học, lên kế hoạch nhảy việc, vân vân). Nên tôi nghĩ tôi cần bắt đầu bằng bài viết này trước. Bởi vì trong chuỗi bài sắp tới tôi sẽ nhắc rất nhiều đến những điều như “giá trị cốt lõi” hay “ý nghĩa của điều bạn muốn làm”. Tóm lại, bạn chỉ cần cứ đọc tiếp bài viết này cái đã.




NHẦM LẪN GIỮA GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA BẢN THÂN VỚI “PHẢI THEO ĐUỔI MỘT SỨ MỆNH CỐ ĐỊNH”


Trước năm 18 tuổi tôi luôn nghĩ mình đến với trái đất với một sứ mệnh có sẵn. Tôi tin vào những điều như: “theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, “hạnh phúc là được làm những gì mình thích” hoặc đơn giản là “sung sướng, dư thừa về vật chất và danh tiếng là những điều quan trọng cần đạt được”.


Nhưng về sau tôi mới dần hiểu, thực ra không phải lúc nào mình đạt được điều gì cũng là do mình hoàn toàn giỏi, và không phải lúc nào mình thất bại cũng bởi vì mình chưa cố gắng đủ. Những ngày này tôi đồng điệu hơn với việc: “hạnh phúc không phải là ta được phép làm gì ta muốn, mà là ta luôn luôn muốn cái ta làm”. Cái mà các bạn hay nói vui là “hãy nói cho tôi biết tôi đến trái đất này để làm gì?” thực ra không có một đáp án cố định.


Nên bây giờ tôi nghĩ, nếu tôi có thể nói chuyện với bản thân mình lúc 18 tuổi, tôi sẽ khuyên tôi của khi đó biết tập trung để nhìn vào hiện tại để thấy được ý nghĩa những điều mình làm, những gì mình trải nghiệm, từ đó nhận ra được những giá trị quan trọng trong cuộc sống của tôi. Thay vì việc nghĩ rằng tôi phải đi tìm cho bằng được một sứ mệnh cố định nào đó.


NHÌN NHẬN BẢN THÂN VÀ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH BẰNG NHỮNG TIÊU CHÍ “BỀ NỔI”?


Tôi của những năm đại học chơi vơi giữa việc chứng minh năng lực bản thân mình qua GPA (tức điểm tổng kết), qua giải thưởng, qua học bổng, và những chuyến đi xuyên lục địa. Tôi đã từng tin tất cả những sự hào nhoáng đó sẽ chứng minh được rằng tôi đi tìm ra “chính mình”.


Vì vậy, có những lúc tôi đã rất phẫn nộ nếu một môn học bị điểm B (khi đó bảng điểm của tôi được lấp kín bởi những điểm A). Tôi cũng có lúc ước mơ mình có tiền để xài hàng hiệu (tiếc là tôi chưa bao giờ có đủ tiền trong thời điểm mà tôi vẫn còn ngộ nhận để thực hiện, haha). Tôi cũng thích một số cái mà đa số bạn bè tôi thích để không bị lạc lõng, kiểu như phải vào học đại học tốt đầu mới là ngầu.


Để lí giải cho những suy nghĩ tiêu cực độc hại mà tôi đã có cho bản thân mình những năm trước, tôi thích dùng khái niệm của Higgins (1987)—self-discrepancy theory (tức là thuyết về sự tự bất đồng của một bản thể, tôi tạm dịch vậy). Nói một cách đơn giản, thì Higgins cho rằng luôn có sự tồn tại của ba phiên bản như sau ‘actual self’: phiên bản mình tự nhận thấy mình là ai ở hiện tại), ‘ideal self’: phiên bản hoàn hảo hơn mà mình muốn mình trở thành, và một ‘ought self’: phiên bản mà mình tin là mình cần phải trở thành, thường theo quy chuẩn của những người xung quanh mà mình cho là quan trọng.


Ở trên, khi tôi cảm thấy buồn chán và thất vọng về bản thân (dù là về vấn đề nào đi chăng nữa) thì cũng có thể do tôi nghĩ rằng bản thân tôi ở hiện tại (actual self) không giống với cái nào trong hai cái ‘ideal self’ và ‘ought self’ cả. Sự khác biệt giữa cái tôi hiện có và cái tôi mong muốn, hoặc tôi cho rằng cần phải đạt được vì thế làm cho tôi cảm thấy phẫn nộ và chán nản nhiều hơn sau mỗi chuyện. Đó là lí do tại sao mà người ta hay nói “hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn”.

