top of page

Trượt Đại học: thất bại, biến cố, và trưởng thành

- “Cậu đang đợi ai à?”. Ai đó đằng sau cất tiếng hỏi tôi lúc tôi đang đứng đợi bạn ngay gần cổng trường ĐH Quốc Gia Hà Nội.

- “Hmm”. Tôi cảm thấy hơi giật mình và quay lại phía sau, đó là một người chắc cũng chạc tuổi tôi, nhưng tôi không hề quen biết. Có lẽ cậu ta chỉ cố bắt chuyện chứ không có ý gì xấu. Tôi tự trấn an bản thân.

- “Cậu là sinh viên trường này hả?”

- “Hmm… ừ”


Tôi ậm ừ trong vô thức, thốt ra điều mà ngay sau đó, khi đã ngồi sau xe bạn tôi, tôi không thể thoát khỏi suy nghĩ tại sao mình bật ra câu trả lời sai sự thật kia.

Tôi lúc đó là sinh viên năm nhất ĐH Lâm Nghiệp, không phải ĐH Quốc Gia Hà Nội. Trong tâm trí của một đứa 19 tuổi, chưa thoát khỏi hoàn toàn nỗi đau năm 18 tuổi, tôi đã thốt ra một lời nói dối với người lạ.

12 năm tôi đi học, tức là từ năm 6 tuổi đến năm tôi tròn 18 tuổi, tôi luôn luôn làm được những điều mà mọi người xung quanh phải ngưỡng mộ. Luôn là niềm tự hào của cả nhà, với tôi cuộc sống trong những năm trước 18 tuổi là một cuộc đời của ‘con nhà người ta’ không một vết tích của sự thất bại. Tôi học trường chuyên ở Hà Nội, tôi thi Học Sinh Giỏi Quốc Gia hai năm liên tiếp lúc tôi 17 và 18 tuổi. Nhưng cũng chính tôi không lâu sau đó trở nên mặc cảm với chính mình, vì tôi là một trong số ít người trong lớp chuyên năm đó trượt ĐH nguyện vọng một.


Với tôi lúc đó, trượt ĐH nguyện vọng một là một cái gì đó giống như chuyện sống – chết vậy. Và tôi, một đứa chưa bao giờ biết thế nào là nỗi đau và thất bại, đã ở đó và chịu đựng tất cả. Đến mức vô thức nói dối một người lạ qua đường vì sợ người ta sẽ đánh giá mình.


Tôi còn nhớ như in vào ngày tôi biết kết quả mình hụt điểm để vào nguyện vọng một, tôi đã tuyệt vọng như thế nào. Bà tôi đã thương tôi đến mức cùng tôi bắt xe buýt ra tận trường, bảo tôi cầm theo giấy chứng nhận giải khuyến khích Quốc Gia để hỏi xem có được cộng điểm ưu tiên không. Hôm đó tôi còn gặp lại người thầy mà tôi luôn mong sẽ được học thầy nhiều hơn nếu tôi đỗ vào trường. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu đêm, ướt mèm cả gối.


Mùa Hè năm 2012 là một mùa hè vừa oi nóng, sốt ruột, và chẳng có hôm nào tôi cảm thấy mình không sống trong suy nghĩ chán ghét bản thân. Tôi nhốt mình trong nhà. Mẹ tôi bảo tôi rằng cứ hễ ra ngoài chợ là người ta lại hỏi về chuyện tôi thi trượt, tôi sẽ đi học ở đâu, có thi lại hay không? Học trường chuyên mà trượt ĐH.


Tôi nhìn thấu sự thất vọng tràn trề trong mắt Bố và Mẹ, dù họ rất thương tôi và không hề trách mắng. Cảm giác của tôi lúc đó, nó cũng giống như việc đã trèo lên một vách núi rất cao, điều mà mọi người cùng tuổi ít ai làm nổi. Nhưng sau đó tôi lại ngã xuống từ vách núi cao ấy, một mạch xuống tận vực sâu.


