top of page

Cùng nhau viết một Resumé ‘stand out fit in’

Lưu ý: để tận dụng được tối đa hiệu quả thông tin bài viết này, các bạn nên vừa đọc vừa thực hành đối chiếu với Resumé hiện tại của bản thân. Bài viết được tổng hợp từ nguồn (1), (2) [link và thông tin đính kèm ở cuối bài viết], và kinh nghiệm của cá nhân tác giả. Vui lòng đọc và áp dụng có chọn lọc.


Phần 1: Resumé là gì? Resumé và CV (Curriculum Vitae) có phải là một?

Trung bình nhà tuyển dụng/người duyệt hồ sơ thường chỉ dành ra 7 giây đầu để lướt qua Resumé sau đó mới quyết định có tiếp tục xem hồ sơ của bạn hay không. Vì vậy, bạn cần chắc chắn rằng Resumé của mình tạo được ấn tượng cho người xét duyệt hồ sơ trong vài giây ngắn ngủi đó ở đầy đủ các khía cạnh như: trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, và những đặc điểm nổi bật phù hợp với những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm (1).


Thông thường, Resumé hay bị nhầm lẫn với CV (Curriculum Vitae). Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Mặc dù ở một số quốc gia Châu Âu thì CV, trong một số hoàn cảnh cụ thể, cũng có thể được dùng với ý nghĩa tương tự với Resumé khi nộp đơn xin việc. Xét về bản chất, mình có thể phân biệt ngắn gọn lại như sau (bảng so sánh cụ thể bằng tiếng Anh giữa Resumé và CV có thể xem từ nguồn số (1)):


CV (Curriculum Vitae): là bản lý lịch chi tiết đầy đủ về quá trình học tập, làm việc, và các kinh nghiệm của bạn trong suốt cả quá trình học tập và làm việc (vì vậy không giới hạn độ dài). Mục đích sử dụng chính của một CV thường để kèm vào hồ sơ cao học/làm nghiên cứu sinh/hoặc các vị trí mang tính chất học thuật/hàn lâm (academic position). Khái niệm này rất phố biến ở Canada và Mỹ.


Resumé: giống như một “lát cắt” mà trong đó bạn trình bày một cách tập trung về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn có để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có đầy đủ những yếu tố cần thiết để nhà tuyển dụng quyết định chọn bạn cho một vị trí nhất định nào đó.


Phần 2: Checklist cho một Resumé ‘stand out fit in’


1. Sử dụng bản mô tả công việc làm ‘khung’ (framework) khi bắt đầu viết Resumé

Đừng bao giờ chỉ đọc phần mô tả công việc (job description) một cách ‘lướt lướt’. Việc đầu tiên mình hay làm đó là ngồi đọc job description một lượt thật kỹ và ‘highlight’ những phần chính và quan trọng nhất trong bản mô tả công việc. Từ đó, rút ra được một danh sách những yêu cầu chủ đạo mà nhà tuyển dụng nêu ra. Sau đó, dựa vào chính danh sách các yêu cầu chủ đạo để bắt đầu đi xây nội dung cho Resumé.


Job description là danh sách những điều ước của nhà tuyển dụng, còn Resumé là những gì bạn có thể ‘offer’ cho nhà tuyển dụng. Vì vậy, nhiệm vụ của bạn làm làm cho job description và Resumé khớp nhau càng nhiều càng tốt.


Ví dụ: Job description thường sẽ đề cập rõ rệt đến 2 phần: kỹ năng cứng (chuyên môn/kỹ năng mang tính kỹ thuật) và kỹ năng mềm. Vì vậy, bạn có thể lấy hai nhóm cơ bản đó làm 2 phần chính cho Resumé. Cụ thể, phần mô tả công việc giống như một danh sách “những điều ước” mà nhà tuyển dụng muốn có được từ ứng cử viên. Vì vậy, mình cần phân tách rõ các tiêu chí vào các nhóm, sau đó đối chiếu lại xem, với từng tiêu chí ấy thì mình sẽ viết như thế nào về kinh nghiệm của bản thân để chứng tỏ được mình thỏa mãn từng tiêu chí một?

2. Vậy làm thế nào để chứng minh được cái bạn có ‘khớp’ với cái họ tìm kiếm?

Cách hiệu quả nhất là phải đưa ra được dẫn chứng để CHỨNG MINH chứ không phải chỉ đơn thuần liệt kê một loạt những thứ bạn có từ đầu đến cuối.

