top of page

Tự học tiếng Anh (phần 1): bảy lời khuyên chung

Tiếng Anh, tiếng Anh, lại là học tiếng Anh!!!

Chúng ta đang sống ở một thời đại mà biết một thứ tiếng nhiều khi chưa đủ để chúng ta có thể mở được thêm nhiều cánh cửa cơ hội, và hơn nữa lại là những cánh cửa bước ra thế giới.


Và vì thế, ngoại ngữ xuất hiện, như một yêu cầu thiết yếu để các bạn trẻ (và cả không trẻ) chạm tới ước mơ của mình: từ đi học, đi thực tập, hay đi làm. Ngoại ngữ có thể là bất cứ thứ tiếng gì ngoài tiếng mẹ đẻ, nhưng tiếng Anh lại là ngoại ngữ phổ biến nhất cho người Việt do tính toàn cầu hóa của nó.


Trong suốt những năm qua, có rất nhiều bạn đã tìm đến tôi để hỏi về kinh nghiệm cải thiện tiếng Anh. Bản thân tôi không phải là một giáo viên dạy tiếng Anh, chứng chỉ IELTS cũng chỉ mới thi một lần năm 2016 (đạt 7.0). Nhưng từ góc nhìn của một người đã tự học tiếng Anh từ những điều cơ bản nhất, cho đến khi đi học cao học, và hiện tại đang sinh sống và làm việc sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, tôi sẽ tóm tắt lại những mẩu chuyện và kinh nghiệm nho nhỏ của tôi với ngoại ngữ này, mong rằng nó sẽ có ích cho các bạn.

Chuỗi bài này sẽ chia làm 3 phần:


Phần 1: Bảy lời khuyên chung (phần này)

1. Bắt đầu với tiếng Anh từ đâu?

Về mặt thời điểm: hãy bắt đầu bất cứ khi nào. Đừng nghĩ quá nhiều về chuyện khi nào là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu học tiếng Anh. Nếu như bạn tính toán rằng mình cần phải có thêm nhiều thời gian để tập trung học tiếng Anh, hoặc đợi đến tháng x năm y sẽ học, thì thường thường là kế hoạch đó sẽ khó có thể xảy ra. Vậy nên thời điểm tốt nhất để học tiếng Anh có thể đã qua (bạn ước mình đã chú tâm cải thiện tiếng Anh từ trước), và thời điểm tốt nhất tiếp theo là ngay bây giờ.


Về mặt nội dung: bắt đầu học tiếng Anh từ những điều cơ bản nhất để chắc chắn mình học hiểu chứ không phải học theo dạng “ôn luyện” cứng nhắc. Tốt nhất là trước khi lao vào đi mua sách vở, đăng ký khóa học, theo một lộ trình nào đó, bạn nên bình tĩnh tự đánh giá kỹ xem trình độ của mình hiện tại ở đâu cho bốn kỹ năng chính: nghe, nói, đọc, viết. Từ đó, mới đưa ra quyết định về một hành trình học dựa trên những gì mình đang có.


2. Động lực nào để học tiếng Anh?

Làm bất cứ điều gì muốn có kết quả tốt thì đều cần phải có một động lực đủ lớn. Động lực đủ lớn sẽ giúp bạn vượt qua những khoảng “nản” và khiến bạn kiên trì, cũng như tìm được niềm vui trong suốt hành trình học hỏi của mình.


Xác định thật rõ động lực: tại sao bạn muốn học tiếng Anh? Nếu có được kỹ năng sử dụng tốt tiếng Anh thì bạn sẽ có được những cơ hội nào? Hoặc đơn giản chỉ là: bạn học tiếng Anh để tạo điều kiện cho việc thỏa mãn sở thích/đam mê nào của bạn?


Quan trọng là cần kết hợp tự nhắc nhở bản thân rằng tại sao phải học ngay lúc này? Tại sao không được trì hoãn việc học tiếng Anh thêm nữa?


3. Phương pháp học nào phù hợp với bản thân bạn?

Phương pháp học đóng góp phần lớn vào việc hình thành nên lộ trình và kết quả trong việc học tiếng Anh. Nó không chỉ là vấn đề bạn mất bao lâu để học, bao nhiêu tiền để học, mà quan trọng hơn cả là bạn có thực sự sử dụng được tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 một cách tự nhiên nhất hay không.


Từ khi còn học cấp 3, tôi đã được học những thầy cô dạy tiếng Anh rất giỏi ở trường Chuyên, xung quanh tôi toàn là các bạn học tốt tiếng Anh, nhưng tôi lại rất dốt tiếng Anh. Lí do chính là vì bản thân tôi chưa chú tâm tìm ra cách học tiếng Anh phù hợp với bản thân, chưa học tiếng Anh để “hiểu”, hiểu từ bản chất của từ vựng, cách nói, cách viết. Tôi đã từng chỉ là đứa học tiếng Anh theo dạng luyện đề, một cách thụ động. Chính vì vậy, đến khi lên Đại học, tôi phải học lại từ đầu. Từ những thứ đơn giản nhất như cách chia động từ, các thì/thời trong tiếng Anh và hiểu cách sử dụng của chúng đúng theo bản chất. Mỗi nội dung tiếng Anh bạn học, hãy cố gắng tự đặt câu hỏi xem nếu phải ứng dụng từ vựng/câu/cấu trúc đó vào đời sống hàng ngày thì ứng dụng ra sao và tại sao lại như vậy?


