top of page

Hiểu về Curricula Vitae (CV) và làm sao để cải thiện CV?

Lưu ý: thuật ngữ CV được đề cập trong bài viết này nên được hiểu là “academic resume”, tức CV dùng cho mục đích nộp hồ sơ vào các vị trí mang tính chất học thuật (ví dụ: học cao học, trao đổi/thực tập nghiên cứu, xin funding cho dự án nghiên cứu, hoặc những vị trí làm việc trong môi trường Đại học—research assistant/teaching assistant/research associate). Tất cả link tài liệu tham khảo sẽ được đính kèm ở cuối bài.


Để tận dụng tối đa bài viết này: các bạn nên kết hợp đọc và thực hành đối chiếu với CV của mình. Ngoài ra, nếu những bạn nào cảm thấy mình chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và hoạt động chuyên ngành, hoặc đang ở giai đoạn đầu của Đại học thì có thể sử dụng bài viết như một tài liệu tham khảo để rút ra các đề mục mình cần lưu ý tích lũy kinh nghiệm trong thời gian các bạn là sinh viên. Không ai có thể hô biến ra một CV tuyệt vời cho các bạn nếu bản thân các bạn không có một chút trải nghiệm và hoạt động liên quan nào đến chuyên ngành của mình đang theo đuổi.


Ở một bài viết khác, tôi đã đề cập đến việc làm thế nào để viết được một Resume ‘stand out fit in’?, bài viết đó tập trung vào Resume dùng cho nộp hồ sơ xin việc nhiều hơn là một CV mang tính chất học thuật. Ở bài viết này, tôi sẽ đi sâu viết về một “academic resume” hoặc gọi đơn giản là CV.

Bài viết về Resume xin việc làm các bạn có thể đọc tại đây.


Khi còn là sinh viên Đại học, tôi đã từng có một hiểu lầm rất lớn rằng chỉ cần chuẩn bị một CV đồ sộ duy nhất, rồi mỗi lần nộp hồ sơ đi đâu đều “nhét” nguyên chiếc CV đó vào là xong! Sau này, khi trải qua kha khá lần cả trượt lẫn đỗ các học bổng và vị trí làm việc/học tập khác nhau, tôi nhận ra rằng thực ra có rất nhiều loại hình CV/Resume mà mình cần phải “customize”—điều chỉnh, sao cho:

  • Hợp lý với mục đích của chương trình/vị trí mình nộp đơn, bao gồm:

Nơi mình nộp đơn là ở đâu? (các quốc gia/chương trình/trường khác nhau sẽ có các yêu cầu khác nhau)

Đặc điểm của vị trí/chương trình mình nộp đơn thiên nhiều về khía cạnh nào? (nghiên cứu? Dạy học? Dự án kết hợp giữa học thuật và các công ty trong ngành?)

  • Làm nổi bật được những điểm mạnh nhất của mình—và làm sao để kết nối điểm mạnh đó với những gì ban xét duyệt hồ sơ đang tìm kiếm.


Phần 1: Trước tiên, cùng tham khảo một số đặc điểm thường thấy của một CV:

  • Mục đích chính: Trình bày TOÀN BỘ quá trình học tập, nghiên cứu, và các hoạt động liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của bạn, bao gồm cả những giải thưởng, thành tựu và kinh nghiệm liên quan.

  • Đối tượng đọc: thường là những chuyên gia trong lĩnh vực bạn nộp hồ sơ đi học (ví dụ: giáo sư, điều phối viên phụ trách tuyển sinh của khoa/trường; hội đồng xét tuyển học bổng).

  • Độ dài: CV thường không bị giới hạn về độ dài như Resume (tối đa 2 trang), vì CV bao gồm thông tin chi tiết đầy đủ về quá trình học tập, làm việc, và các hoạt động chuyên ngành trong ít nhất khoảng 5 năm trở lại. Khi một người có càng nhiều kinh nghiệm, thì CV sẽ càng dài.

  • Điểm tập trung: những thành tựu mang tính học thuật/chuyên ngành và thể hiện được khả năng nghiên cứu/học tập trong lĩnh vực mình nộp hồ sơ.