Ngày đầu tiên tôi cầm tập hồ sơ nhập học vào trường ĐH Lâm Nghiệp theo nguyện vọng hai, ngôi trường cách nhà tôi hơn 7km, khi gần đến lượt tôi lên làm thủ tục nhập học, tôi đã rơm rớm nước mắt nói với Mẹ tôi: “Mẹ ơi, hay là mình về có được không?”. Tôi lúc đó chẳng khác gì đứa trẻ, bị bủa vây bởi nỗi bực tức, đau khổ và bối rối vì không có được thứ mình muốn dù đã cố gắng hết sức lực.


Rồi tôi cũng trở thành sinh viên. Như một kẻ ngoài hành tinh giữa một ngôi trường tôi thậm chí chẳng biết nó ở đâu khi trước. Mùa thu năm 2012, tôi bắt đầu chặng đường làm sinh viên của mình, không hy vọng, không ước mơ, không đam mê, không hứng thú.

Tôi lẩn tránh và hạn chế liên lạc với bạn bè của tôi ở trường chuyên cũ. Lúc đó, tôi ghét phải nhìn thấy mọi người đạt được ước mơ của họ, trong khi tôi thì bị đẩy đến một nơi mà tôi cho rằng tôi không thuộc về. Một nơi mà nếu tôi vào học, thì mọi người cho rằng tôi không có một tí năng lực nào hết.


Một kẻ mất đi niềm yêu thích và ước mơ, lòng thì đầy rẫy ghen ghét và thù hận với đời khi mới bước sang 19 tuổi, vừa đáng thương vừa đáng trách. Khi ấy, tôi hừng hực sát khí muốn thi lại để phục thù. Sau kỳ học đầu tiên, Mẹ tôi bảo với tôi rằng: “con có thấy là con đang rất cố chấp không? Con có chắc là nếu cứ cố theo đuổi giấc mơ văn chương của con thì con sẽ thành công không? Con đã thất bại với nó nhiều lần, không có nó con có chết được không?”. Câu nói đó của Mẹ giống như một cú huých vào tâm trí của tôi:

“Không có nó con có chết được không?”


Tôi đã mộng mơ suốt cả thời cấp ba về tình yêu văn chương của mình. Khi đó thì vỡ tan sạch sẽ. Đúng là tôi thích văn, nhưng nếu không có nó có lẽ tôi cũng không chết được. Cuối cùng, tôi đã không chọn làm anh hùng bỏ một năm ôn thi lại để chứng minh cho người đời thấy “tôi là một người bản lĩnh”. Tôi đã quyết định tự cho mình cơ hội để nuôi dưỡng một ước mơ mới, đi một chặng đường mới.


Tôi đâm đầu vào tự học ngoại ngữ và tận dụng cơ hội khi đó tôi có được, chính là được theo học chương trình ở đại học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Lúc đó tôi nghĩ mình cần giành được cơ hội đứng đầu tập thể, để có được những cơ hội mà không phải ai cũng có. Tôi gạt bỏ đau thương và thôi cố gắng lảng tránh bạn bè. Tôi gạt bỏ tất cả những gì người xung quanh xì xào về việc tôi học trường “không top”, và tự nói với mình rằng: “học ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình học như thế nào”.


Những năm sau đó với tôi là hành trình miệt mài theo đuổi cơ hội mới. Những ngày dài nhiều giờ ngồi lì học sách chuyên ngành. Chăm chỉ ngồi tra từng từ một trong từ điển. Đỉnh điểm, có những lúc tôi đọc một trang sách tiếng Anh chuyên ngành mà tôi gần như phải tra tới 80% từ mới. Xông pha làm nghiên cứu khoa học, đi thực địa, chạy sự kiện cho câu lạc bộ trong trường. Tất cả những việc ấy, tôi đều làm với tất cả tâm huyết, và sự nhiệt thành.


Tôi tin rằng: “điều làm mình hạnh phúc là khi mình tận tâm với những việc mình làm, chứ không phải là chỉ thích làm những điều mình muốn”. Tình yêu với ngành học mới từ đó mà dần dần nảy nở. Tôi bắt đầu biết trân quý những gì mình được trải qua từ những chuyến đi lên rừng, xuống biển, trân quý tình yêu mến thiên nhiên và môi trường dần dần lớn lên trong tôi. Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình có thể tạo nên được những thay đổi tích cực cho thế giới xung quanh mình bằng những điều mà tôi được học.