Thế thì người ta sẽ nói: “vậy hy vọng ít thôi là được, dễ ẹc”. Nhưng cái khó là con người luôn luôn phải sống cho một xã hội, mà đôi khi trong cả một cuộc đời, lại dành quá ít thời gian để thấu hiểu bản thân mình hơn mỗi ngày. Người ta nghĩ rằng giá trị cuộc sống của người ta là một cái gì đó có sẵn, và người ta mượn những thước đo của xã hội để đi tìm mục đích sống. Ít ai nhận ra rằng những thứ như sự tung hô, nổi tiếng, tiền bạc, hàng hiệu, vân vân… chỉ là giá trị ngoài thân. Bởi vì, nếu một mai thức dậy, nếu bị tước đi tất cả những giá trị ngoài thân đó, thì một người có còn cảm thấy vui và muốn tiếp tục sống không? Giá trị ngoài thân tạo nên sung sướng tạm thời. Vậy nên, nó khó có thể trở thành cơ sở để người ta tìm ra được ý nghĩa bền vững.


VẬY THÌ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG LÀ GÌ VÀ ĐỘNG LỰC NÊN TỪ ĐÂU MÀ RA?


Sự băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống thì có lẽ ai mà chẳng có, trừ khi người ta chẳng thèm nghĩ đến nó, haha. Mỗi người lại có những quan niệm riêng về ý nghĩa của cuộc sống dựa trên những gì họ đã trải qua. Và tôi nghĩ điều đó thú vị ở chỗ, trải nghiệm thì rất ít ai giống ai hoàn toàn. Thế nên thực tế, ý nghĩa của cuộc sống, mà sau đó là mục đích của một cá nhân sẽ không hoàn toàn đúng với một cá nhân khác.


Ashleigh Brilliant có câu nói rất vui nhưng cũng rất “thâm”: “thà cuộc sống không có ý nghĩa, còn hơn có một ý nghĩa mà tôi không khoái.” Phải chăng vì vậy mà người ta hay lầm tưởng cái mình khoái thành “mục đích cuộc sống”? Giống như tôi đã từng một thời “khoái” cái cảm giác được đứng đầu, được công nhận, được trầm trồ thán phục bởi đàn em, nên tôi nghĩ cuộc sống sẽ thật có ý nghĩa nếu tôi được GPA 4.0 thay vì 3.6; hoặc là tôi đã có thời rất thích khoe mình được bao nhiêu học bổng toàn phần (trời ạ!).


Dài lắm rồi và cảm giác vẫn chưa thể kết thúc được, nên tôi sẽ để ở đây đoạn trích mà tôi rất thích khi đọc chương cuối của “Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu?” của Precht (cảm ơn Precht đã cho tôi cảm hứng để sắp xếp những suy nghĩ và hiểu biết non nớt của mình thành một bài viết, dẫu cho có thể nó chưa được thuyết phục cho lắm):


“Ừ, giờ thì ta nói đến ý nghĩa cuộc sống. Thực ra không có gì đặc biệt cả. Đơn giản là hãy thân thiện với mọi người, tránh ăn đồ nhiều mỡ, thỉnh thoảng đọc một cuốn sách hay, mời bạn bè đến thăm, cố gắng sống trong hòa bình và hài hòa với mọi chủng tộc và dân tộc.” (đoạn này Precht trích trong bộ phim Monty Python). Và đây là lời của Precht: “Hãy giữ tính tò mò ham hiểu biết, hãy thực hiện các ý tưởng tốt đẹp của mình, hãy làm cho năm tháng chứa đầy sự sống chứ đừng để cuộc sống đầy phè những năm tháng.”

Thế nên, tôi chẳng thể trả lời nổi cho bạn mục đích cuộc sống của bạn là gì, bạn phải tự trả lời thôi!


Vancouver, ngày 07 tháng 07 năm 2020.

Tôi cảm thấy cuộc sống nửa năm 2020 đang đầy phè những tháng ngày cách li

(chết thật).

425 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page