top of page

Cải thiện kỹ năng viết (phần 1)

Viết là một kỹ năng rất quan trọng và khó với rất nhiều người, ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau. Từ khi còn là sinh viên, tôi đã bị “bế tắc” rất nhiều lần khi phải ngồi xuống và viết. Bế tắc khi viết báo cáo môn học, luận văn, bài luận xin học bổng, hay thư xin việc. Trong thời gian hai năm học thạc sĩ tại Canada, hầu hết những người tôi đã gặp và làm việc cùng đều công nhận rằng: viết là một kỹ năng cần thiết nhưng khó nhằn. Giáo sư của tôi rất nhiều lần nhấn mạnh rằng: “viết là kỹ năng không thể thiếu dù sau này các trò có làm việc trong lĩnh vực học thuật hay không”. Cho tới bây giờ, khi đã đi làm được hai năm, tôi càng thấm thía hơn lời dặn đó của giáo sư. Nhân dịp sắp vào năm học mới, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài điểm quan trọng trong hành trình cải thiện kỹ năng viết của bản thân mình. Tôi sẽ bắt đầu bằng một câu nói mà tôi rất yêu thích:

“If you want to be a good writer, you must do two things above all others: read a lot and write a lot.” -Stephen King

Câu nói của Stephen King vẫn luôn là kim chỉ nam cho hành trình viết tốt hơn mỗi ngày của tôi. Muốn viết tốt hơn, bạn cần làm hai điều tối cần thiết: 1) đọc thật nhiều và 2) viết thật nhiều. Đọc nhiều để mở rộng vốn hiểu biết, vốn từ vựng, và góc nhìn. Viết nhiều để có cơ hội “sai nhiều”, sau đó sửa lại và tốt dần lên – Practices make perfect! Quay lại việc thực hành song song viết và đọc, tôi duy trì hai thói quen tốt sau:

  1. Tạo thói quen ghi chú lại những cách diễn đạt, cấu trúc diễn đạt, và ý tưởng hay khi đọc – cái này nó giống như một “bộ sưu tập” của riêng mình. Khi bí ý tưởng hoặc cần tìm tới một cách diễn đạt mới, tôi có thể sử dụng bộ sưu tập này để tham khảo. Lưu ý: việc này khác với hành vi “đạo văn” nhé!

  2. Tạo thói quen đọc lại và viết lại nhiều lần để luyện kỹ năng nhìn ra được điểm yếu của mình, và nhìn ra được những điều hay bị bỏ sót.

Cả hai thói quen này đều ngốn của tôi rất nhiều thời gian. Và nếu bạn có ý định thử áp dụng nó, thì tôi cảnh báo trước là bạn phải áp dụng nó đủ lâu cho tới khi có thể thấy được tác dụng. Ví dụ: tôi đã làm nó liên tục không ngừng trong vòng hai năm để tới ngày luận văn thạc sĩ nhận được xếp hạng xuất sắc, và hai bài báo quốc tế của tôi được chính thức chấp thuận.


Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là một hành trình cải thiện kỹ năng viết ngoài học thuật, hãy nghĩ như này về việc viết: “Your task is not writing the report. Your task is communicating your message/your story” – tức là hãy nghĩ về việc viết giống như một hành trình truyền tải thật tốt thông điệp hoặc câu chuyện mà bạn muốn gửi gắm tới người đọc.

Hai cuốn sách đầu tiên tôi được giáo sư trao tận tay hồi bắt đầu viết luận văn thạc sĩ. Nói chung, hành trình viết lách gian nan lắm các bạn ạ, nhưng cứ cố gắng từng ngày thì cũng tốt lên nhiều và giành thêm học bổng, thêm vài tấm vé đi khám phá thế giới "free"!


Có bốn điểm cực kỳ quan trọng mà tôi luôn bám sát khi thực hiện việc viết (không hoàn toàn áp dụng cho creative writing, nhưng đúng cho hầu hết các thể loại viết khác):


  1. Make it relevant: hiểu rõ mục đích viết và người đọc sản phẩm của bạn (họ là ai, họ tìm kiếm điều gì từ bài viết của bạn, trình độ học thuật/chuyên môn của họ về chủ đề bạn viết ở đâu?, vân vân).

  2. Make it clear: biết rõ mình muốn viết những gì, lối viết học thuật hay phổ thông, và mỗi câu cần phải phải súc tích, mạch lạc (rất quan trọng).

  3. Revise with purpose: có một chiến lược rõ ràng khi xem lại bài luận/báo cáo: lên một danh sách những điểm bạn muốn xem lại trước khi bắt đầu thực sự hành trình “review”.

  4. Give credit where credit is due: cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin tài liệu tham khảo.

[còn tiếp: ở bài viết tiếp theo tôi sẽ đi sâu phân tích 4 điểm quan trọng vừa nêu trên].

440 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page