top of page

Giới hạn của mình là ở đâu?

Khi nắng hè đã đến trên những trảng hoa bồ công anh gần nhà, cũng là lúc tôi khép lại một tháng làm “acting manager”. Trong một tháng ấy, tôi vừa làm công việc của mình, vừa chịu trách nhiệm điều phối một số dự án đang diễn ra của team, và tham gia viết proposal cho một dự án lớn về Green Infrastructure Network, với vai trò là Technical Lead. Trong 4 tuần làm việc ấy, đã có lúc tôi căng thẳng tới mức muốn gõ cửa phòng sếp lớn để xin cúp làm 2 ngày. Nhưng cũng may, suy nghĩ đó chỉ lướt qua vài giây, rồi tan biến sau quãng nghỉ 5 phút đi dạo một mình.


Chiều thứ sáu cuối cùng của tháng tư, tôi đóng máy, thở phào nhẹ nhõm, tự nói với bản thân mình: “mày đã làm tốt lắm, Nguyệt Anh, mày đã làm tốt hơn cả những gì mày nghĩ!”

Tháng 4, manager của tôi đi vắng. Trong team, tôi là người cứng cáp nhất, có hiểu biết khá rõ về độ da dạng của các task liên quan sâu đến dữ liệu sau gần 3 năm gắn bó với team. Tôi, một đứa vốn không thích làm việc ở vị trí quản lý, đã trở thành người duy nhất có thể đảm đương trách nhiệm tạm thời đó trong vòng một tháng. Làm quản lý nắm quyền một tháng, tôi ngộ ra được nhiều điều mà trước đó, tôi chỉ biết trên lý thuyết.


1. Làm quản lý rất mệt. “Mệt” ở đây không phải là vì công việc quá khó, quá thách thức, mệt là vì khi làm quản lý, tôi cảm thấy khó khăn để có thể rơi vào trạng thái “deep work” – làm việc sâu. Một ngày làm việc thường bị ngắt quãng bởi nhiều cuộc họp, cuộc gọi (cả định trước và không định trước). Sẽ có rất nhiều người cần đến mình, và thậm chí là cần ngay lập tức. Dòng suy nghĩ hầu như thường xuyên phải chuyển từ một dự án này sang một dự án khác (cái mà tụi tôi hay nói với nhau là phải “switch gears liên tục”).


2. Người quản lý giỏi nhất không phải là người lên kế hoạch giỏi nhất, mà là người thích nghi giỏi nhất. Tôi đam mê lập to-do list cho mỗi ngày làm việc. Thường thì mỗi ngày làm việc của tôi bắt đầu với việc sắp xếp độ ưu tiên cho những việc cần làm trong ngày. Trong tuần đầu tiên làm acting manager, có một hôm, khi ngày làm việc đã kết thúc với nhiều sự quay cuồng, tôi nhìn vào to-do list mà mình lập hồi sáng; và trên to-do list ấy chỉ có duy nhất 1 nhiệm vụ đầu tiên có dấu tích hoàn thành. Ngày hôm đó đã có rất nhiều thứ phát sinh ngoài dự định, bao gồm cả việc nguồn dữ liệu của một dự án quan trọng không đạt chất lượng như nhóm tôi kỳ vọng. Tôi, rốt cuộc đã phải ưu tiên giải quyết những vấn đề quan trọng hơn, sắp xếp lại những đầu việc đơn giản để bàn giao lại cho những bạn khác trong team.


3. Quyền hạn đi đôi với trách nhiệm. Mọi người thường hay nghĩ rằng làm quản lý thật thích, có quyền đưa ra quyết định, hoặc điều phối người khác phải làm theo ý mình. Nhưng tôi thì thấy quyền hạn càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Khi làm người đứng đầu, những quyết định mà mình đưa ra đều cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng ở nhiều phương diện. Không thể vì mình thích cách giải quyết A, nên cứ quyết định làm theo cách A; mà rộng hơn, mình cần nghĩ tới lợi ích của tập thể, kỹ năng của người được giao nhiệm vụ cụ thể ấy, và ảnh hưởng lâu dài từ việc sử dụng cách giải quyết A thay vì những cách khác.