Nếu ai đó muốn nói tôi gặp may mắn, thì tôi sẽ thẳng thắn mà nói rằng tôi xứng đáng với cái gọi là ‘may mắn’ trong mắt họ bởi vì tôi đã nỗ lực không ngừng để đi đến cuối đường hầm dài bằng tất cả khả năng của mình.


Bây giờ khi nhìn lại, tôi chỉ thấy tôi của năm 18 tuổi đó đã đau khổ đến tột cùng cũng chỉ bởi vì không đạt được ước mơ đầu đời. Cũng bởi tôi khi đó như một miếng bọt biển háo nước, hứng trọn những kỳ vọng của người đời, thấm nhuần tư tưởng trọng danh tiếng và bề nổi của việc trượt hay đỗ vào một trường ĐH nhất định nào đó. Tôi như người đi trong sương mù, cứ đi mãi đến tận lúc hụt hơi và đuối sức mới nhận ra mình thực sự cần phải tỉnh táo lại.


Tôi của năm 18 tuổi đó đã không thể tưởng tượng được rằng chỉ gần 2 năm sau, tôi đã sống rất khác, đã hiểu ra nhiều điều, có cơ hội mở được nhiều cánh cửa đi đến nhiều nơi, gặp được nhiều người từ khắp nơi trên thế giới mà chẳng tốn một đồng nào!


Biến cố năm 18 tuổi đã đem tôi từ vách đá cao xuống vực sâu. Nhưng nó cũng cho tôi cơ hội để mở ra cho mình một chân trời mới, một cách nghĩ mới. Giúp tôi phát triển được khả năng tự chữa lành và đứng dậy, đi một con đường của riêng mình.


Tôi của 8 năm sau, ngồi đây viết những dòng này, nhận ra rằng những điều mà khi trước tôi vẫn quả quyết rằng nhất định phải theo đuổi, dù có chuyện gì xảy ra, giống như ước mơ năm 18 tuổi kia, thực ra không phải là không thể buông bỏ. Ước mơ của mình không phải một thứ duy nhất và cố định. Hóa ra, ranh giới giữa đam mê và sự cố chấp cũng rất mong manh. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, chúng ta cũng vậy. Mỗi ngã rẽ trong cuộc đời có thể sẽ thay đổi chúng ta bởi những biến cố không ngờ mà chúng ta trải qua, đôi khi để lại vết thương lòng–đó là những vết thương đẹp đẽ của cuộc đời, bởi vì nó làm chúng ta trưởng thành hơn, biết sống tốt hơn với mình và với đời. Cho dù chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn.


Sự nỗ lực và buông bỏ đúng lúc là chìa khóa của việc mỗi ngày tôi sống và trải nghiệm cuộc đời của chính mình chứ không phải là sống và trải nghiệm những gì mà xã hội mong muốn. Quan trọng hơn cả là một khi đã làm việc gì, tôi luôn cố gắng làm bằng cả trái tim.


Cuộc đời vốn không dễ dàng với những kẻ có năng lực, vậy nên nếu bạn có bị cuộc đời ném vào những hoàn cảnh éo le, thì đừng quên rằng đó cũng có nghĩa là bạn đang được tôi luyện để sẵn sàng cho những trải nghiệm đáng ghi nhớ trong những ngày tháng sắp tới. Nếu đau khổ, hãy cứ cho bản thân đau khổ đủ, và sau đó hãy dũng cảm đối mặt để chiến đấu nhé!

----

Bài viết này dành tặng tất cả những em học sinh vừa trải qua một kỳ thi nhiều cảm xúc trong đời. Dù kết quả có như thế nào, thì chặng đường các em đã trải qua đã nhiều vất vả rồi. Tôi chỉ mong rằng dù kết quả có chưa như ý muốn ban đầu, tất cả các em rồi đều sẽ tìm ra được điều khiến các em cảm thấy muốn hăng say phấn đấu, muốn xắn tay áo lên và không ngại gian khổ để theo đuổi mỗi ngày, một cách bền bỉ nhất.

967 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page