Hiểu bản chất là chìa khóa của việc học kiến thức/kỹ năng nói chung, và học ngôn ngữ nói riêng. Vì vậy, hãy luôn luôn hỏi "what?", “why?”, và “how?” cho mỗi nội dung bạn học nhé. Hãy bỏ công sức đi tìm kiếm thông tin về những phương pháp học, sau đó lọc ra một vài phương pháp bạn thích nhất để thử. Sau một thời gian, hãy đánh giá xem phương pháp nào hợp nhất với bạn, và “dính với phương pháp phù hợp nhất đó lâu dài”.


4. Có thể tìm một người “thầy” hoặc một người “bạn” để cùng học tiếng Anh không?

Nếu điều kiện cho phép hãy tìm một “người đồng hành” với bạn trong việc học tiếng Anh. Nếu không được lâu dài, thì ít nhất hãy tìm một người thầy/hoặc một người bạn đồng hành với mình trong thời gian đầu. Điều này sẽ khiến bạn vững tâm và nuôi dưỡng được động lực nhất định để làm bàn đạp cho bạn.


Trước đây tôi cũng từng theo học một khóa học IELTS để hiểu sâu hơn về kỳ thi và tạo cho bản thân động lực, cũng như lên dây cót cho hành trình ôn thi IELTS. Khóa học đó chỉ chưa đến 6 triệu VNĐ, và đó là khóa học thêm duy nhất mà tôi học. Vì vậy, các bạn hoàn toàn không cần phải bỏ ra hàng chục triệu để theo học các khóa tiếng Anh (tuy nhiên, nếu bạn có điều kiện thì cũng tốt thôi, không sao cả).


5. Nguồn tài liệu yêu thích nào để học tiếng Anh?

Vấn đề lớn nhất về nguồn tài liệu học tiếng Anh: có quá nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, trước tiên hãy bắt đầu với những nguồn tài liệu chính thống nhất trước. Ví dụ: chọn sách học thì các bạn nên xem xét của nhà xuất bản lâu năm và uy tín (google là ra), sau đó chắc chắn là sách đó viết phù hợp với mục đích học của mình. Ví dụ: sách học tiếng Anh giao tiếp cơ bản sẽ khác với sách học IELTS Speaking.


Ngoài các tài liệu "cứng" như sách thì các bạn có thể tận dụng internet để lọc ra được một danh sách kênh học tiếng Anh yêu thích của mình (lại là google!), dưới nhiều hình thức: blog, phim bộ, album nhạc, show truyền hình, kênh Youtube, vân vân. Nhưng nên nhớ, phải kiểm tra xem chủ kênh thông tin đó có thể tin tưởng được không (cũng như mua sách cần kiểm tra nhà xuất bản có uy tín không, thì chọn website/kênh thông tin trên mạng thì cần xem xem tác giả có đáng tin không?).


Hãy chọn tài liệu gắn liền với chuyên môn và sở thích của bản thân để khiến việc học tiếng Anh có tính ứng dụng và tính giải trí cao. Như vậy thì bạn sẽ không cảm thấy “nản” khi học.


Cần tránh tin vào những “myth” và “fallacy”--những thông tin sai lệch, tài liệu không giải thích cặn kẽ, không giúp các bạn học và hiểu được bản chất của vấn đề.


6. Thực hành, thực hành, và thực hành!!!

Hãy chủ động tìm và tận dụng cơ hội để thực hành tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Tham gia các câu lạc bộ, tìm môi trường để có thể tương tác với “native speakers” hoặc những người nói tiếng Anh tốt. Học tiếng Anh thì không được nhút nhát và ngại.


Những lúc không có cơ hội tương tác hay học hỏi từ những người tốt hơn mình, thì hãy tự tạo cho mình thói quen thực hành tại nhà với chính bản thân, hoặc tận dụng những công cụ hỗ trợ miễn phí trên mạng. Tải một số app học tiếng Anh tốt như ELSA Speak hay dùng dịch vụ miễn phí của Grammarly để thử kiểm tra xem mình hay gặp những lỗi gì về nói và viết tiếng Anh? Mặc dù khi dùng những app tự động thì nhược điểm sẽ là vẫn có độ sai lệch nhất định, vì vậy cần cực kỳ tỉnh táo. Tự ghi âm bản thân nói trong vòng 2 - 5 phút về một chủ đề nhất định, nghe lại và cải thiện, vân vân.


7. Học tiếng Anh một cách bền vững

Khi mới bắt đầu học một điều gì, thời gian đầu bạn sẽ có xu hướng rất hứng thú và nhìn thấy sự tiến bộ rõ của bản thân, sau đó thì thường sẽ có cảm giác bị chững lại, và không nhìn rõ được sự tiến bộ như những ngày đầu nữa. Nếu bạn dừng lại ở đó vì cảm thấy nản, thì bạn sẽ lại tụt dốc về vạch xuất phát lúc nào không hay (về "mo" đó). Để vượt qua được “chỗ chững” đó và đi đến một trạng thái “bền vững” đòi hỏi bạn phải thật sự kiên trì và bền bỉ với việc học và thực hành.


Tất nhiên, sẽ có những giai đoạn bạn phải tập trung ôn luyện cho các kỳ thi/chứng chỉ tiếng Anh. Nhưng sau đó, cũng đừng quên là mình vẫn nên tiếp tục cải thiện và giữ cho bản thân thói quen tiếp xúc với tiếng Anh, tận dụng tất cả các kỹ năng, tạo cho mình cảm giác không bị “quên” tiếng Anh dù môi trường học tập và làm việc của mình có thế nào.


[Còn tiếp].

1.730 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page