  • Những nội dung cần được ưu tiên cao: danh sách công bố khoa học (publications), bài thuyết trình ở các hội nghị/hội thảo chuyên ngành (presentations), kinh nghiệm liên quan đến nghiên cứu/giảng dạy/dự án chuyên ngành, giải thưởng, hoặc những gói tài trợ đã đạt được (grants).

  • Những nội dung có độ ưu tiên thấp: những hoạt động KHÔNG liên quan đến chuyên ngành, nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy.

Phần 2: Checklist cho một CV: thường có những đề mục nào?

Những đề mục sau là những đề mục thường thấy trong một CV. Một số đề mục là bắt buộc cần có, còn lại phụ thuộc vào mức độ kinh nghiệm cũng như đặc điểm của chương trình để có thể bao gồm hoặc không. Lưu ý: nên thống nhất về trình tự thời gian—thường là từ hiện tại trở về quá khứ trong vòng 3-5 năm.


Nhóm 1: thông tin cơ bản

1. Contact information: thông tin liên lạc

2. Education: trình hộ học vấn

3. Thesis/dissertation: luận văn/luận án

4. Research interests: không bắt buộc, nếu có thì cần cực kỳ cô đọng

5. References (thường để ở cuối CV, nhưng có thể liệt kê vào nhóm thông tin cơ bản)


Nhóm 2: thông tin về thành tựu

6. Scholarships, awards, honours, achievements: học bổng, giải thưởng, thành tựu

7. Pubications: công bố/xuất bản khoa học

8. Presentations: các bài thuyết trình tại hội nghị/hội thảo chuyên ngành


Nhóm 3: thông tin về kinh nghiệm

9. Teaching experience: kinh nghiệm giảng dạy

10. Research experience: kinh nghiệm nghiên cứu

11. Work experience: kinh ngiệm làm việc


Nhóm 4: thông tin về kỹ năng

12. Skills, techniques, languages, etc.: các kỹ năng mềm, kỹ năng cứng, ngôn ngữ

13. Additional training: các khóa tập huấn khác


Nhóm 5: thông tin về các hoạt động cộng đồng (liên quan đến chuyên ngành)

14. Memberships: thành viên của hội nhóm chuyên ngành nào? tổ chức nào?

15. Service: những hoạt động bạn đã tham gia để đóng góp cho tổ chức/hội nhóm

16. Community involvement/outreach: hoạt động mang tính chất cộng đồng; cũng có thể là các chương trình mang tính chất tuyên truyền đến người dân/người trẻ về một lĩnh vực khoa học/học thuật.

Để đọc kỹ thêm về từng đề mục, các bạn có thể tham khảo tại đây (bằng tiếng Anh).


Phần 3: Những điểm đáng lưu ý tôi rút ra được từ kinh nghiệm của bản thân:


Biết tuân thủ luật chơi, nhưng phải biết cách tạo dấu ấn cá nhân: Có khá nhiều chương trình yêu cầu ứng viên tuân theo một mẫu CV có sẵn. Vì vậy, hãy chú ý tuân thủ “luật chơi”, đừng phạm sai lầm “sáng tạo không đúng lúc đúng chỗ”. Đối với những chương trình không yêu cầu tuân theo một mẫu CV nào, thì bạn nên có cho mình một “thiết kế” đủ chuyên nghiệp và mang dấu ấn cá nhân.

Tức là: vẫn đáp ứng đủ những đề mục thường thấy để thể hiện tính chuyên nghiệp, nhưng có thể tự thiết kế cho mình một template độc quyền (màu sắc, bố cục, font chữ, vân vân) chứ đừng lên mạng download đại đại một template có sẵn vì như thế tự dưng nhìn sẽ rất “nhàm”. Tuy nhiên, cần lưu ý về việc không được quá “màu mè”, bởi vì CV luôn luôn đề cao tính chuyên nghiệp. Trừ những ngành có tính chất đặc thù liên quan đến nghệ thuật và mang tính sáng tạo cao thì có thể có những ngoại lệ riêng.