Khái niệm “accomplishment statement” (1) là một khái niệm hiệu quả để áp dụng vào tình huống này. Nôm na: dưới mỗi kỹ năng/ kinh nghiệm bạn liệt kê vào Resumé của mình, bạn hãy để kèm bên dưới một câu để mô tả những điều bạn đạt được như một bằng chứng chứng minh điều bạn vừa liệt kê bên trên.


Hãy áp dụng công thức STAR để đưa dẫn chứng:

S: Situation: hoàn cảnh/tình huống

T: Task: nhiệm vụ bạn đã phụ trách

A: Action: hành động/phương pháp/cách giải quyết bạn đã làm

R: Result: kết quả của bạn đạt được (nếu có thể hãy đưa vào các con số để người đọc dễ hình dung mức độ ảnh hưởng của việc bạn đạt được)

Ví dụ: Kỹ năng tổ chức sự kiện

Phụ trách lên kế hoạch và điều phối sự kiện X năm 2018 cho công ty Y tại thành phố Z, có quy mô N người tham gia, và nhận được phản hồi tích cực từ N khách hàng hậu sự kiện.


3. Kể câu chuyện của bạn để ‘stand out’ (trở nên nổi bật trong khuôn khổ):

Mình thường lục lại toàn bộ ký ức làm việc và hoạt động xã hội của mình từ lúc đi học đến hiện tại để chọn ra được những câu chuyện điển hình để ‘dịch’ nó ra thành những kinh nghiệm khớp với những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Vì những gì bạn đã trải qua, ở một hoàn cảnh cụ thể luôn luôn độc đáo, nên nó sẽ giúp bạn ‘stand out’ so với những ứng viên khác.


Đối với các nhóm kỹ năng mềm, để tránh lặp lại, các bạn có thể chú ý lọc ra những câu chuyện/ví dụ bạn đã trải qua trong quá khứ có thể nói lên nhiều kỹ năng mềm của bạn cùng một lúc. Ví dụ: với kinh nghiệm làm một ‘leader’ của bộ phận truyền thông trong một câu lạc bộ thì có thể chứng minh bạn có những kỹ năng mềm gì? (quay lại sử dụng STAR statement để phân tách ví dụ, và viết lại một cách khúc triết, rõ ràng, tập trung nhất để tránh lan man).


Phần 3: Đừng viết một Resumé dài, hãy viết một Resumé cô đọng, chú ý vào tiểu tiết và độ thống nhất (be consistent)


1. Cô đọng: độ dài của Resumé thường là 1 – 2 trang. Nếu Resumé của bạn dài đến 2 trang thì nên đẩy hết những phần quan trọng lên trang đầu tiên. Mục đích là để cho người xem hồ sơ của bạn có thể nhìn thấy tất cả những điều họ cần nhìn trong vòng 7 giây nhìn vào trang đầu tiên của Resumé. Từ đó, họ có ấn tượng tốt và sẽ dành thời gian đọc một cách kỹ càng hơn.


2. Chú ý vào tiểu tiết: Tuyệt đối đừng để sót lại những lỗi sai nhỏ nhặt như chính tả, hành văn, dấu câu, lỗi định dạng, cỡ chữ không đồng đều, font chữ khác nhau, vân vân. Phải thật khó tính với chính những gì mình viết ra trước khi gửi đi.


3. Thống nhất: về cách bạn định dạng những nội dung cùng loại trong Resumé. Ví dụ: các tiêu đề/mục chính cần được định dạng thống nhất. Các khái niệm chuyên ngành được nhắc đến cũng phải thống nhất và không được dùng mỗi chỗ một kiểu. Nên nhớ, viết Resumé khác với việc “viết sáng tạo” (creative writing), nên bạn cần chú ý cao vào độ mạch lạc của Resumé. Để người đọc cầm Resumé của bạn lên và có thể dễ dàng theo dõi mà không gặp khó khăn gì với các khái niệm và thông tin bạn cung cấp. Hoặc họ không thấy bị khó chịu vì những lỗi sai định dạng hoặc dùng từ sai cơ bản.


References:

(1) UBC Career Resources (in English): https://students.ubc.ca/career/career-resources/

(2) Let’s Talk Science Career Workshop 2020

1.081 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page