top of page

Get older before you get married

- Tối nay là tối cuối cùng trước khi tụi mình chuyển ra khỏi nhà rồi. Cậu có muốn ngồi lại một chút không? - Ừ, tớ đi pha trà gạo rang nhé? - Vậy thì còn gì bằng. Cảm ơn cậu.

Tôi thong thả pha hai tách trà gạo rang. Tôi và Leah, cả hai đứa đều nghiện thứ trà này, đặc biệt trong những ngày đông. Tối hôm đó, chúng tôi đã ngồi lại phòng khách, cùng nhau nói những chuyện mà suốt hai năm trước đó chúng tôi chưa có dịp cùng chia sẻ. Từ những kỷ niệm ngày đầu chuyển vào căn nhà cùng nhau, khi tuyết lớn cùng nhau xây người tuyết, chuyện bà chủ nhà và cái phòng giặt đồ bất tiện, đến cả chuyện công việc, rồi cả chuyện chúng tôi nghĩ gì về việc kết hôn.


Tôi kể cho Leah nghe nhiều quan niệm về kết hôn ở Việt Nam. Tôi bảo: - Năm nay tớ tốt nghiệp rồi. Tớ sợ về Việt Nam vì lúc nào về cũng bị hỏi “bao giờ thì mới chịu lấy chồng?” - Vậy nên cậu mới chạy tới tận Canada đấy hả? Leah đùa tôi rồi cười. Đoạn, Leah tiếp lời: - Joey và tớ đã bên nhau được 8 năm, và chúng tớ chưa tính tới chuyện kết hôn. Tớ hiểu văn hóa Á Đông rất khác, nhưng tớ nghĩ, chuyện kết hôn thực sự không thể vội vì nó là chuyện rất quan trọng. Mấy năm ở đây, chắc cậu cũng thấy có rất nhiều cặp đôi chọn gắn bó với nhau, sống với nhau rất lâu trước khi quyết định kết hôn.


Hai năm sau, tôi và Leah đã mỗi người rẽ một hướng riêng, tiếp tục có cuộc sống cho riêng mình ở hai thành phố. Nhưng những điều chúng tôi cùng chia sẻ buổi tối năm nào vẫn ở lại bên tôi cho tới tận bây giờ: hôn nhân thực sự không thể vội, vì đó là chuyện rất quan trọng.


Dù hôn nhân là chuyện quan trọng và cần rất nhiều thời gian để đi tới quyết định, định kiến của xã hội lại áp đặt những mốc thời gian tiêu chuẩn về hẹn hò, yêu đương, và lập gia đình. Ví dụ như những câu nói quen thuộc: “Tại sao gần 30 tuổi rồi vẫn chưa chịu yêu đương nghiêm túc và ổn định đi?” “Yêu nhau lâu vậy mà chưa cưới, chắc chắn có vấn đề” “Phải cưới vợ/chồng và có con đi thì mới trưởng thành lên được”


Thông thường, phần lớn mọi người cho rằng chỉ cần hẹn hò một thời gian, thấy ổn thì kết hôn, sau đó học cách tự điều chỉnh mình để phù hợp và duy trì cuộc hôn nhân. Nhưng ít người chịu thừa nhận rằng, một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thực ra, có thể được “xây dựng” ngay từ khi nó chưa diễn ra.


Một đám cưới chỉ là một cột mốc trên cả một hành trình của hai người. Và cột mốc đó khi nào diễn ra không hoàn toàn nói lên việc hai người có thực sự đang hạnh phúc bên nhau hay không. Đi qua cột mốc ấy, không có nghĩa là hai người sẽ sống có trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn, hay nghiêm túc hơn với tình yêu. Bởi những điều đó nên được diễn ra trong suốt cả hành trình từ khi hai người bắt đầu chọn gắn bó với nhau.

Tôi rất thích một bài chia sẻ của Dr George Blair-West về ba điều góp phần tạo nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc:

1) Get older before you get married: đủ trưởng thành trước khi kết hôn Nghiên cứu đã chứng minh: bộ não của con người tiếp tục phát triển cho tới năm 25 tuổi, đồng nghĩa với việc cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề của một người sẽ thay đổi liên tục cho tới tuổi 25. Sự thay đổi trong tính cách của một người diễn ra mạnh mẽ nhất từ năm 20 tới 30 tuổi. Sau năm 30 tuổi, tính cách của một người có xu hướng ổn định và liên quan mật thiết tới tính cách của người đó năm 50 tuổi. Sự trưởng thành và ổn định về nhận thức, quan điểm sống, tính cách và sở thích sẽ giúp hai người định hình được độ phù hợp trước khi đi tới quyết định kết hôn một cách tốt hơn.


2) Be influenceable: cả hai người cùng có tiếng nói, được lắng nghe và tôn trọng trong mối quan hệ. Bài chia sẻ có một đoạn trong ý này mà tôi rất thích: “So women: How influenceable is your man? Men: you’re with her because you respect her. Make sure that respect plays out in the decision-making process.” Lắng nghe, tôn trọng, và thay đổi đều là những yếu tố cực kỳ quan trọng chúng ta có thể thực hành ngay từ khi còn hẹn hò, chứ không cần đợi tới khi kết hôn hay khi có con, hay bất cứ một cột mốc nào.


3) Reliability - have your partner’s back: ở bên và hỗ trợ một nửa của mình, nhất là khi họ cần tới điều đó. Nếu 80% những lần bạn cần tới người ấy (và người ấy cần tới bạn), cả hai người có thể nỗ lực ở bên và hỗ trợ nhau, thì chắc chắn một mối quan hệ sẽ rất bền vững. Và tất nhiên, đừng bao giờ hứa hẹn nhiều hơn những điều bạn thực sự có thể làm cho người còn lại. Bởi vì sự thất vọng là điều không ai muốn phải trải qua trong một mối quan hệ.

Rất nhiều người tin rằng giai đoạn tìm hiểu, hẹn hò và yêu đương là giai đoạn của sự lãng mạn, giai đoạn kết hôn là giai đoạn sống có trách nghiệm và tình nghĩa. Bởi lẽ đó, những người cứ mãi chưa chịu kết hôn là những người theo đuổi những thứ viển vông, không coi trọng một mối quan hệ có trách nhiệm. Nhưng thực ra, sự lãng mạn vốn chỉ là một trong rất nhiều yếu tố làm nên một mối quan hệ bền vững. Ngay từ khi mối quan hệ bắt đầu, sự lãng mạn vốn đã cần đi cùng với sự tôn trọng, sự sẻ chia và trách nhiệm.


Hôn nhân thực sự rất quan trọng. Bởi vậy, đừng tự thúc ép bản thân mình phải vội vàng kết hôn. Hãy cho mình đủ thời gian để xây dựng tình yêu, sự thấu cảm, tôn trọng, và lối sống có trách nhiệm với người còn lại của mình. Rồi khi nào cảm thấy sẵn sàng, thì hãy cùng nhau đưa ra quyết định quan trọng nhất cuộc đời.


---Ảnh tôi đi lượm từ bài đăng tin về đám cưới của chị Son Ye-jin và anh Hyn Bin--- Tôi thật mong hai người sẽ hạnh phúc. Và có lẽ tôi sẽ đi cày lại Crash Landing on You các bạn ạ, có ai giống tôi không?

392 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page