top of page

Nghĩ suy của ngày cũ

Vancouver, British Columbia, Canada

Thứ ba ngày 16 tháng 8 năm 2016. Trời nắng. Khi mình là thực tập sinh ở UBC.


Đêm qua, sau cái ôm tạm biệt cô bạn tại quảng trường, chậm rãi bước về nhà, mình ôm cả những suy nghĩ miên man đi vào giấc ngủ. Thường thì sáng hôm sau tỉnh dậy mình sẽ hối hả với công việc của ngày mới, rồi bận và cũng quên mất những dòng suy nghĩ của đêm hôm trước.

Thức dậy, nấu bữa sáng, khoác ba lô và đến văn phòng. Một ngày làm việc vẫn bắt đầu như thế. Nhưng kỳ lạ là dòng suy nghĩ lại nối tiếp những gì còn dang dở của ngày hôm qua.

Câu chuyện bên cốc nước chanh và ba phần bánh brownies ngày hôm qua là những câu chuyện nghiêm túc hơn ngày thường. Những lần hẹn khác, chúng tôi sẽ hay hỏi nhau về công việc, về cuối tuần, lên kế hoạch đi chơi, thậm chí còn rất vui vẻ khi nói về rủ nhau “chạy trốn” khỏi phòng thí nghiệm để đi dự sự kiện trong vài tiếng đầu giờ chiều, hoặc là các bạn sẽ kể tôi nghe về anh chàng người Pháp tóc xoăn, có đôi mắt màu xanh và đang có ý với cô bạn nào đó. Ấy là khi chúng tôi nói về những niềm vui và những nỗi lòng ở hiện tại.

Hôm qua, bạn kể tôi nghe nhiều hơn về những điều sẽ đến sau khi về nước, về những gì sẽ làm và định làm. Nath kể về những chuyến xe bus mà cô sẽ trải qua hàng ngày khi không lo bị ngã vì quá đông và tay giơ lên thì không bỏ xuống được. Nghe tới đoạn này tôi phá lên cười, bảo sao giống Việt Nam thế. Rồi một hồi, cô bạn quay sang hỏi “Nếu mà về nước rồi, điều gì làm các cậu nhớ nhất ở đây?”


“Sự an toàn”.


Ở Brazil hay Mexico, trong khuôn viên rộng lớn của các trường đại học vẫn có bắt cóc tống tiền, hiếp dâm hay cướp giật. Lucia bảo, nếu cậu ra đường mà mặc những chiếc áo phông đắt tiền có in hình đặc trưng của trường, cậu sẽ trở thành đối tượng để bọn người xấu tấn công. Những câu chuyện ấy là rất thực tế. Rồi các bạn có hỏi mình về Việt Nam. Mình bảo chắc mình sẽ nhớ hình ảnh mình như một Ninja mỗi khi đi ra đường, vì cũng lâu lâu rồi mình không dùng đến khẩu trang khi qua bên này. Rồi đi ra đường mình vẫn sẽ nhìn thấy rác, vẫn phải để ý xem điện thoại có còn trong túi không. Tốt nghiệp rồi mình sẽ phải đau đầu xem xin việc ở đâu vì đơn giản ở nước mình, họ nhiều khi quan trọng “bố mẹ bạn là ai” hơn việc “bạn là ai”.

Sau đó thì, bạn có hỏi rằng thế ở Việt Nam việc đi du học và ở lại nước ngoài có phổ biến không? Câu hỏi đó cũng khá dễ trả lời, nhưng điều mà các bạn tâm sự lại làm mình suy nghĩ hơn cả. Nath bảo: “Ừ, nhưng mà sau này tớ vẫn sẽ về Brazil, đơn giản vì mình cảm thấy Brazil cần mình hơn là những nơi khác”.

Quay lại thời gian hơn một tháng về trước, khi lần đầu tiên mình cùng cậu ấy đi chơi vào Canada Day. Đêm hôm đó sau khi xem pháo hoa, có rất nhiều người Canada tỏ ra phấn khích và họ vừa đi vừa đồng thanh đánh vần tên nước họ “C-A-N-A-D-A”. Lúc đó, Nath có quay sang hỏi mình “Cậu có bao giờ có cảm giác phấn khích đó với Việt Nam không?”. Mình đã trả lời là “Có”. Cảm giác ấy là cái cảm giác hơi phấn khích trong lòng khi nghĩ về nguồn cội của mình, đặc biệt là mỗi lần tên nước mình được đọc lên ở một lễ trao giải, hay đơn giản là một cuộc gặp mặt có rất nhiều quốc gia ở đó. Tất nhiên, mình không hô to và đánh vần, nhưng chắc một ngày nào đấy, mình cũng sẽ thử làm thế xem sao?

Hai tháng sống ở đây, mình đi các bảo tàng và triển lãm nghệ thuật. Ở đó, hầu hết đều có màu sắc đại diện của các châu lục, thậm chí nhiều quốc gia trên thế giới. Hôm đi thăm bảo tàng nhân loại học, mình đã ráo riết đi tìm một chút gì đó của nước mình tại khu vực của Châu Á. Hôm đó mình đã không thể tìm thấy, và mặc dù trải nghiệm thăm bảo tàng MOA cho mình rất nhiều điều mới mẻ, mình vẫn thấy buồn, vì điều mình thương nhớ nhất thì mình tìm không thấy.

Cứ mỗi điều mình trải qua, mình lại nghĩ về nơi mình đã sống hơn 20 năm. Mình mong một ngày nào đó, khi bước xuống xe buýt, người Việt cũng biết nói “cảm ơn” người lái xe. Khi đi trong siêu thị, nếu có lỡ để giỏ hàng của mình chạm nhẹ vào tay người đi đối diện thì cũng vui vẻ nói từ “xin lỗi” ngay lúc đó. Và rồi dù bạn béo, gầy, ăn mặc không được bình thường cho lắm, bạn nắm tay người cùng giới vì đơn giản bạn không yêu người khác giới, thì tất cả những điều đó cũng không bị kỳ thị.

Nghĩ về nước mình, thì có muôn vàn câu chuyện “xót xa”, nhưng nghĩ về nước mình thì tuyệt nhiên lại không phải là một cảm giác “ghét bỏ”. Cũng giống như mình không thể ghét bỏ cha, mẹ mình dù họ có là ai và như thế nào. “Yêu Nước” là khái niệm gì đó mà mọi người thường ngại nhắc đến, bởi đó là khái niệm hơi “sến” với một số bạn, với một số người khác thì cái đó hơi “phi thực tế” và thậm chí là hơi “thiếu tính khả thi”. Tại sao lại phải cảm thấy ngại ngùng và hổ thẹn khi nói rằng mình thực sự yêu và có tình cảm với một nơi nào đó?

Mình thì tin rằng, kể cả những người quyết chí ra đi, thì chắc, họ vẫn phải nhớ hai từ “Việt Nam” lắm.


Hà Nội vẫn vậy, đông người và xe, và tôi mường tượng bản thân mình sốt ruột bóp phanh, ghì số chiếc xe dream của Bố, trong lòng hối hận sao mình không về trước giờ tan tầm.

Ai lại nhớ cái cảm giác tắc đường ngột ngạt ở Hà Nội cho nổi nhỉ?

Vậy mà lại có tôi.

151 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page