Tôi dưới cái nắng hè của Vancouver (sau bao mệt nhọc vẫn yêu đời lắm hehe).


4. Ai cũng có lúc phải bắt đầu từ con số 0. Cùng trong một tháng vừa qua, nhóm tôi có một thực tập sinh mới. Vì tôi là quản lý tạm quyền, nên tôi kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn và giúp bạn thực tập sinh làm quen với các đầu việc của nhóm. Ở cuối buổi gặp trực tiếp thứ 2 của tôi với bạn, sau khi tôi hướng dẫn các quá trình làm việc, xử lý các nhiệm vụ được giao. Bạn hỏi tôi một câu: “woww, where did you learn all of this? I don’t think they teach us this at UBC “ (vì tôi và bạn cùng tốt nghiệp thạc sĩ ở UBC Forestry). Tôi bảo bạn: “I learned this when I started working at DHC two years ago, so basically I did not know anything when I started, just like you now”. Có rất nhiều thứ trường học không dạy tôi, nhưng thật may, tôi có thể học cách để học những điều ấy, từ trường học. Và ai cũng vậy thôi, sẽ có lúc gặp phải những điều mình chưa biết, sẽ bắt đầu từ con số 0, nhưng đừng vì thế mà tự gạt đi cơ hội tiến bộ của mình. Hãy cứ bắt đầu, và mài rũa.


5. Thứ ngăn cản mình làm được những điều ngoài sức tưởng tượng, chính là sức tưởng tượng của mình. Khi bắt đầu một tháng làm acting manager, tôi đã nghĩ nếu mình duy trì tốt được tiến độ của nhóm và không làm hỏng đầu việc nào đã là tốt lắm rồi. Nhưng ở giây phút này khi ngồi tổng kết lại, tôi không những duy trì tốt tiến độ của các đầu việc, không “mess up” một thứ gì; mà tôi còn tiếp tục cải tiến được một vài phương pháp quan trọng. Tôi đã mạnh dạn nhận trách nhiệm tham gia vào dự án mới với vai trò chủ chốt hơn, và vì thế, tạo ra được nhiều ảnh hưởng tích cực hơn.


6. Làm thêm giờ đúng lúc, đúng chỗ là một tín hiệu tốt, bởi ít ra mình biết, mình đủ tha thiết với những việc mình làm. Tôi biết điều này có hơi đi ngược lại với những gì tôi hay chia sẻ trên blog, rằng cần cân bằng và nghỉ ngơi. Nhưng sự cân bằng chính là ở chỗ đó, tức là khi nào cần cống hiến, cần lăn xả cho công việc, mình vẫn không ngần ngại làm cho tới cùng. Chỉ cần mình biết rõ rằng tại sao mình lại làm thêm giời gian? Thời gian làm việc thêm ấy có tạo ra giá trị gì ngoài tiền bạc không? Và giới hạn chịu đựng của cơ thể mình đang ở mức nào?


Một tháng cam go của tôi đã kết thúc. Tôi học được rất nhiều và cũng tạo ra được rất nhiều ảnh hưởng tốt tới nhóm, tới đồng nghiệp, tới những dự án chủ chốt trong công ty. Thật may là tôi vẫn lì lợm và khó bỏ cuộc như vậy.


Tôi mong, nếu bạn đang có cơ hội trải nghiệm, học, và làm ở một vị trí nào đó mà bạn tưởng như quá sức của mình, thì hãy tự tin nắm lấy cơ hội ấy. Mỗi cơ hội đều là một điều quý giá, mà nếu như mình bỏ lỡ nó chỉ vì mình sợ rằng mình không “đủ”, thì có khi, cơ hội như vậy sẽ không quay lại lần thứ hai. Hãy cứ làm thì mới biết được giới hạn của mình thực sự là ở đâu.

159 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page