Không dài dòng, đi thẳng vào trọng tâm: Khi cần cung cấp thông tin giải thích thêm cho từng đề mục, nếu lúc đầu chưa viết được một cách cô đọng ngay thì bạn có thể viết nháp hết ra các ý mình nghĩ. Sau đó, đọc lại 1 – 2 lượt để lọc ra các từ khóa, loại bỏ các cụm thừa, để viết lại thành 1 – 2 câu cô đọng nhất nhằm giải thích và nhấn mạnh những điểm nổi bật cho đề mục đó.


Biết chọn lọc: Bạn có thể có 10 giải thưởng, rất nhiều hoạt động, rất nhiều kinh nghiệm khác nhau, nhưng mấu chốt của vấn đề là bạn biết lọc ra được những thông tin “chất lượng” và liên quan trực tiếp đến cơ hội/vị trí bạn đang nộp hồ sơ. Cách làm nhanh nhất ở đây là: quay lại phần mô tả của chương trình hoặc học bổng, đi thẳng đến phần yêu cầu và gạch chân những “từ khóa”.

Sau đó, soát lại một lượt những kinh nghiệm/thành tích của mình trong quá khứ, xem xem những hoạt động/kinh nghiệm nào có liên quan trực tiếp? Những hoạt động nào mình có thể “translate” ra thành kinh nghiệm liên quan để chứng minh? Tránh việc bao gồm tất tần tật những gì mình đã làm và không thể hiện được độ “tập trung” và “liên quan” tới vị trí mình đang nộp hồ sơ.


Biết kết nối chuỗi kinh nghiệm một cách liền mạch để kể một câu chuyện cô đọng về hành trình học thuật của bản thân: một CV gây được ấn tượng mạnh là một CV khiến người đọc hình dung được một quá trình liền mạch và có những điểm nhấn ấn tượng. Nhiều người lầm tưởng CV là một bảng liệt kê thành tích, nhưng trên thực tế nếu một bảng liệt kê toàn thành thích/thành tựu nhưng lại rời rạc không liên quan, không có tính xuyên suốt liền mạch thì sẽ rất khó thuyết phục hội đồng xét duyệt hồ sơ. Về bản chất: trước khi cắm đầu vào liệt kê tràn lan nhiều thông tin, bạn nên tự hệ thống lại những gì mình đã làm/trải qua và kết nối những sự kiện với nhau xem xem nó thực sự nhìn có “liên quan” gì không? Nếu thoạt đầu nhìn không liên quan lắm thì liệu có cách nào làm nó “liền mạch” không?

Ví dụ: nếu bạn tham gia một hoạt động nghiên cứu có tên không liên quan trực tiếp đến ngành học bạn sắp học thì bạn có thể chắt lọc xem những kỹ năng bạn đã học được trong lúc làm dự án đó có thể sử dụng được trong chương trình học tương lai không? Có rất nhiều kỹ năng mang tính chuyển đổi cao như: kỹ năng viết luận, kỹ năng xử lý số liệu, kỹ năng thiết kế và quản lý dự án, vân vân. Vì vậy, bạn phải biết cách kết nối và nhìn nhận kinh nghiệm của bản thân một cách đa chiều hơn để tự tìm ra được điểm mạnh của mình.


Cân bằng trong việc chọn “người giới thiệu”: cần biết cân bằng trong việc chọn ai để đưa vào danh sách người giới thiệu, tốt nhất mỗi người giới thiệu nên hiểu bạn ở những khía cạnh không trùng lặp. Ví dụ: trường bạn nộp hồ sơ yêu cầu bạn cung cấp thông tin của 3 người giới thiệu, thì bạn có thể chọn 2 người hiểu điểm mạnh của bạn trong nghiên cứu/dự án chuyên ngành, và một người hiểu bạn trong các hoạt động xã hội và các kỹ năng khác (professional skills). Sự cân bằng trong danh sách người giới thiệu sẽ cho hội đồng tuyển dụng cái nhìn toàn diện hơn về năng lực của bạn.


---

Tài liệu tham khảo:

(1) UBC Career Resources (in English): https://students.ubc.ca/career/career-resources/

(2) Let’s Talk Science Career Workshop 2020

----

Một số ví dụ CV (theo nhóm ngành):

Undergraduate level (sinh viên Đại học):

Graduate level (sinh viên sau Đại học):

1.793 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page