top of page

Đọc cũng cần có kỹ năng

Lần đầu tiên tới Canada làm thực tập sinh, công việc chính của tôi là ngồi làm lược sử nghiên cứu (literature review) cho một dự án về cháy rừng. Suốt ba tháng tôi làm bạn với những bài báo khoa học chi chít chữ, và từ đó, phải tạo một bản tổng hợp những gì mình đã đọc và rút gọn lại được vào cuối kỳ thực tập. Ở thời điểm còn chưa tốt nghiệp Đại học, phải ngồi lì làm lược sự nghiên cứu khiến tôi nhiều lúc muốn vò đầu bứt tai, chạy trốn khỏi phòng lab đi mua trà sữa (haha).  


Lần đầu tiên tới gặp giáo sư của tôi để bàn về đề tài nghiên cứu thạc sĩ, trong đầu tôi đầy háo hức vì nghĩ sẽ chọn được hướng đi cho luận văn luôn và ngay. Kết quả là giáo sư “tặng” cho một xấp báo, kèm thêm một chồng sách về thống kê ứng dụng, và bảo tôi cứ từ từ về đọc đi rồi 2 tuần nữa lại nói chuyện tiếp nhé.

 

Nhờ có những khoảng thời gian ngập chìm trong việc đọc và tổng hợp thông tin khoa học, kỹ năng tự học, sắp xếp và tổng hợp thông tin của tôi cũng được cải thiện đáng kể. Bên cạnh kỹ năng viết, kỹ năng đọc và tổng hợp thông tin một cách hiệu quả là một trong những kỹ năng không thể thiếu trong công việc, học tập, cũng như mỗi khi tôi đưa ra một quyết định hay đánh giá về một vấn đề tôi chưa gặp phải bao giờ. Trải nghiệm đọc và tổng hợp thông tin cũng là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời nếu bạn nào có sở thích về tìm hiểu những lĩnh vực mới.  

 

Vậy đọc như thế nào cho hiệu quả? Từ những bài báo khoa học, tới những báo cáo, hay những thông tin mình được tiếp cận, tôi đều duy trì một thói quen rất đơn giản như thế này:

 

Trước khi đọc các nghiên cứu khoa học, tôi thường xác định rõ xem mục đích đọc là gì? hoặc tìm kiếm thông tin cũng vậy, cần có một mục đích rõ ràng để tránh bị sa đà vào những thông tin không liên quan.

 

Ví dụ: khi làm literature review, tôi thường có hai mục đích chính: 1) tìm ra research gaps/questions để có ý tưởng cho nghiên cứu/dự án mới và 2) tìm tài liệu liên quan để đưa vào phần discussion (thảo luận) của bài báo/báo cáo/luận văn. Tùy vào mục đích chính là gì, tôi sẽ ưu tiên đọc những phần có liên quan trực tiếp nhất của bài báo trước, sau đó áp dụng các bước sau:

 

Bước 1: Đọc phần Abstract (phần tóm tắt tổng quan): nhận định xem nghiên cứu này có liên quan trực tiếp đến điều tôi đang quan tâm không? Nếu không => bỏ qua, nếu có => tiếp tục với bước 2.

=> Nếu là báo cáo hoặc các bài blog thông thường không phải nghiên cứu: tập trung đọc lướt các câu chủ đề ở đầu mỗi đoạn trước khi đọc sâu. Nếu có liên quan tới điều mình hứng thú và quan tâm thì bắt đầu đọc sâu.

 

Bước 2: Đọc phần Results (kết quả): có thực sự liên quan một cách cụ thể và hứng thú không? có hỗ trợ được tôi trả lời câu hỏi hoặc là bằng chứng để em đưa vào phần thảo luận của nghiên cứu/báo cáo tôi đang làm hay không; hoặc giúp tôi định hình được research gaps, hoặc đọc xong kết quả tôi có nảy ra được câu hỏi gì từ đó không?

 

Bước 3: Nếu câu trả lời ở bước 2 là có, tiếp tục đọc sang phần Methods (phương pháp). Nếu phần phương pháp đủ mạch lạc và thuyết phục, có liên quan hoặc có tính mới thì đọc chi tiết và chuyển sang bước 4.


=> Gộp bước 2 và 3 nếu không phải là bài báo khoa học. Đặt ra câu hỏi về những nhận định đưa ra trong báo cáo hoặc bài viết. Các nhận định và ý kiến người viết đưa ra có thỏa đáng dựa trên 1) trải nghiệm thật, 2) số liệu nghiên cứu nào, 3) dẫn chứng cụ thể nào không? Nếu có dẫn chứng, thì phương pháp của nghiên cứu được dẫn liệu có thuyết phục không?

 

Bước 4: Đọc phần Discussion (thảo luận), và cho vào danh sách chọn lọc các bài báo. Tôi thường lưu lại những bài báo hay trong kho tài liệu của riêng mình. Có hai phần mềm tôi sử dụng để quản lý tài liệu tham khảo, Zotero và Mendeley – một dạng Reference Manager; Các bạn có thể Google tìm hiểu thêm các lựa chọn vì có rất nhiều phần mềm khác nhau, mỗi người có thể tùy chọn cho mình loại phù hợp với nhu cầu.

 

Sử dụng phần mềm quản lý tài liệu hoặc trong bảng tổng hợp tóm tắt nội dung của bài báo, tôi sẽ take note lại, chia nhóm/folder theo chủ đề. Cách yêu thích tôi dùng khi viết luận văn và viết báo để xuất bản là lập bảng để note lại những điểm chính, thường bao gồm các cột như: tên bài báo, năm xuất bản, tác giả, chủ đề, phương pháp chính, kết quả chính. Tôi sẽ lọc những bài tốt và liên quan nhất cho vào danh sách. Đây là một cách thủ công và tốn sức nhưng là một trải nghiệm cá nhân tôi rất thích và vẫn giữ tới tận bây giờ.


Cuối cùng, một thói quen đọc tốt và hiệu quả sẽ có giá trị và tính ứng dụng cao hơn nếu bạn đem những điều mình đọc được để thảo luận và chia sẻ cùng với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc những người xung quanh.


Happy reading!

61 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page