top of page

Take risks - there’s nothing worse than living your life asking yourself “what if?”

Trong một quán cà phê nhỏ, cả gác hai chỉ có một mình tôi ngồi đợi người bạn cũ đã rất lâu rồi không gặp, đó là lần gần nhất tôi về Việt Nam. Mỗi lần gặp lại những người bạn cũ, tôi hay lo lắng phải đối mặt với những câu hỏi đại loại như là: “đã có dự định gì rõ ràng cho thời gian sắp tới chưa? mục tiêu tài chính mấy năm tới là gì? bao giờ thì định theo chồng bỏ cuộc chơi?”


Hôm đó, thật may, vì cuộc nói chuyện bên hai ly cà phê đã không đi theo chiều hướng bên trên. Nghe tôi tâm sự xong, bạn tôi chỉ hỏi:

- chị không hiểu hết về những công việc em làm, nhưng nếu kiên trì, thì em vẫn được làm việc như em vẫn luôn mong muốn đúng không?

- vâng, em tin thế

- vậy tốt rồi, quan trọng nó là cái em thực sự muốn, chỉ cần không dừng lại thì chậm một chút cũng không sao mà.


Điều bạn tôi nói làm tôi nhớ đến lần duy nhất tôi không thể kìm nén sự xúc động trước giáo sư của tôi. Đó là thời điểm tôi phải đưa ra quyết định về bước đi tiếp theo của mình. Với tất cả lòng nhiệt tình, như một người Mẹ thứ hai, giáo sư giúp tôi liệt kê ra những sự lựa chọn: tiếp tục học lên tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của một giáo sư khác ở UBC; hoặc chấp nhận làm việc ngắn hạn tại trường theo một dự án nghiên cứu nhỏ để chờ cơ hội việc làm phù hợp nhất đến. Và như mọi lần, sau khi phân tích những lựa chọn, bà lại đặt ra câu hỏi quen thuộc cho tôi:

- What would make you happy to work on?

- I know that I don’t want a Ph.D. Tôi trả lời một cách rất dứt khoát với giáo sư như vậy.

- No Ph.D. that’s good, but then you’ll have to take the risk. Tôi không biết khi đó trong mắt bà tôi là một người dũng cảm hay là một kẻ ngông cuồng.


“The risk” mà bà nhắc tới ở đây là bởi nếu tôi lựa chọn làm việc ngắn hạn, bỏ qua lời ngỏ về học bổng tiến sĩ của Prof. Gergel, đồng nghĩa là tôi có tối đa 6 tháng để tìm cho mình công việc phù hợp nhất – mà khi đó chính tôi còn chưa biết nó có xuất hiện hay không, dù cơ hội có đến thì % thành công của tôi sẽ là bao nhiêu ở một nơi có quá nhiều sự cạnh tranh như Vancouver? Tôi không có câu trả lời chắc chắn. Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn rằng gật đầu với lựa chọn an toàn học tiếp lên Ph.D. không phải là một lựa chọn làm tôi hạnh phúc.

Quãng thời gian sau đó đối với tôi là một quãng thời gian thử thách sức bền khi mà thời gian 6 tháng ngắn ngủi tôi có cũng rơi đúng vào đỉnh điểm của dịch bệnh toàn cầu. Tôi có bao giờ cảm thấy lo sợ khi đưa ra sự lựa chọn đó không?

Có, tôi đã rất sợ, cực kỳ sợ, nhưng tôi vẫn chọn làm điều mà tôi cảm thấy cần thiết.

Sau này, tôi mới biết đó chính là cái mà mọi người hay gán cho tôi “một con người dũng cảm”, chỉ có điều mọi người nghĩ rằng những người dũng cảm thì không biết sợ. Nhưng tôi lại thấy Neil Gailman viết rất đúng:

"Sự dũng cảm không có nghĩa rằng bạn không sợ hãi. Sự dũng cảm chính là khi bạn sợ hãi, cực kì sợ hãi, thật sự rất sợ hãi, và rồi bạn vẫn chọn làm điều đúng đắn."



Trong những người đồng nghiệp của tôi, có một người tôi rất ngưỡng mộ. Khoảng 5 năm về trước, cô chính thức nhận được lời mời làm quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp đô thị của thành phố Melbourne, Úc – một trong những nơi nổi tiếng trên thế giới tiên phong trong lĩnh vực này. Cô kể, khi đó cô đã rất hạnh phúc và hào hứng với cơ hội có một không hai ấy. Nhưng những gì diễn ra sau đó không giống như cô tưởng tượng. Cô nhận ra rằng môi trường và tính chất công việc thực ra không hề làm cô cảm thấy được phát huy hết khả năng, chưa kể tới những áp lực đa chiều khác từ việc làm cho cơ quan chính phủ. Cuối cùng, cô đã chủ động thôi việc, chuyển tới Canada để tìm kiếm một lối đi khác cho mình.


Khi đó, có rất nhiều người nghĩ rằng cô “không bình thường” khi quyết định bỏ lại mọi thứ ở Úc, đặc biệt là vị trí việc làm mơ ước đối với nhiều người, để bắt đầu lại ở một đất nước khác, với một hướng đi khác. Năm năm sau, cô trở thành người góp phần tạo ra nhiều thay đổi và ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực lâm nghiệp đô thị ở nhiều thành phố lớn nhỏ khắp Canada và Mỹ. Cô bảo, cuộc sống thú vị và bất ngờ hơn rất nhiều khi mình dám “take risks”, dám đi theo những điều con tim và lý trí mách bảo dù đó không giống với những gì số đông thường hay nghĩ.


Vậy đó, dũng cảm đối mặt với điều mình không chắc chắn khi mình có rất ít thứ để mất là một loại dũng cảm. Nhưng mà có một loại dũng cảm mà tôi cảm thấy còn khó khăn hơn, chính là khi mình dám từ bỏ cả những điều mình đã mất rất nhiều công sức để gây dựng, và bắt đầu lại. Dũng cảm từ bỏ cái được cho là tốt nhưng không thực sự làm mình hạnh phúc, để phấn đấu cho điều tốt hơn, phù hợp hơn, là một sự dũng cảm mà có lẽ chúng ta rất cần.


Nếu bạn thực sự có khả năng tạo ra sự thay đổi cho chính mình, hãy dũng cảm đối mặt với sợ hãi và đừng ngại thay đổi. Đơn giản là vì: dù cho bạn không chắc chắn rằng mình có bao nhiêu cơ hội thành công, sẽ chẳng có gì tồi tệ hơn cảm giác nhiều năm về sau, thỉnh thoảng bạn lại tự hỏi mình: “ngày đó, nếu như mình lựa chọn khác đi thì sao nhỉ?”

---

Ảnh: tôi chụp hoàng hôn ở White Rock, BC, Canada.

253 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page