top of page

Tự học tiếng Anh (phần 2): Lời khuyên về IELTS

Kinh nghiệm của một người đi thi tháng 12/2016, cộng thêm một vài cập nhật vào năm 2020.

Tiếp nối chuỗi bài về chủ đề “Tự Học Tiếng Anh”, nếu ai chưa đọc phần 1 thì có thể đọc tại đây, sau đó quay lại đọc tiếp phần 2 này để có một cái nhìn toàn diện hơn.

Lưu ý: đây là bài chia sẻ dựa trên kinh nghiệm tự học của bản thân mình, không phải từ góc nhìn của một “chuyên gia dạy tiếng Anh”, mong các bạn đọc và áp dụng có chọn lọc.



1. IELTS là gì?

Google có thể trả lời bạn điều này, có rất nhiều bài viết cặn kẽ về IELTS để bạn có thể có được hiểu biết sơ bộ về nó.

Mình để tạm 2 chiếc link bên dưới, để các bạn tham khảo:

Tiếng Việt (từ Wikipedia): https://vi.wikipedia.org/wiki/IELTS

Tiếng Anh (từ trang nguồn ielts): https://www.ielts.org/what-is-ielts/ielts-introduction


2. Bắt đầu với IELTS như thế nào?

Đừng bao giờ để truyền thông đánh lừa, nên tốt nhất hãy đọc và tìm hiểu có chọn lọc. Có 2 con đường thôi: Đi học luyện thi và tự luyện tại gia luôn.

Đi học: việc đi học có thể áp dụng với những bạn có, tuy nhiên không giới hạn, các đặc điểm sau:

  • Hoàn toàn đủ/ hoặc thoải mái về tài chính, thời gian để đi học;

  • Chưa có nền tảng cơ bản về tiếng Anh;

  • Không thể tự đọc và tự hiểu được những tài liệu hướng dẫn học về IELTS bằng tiếng Anh;

  • Chưa có được “tinh thần thép” trong việc tự học, thường cần môi trường và người thúc ép học;

  • Muốn củng cố sự chắc chắn về mặt tâm lí.

Khi chọn lớp học: các bạn cố gắng lắng nghe review đa chiều từ người bạn thật sự quen, tin tưởng - những người đã đi học về và lựa chọn xem nên chọn thầy/cô nào nhé. Không cần phải chạy theo xu hướng chọn những chỗ học quá nổi tiếng => dẫn đến tình trạng lớp học quá đông, hoặc quá đắt so với khả năng tài chính của bạn. Nên nhớ điều quan trọng là chọn được chỗ học HỢP với hoàn cảnh của bạn nhất.


Tự học: Tự học bất cứ điều gì chưa bao giờ là dễ dàng cả, vậy nên, những bạn xác định tự học thường có, và tất nhiên không giới hạn, một số điểm sau:

  • Không dồi dào về kinh phí, thời gian, khoảng cách đi lại từ nhà đến chỗ học không thuận lợi;

  • Có nền tảng khá tốt về tiếng Anh;

  • Có thể đọc hiểu phần lớn những tài liệu hướng dẫn học, các website bằng tiếng Anh;

  • Ý thức tự giác học tập cao, không ngại “một mình” chiến đấu;

  • Không sợ nhàm chán và “độc thoại”; vững chắc về tâm lí.

Tự học cũng giống như chơi trò mạo hiểm, nhưng từ kinh nghiệm bản thân, mình thấy tự học là hình thức bạn có thể hiểu và nghiệm ra rất nhiều thứ, chứ không phải đơn giản học để lấy band điểm cao rồi thôi. Và đơn giản, mình chọn tự học vì mình không có nhiều tiền.


3. Cần chuẩn bị những gì cho IELTS?

Tiền: Bạn cần tiền để đóng lệ phí thi, để đi học (nếu có), và nếu không đi học thì vẫn cần một khoản để mua thêm tài liệu. Ngoài ra, bạn nào muốn thi thử thì có thể thêm cả phần phí đó nữa.


Tinh thần: CỰC KÌ QUAN TRỌNG – mình sẽ đề cập chi tiết ở các phần bên dưới.


Tài liệu ôn tập: CỰC KÌ QUAN TRỌNG (AGAIN) – đừng bao giờ sử dụng quá nhiều nguồn tài liệu, hoặc nguồn tài liệu không đáng tin cậy/ không chính thống – ý tớ là nhà xuất bản nhé.


Thời gian: Cái này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ khi bắt đầu, bản thân năng lực người học, và mục đích các bạn muốn đạt được (thời gian để đạt band 6.0 sẽ rất khác với 8.0). Ví dụ: những bạn bắt đầu từ trình độ trung bình khá thì cần khoảng 3 – 6 tháng, thậm chí 1 năm; tuy nhiên trung bình các bạn có thể tăng 1 band điểm nếu dành ra 200- 240 giờ học tiếng Anh (mình google thì ra thông tin này). Ai nền tảng càng yếu thì thời gian càng dài, và nhắc lại là cũng còn tùy vào mức band điểm bạn muốn đạt được.


4. Tự học IELTS như thế nào?

Thời điểm 2016, mình có 1 tháng để ôn thi để có bảng điểm nộp hồ sơ học Cao Học ở Canada, nên đã lên mạng đọc về tự học IELTS, trên facebook thôi, link tại đây: https://bitly.com.vn/W8UdD (các bạn có thể vào đọc tham khảo, có thể nhiều nội dung đã bị lạc hậu một chút, do bài viết từ khá lâu rồi).


Cũng phải nói thêm là lúc bắt đầu ôn thi thì mình đã có nền tảng tiếng Anh rất tốt rồi (vì mình bắt đầu tự học lại tiếng Anh từ năm đầu Đại Học, tính đến lúc chính thức ôn thi IELTS cũng là 4 năm đi từ một đứa không nói nổi câu tiếng Anh một cách tự tin, chia động từ còn nhầm tùm lum đến một đứa tự tin ôn thi IELTS trong vòng 1 tháng rồi đi thi với mục tiêu ít nhất 7.0, vì nếu mà thấp hơn thì không đủ yêu cầu của khoa Lâm Nghiệp ở UBC—nơi mình học thạc sĩ).


Thực tế trong suốt 1 tháng tự ôn mình chỉ quanh quẩn với những cuốn sau:

  • Bộ Cam (Cambridge IELTS): [must know]: mình đã làm hết một lượt từ quyển 5 đến 10 ( tính đến thời điểm tháng 12 năm 2016, bây giờ đã ra đến quyển số 15).

  • Official Guide to IELTS – Cambridge: mình cũng rất thích cuốn này, tất tần tật về IELTS cho những bạn cần nắm bắt lại những thông tin và dạng bài cơ bản.

  • Grammar in Use; Collocation in Use; Pronunciation in Use; Word Skills; Academic Vocabulary in Use;

  • 31 High-scoring Formulas to Answer the IELTS Speaking Questions

  • Tips + video series của thầy Simon: tất tần tật về Writing, Reading, và Speaking; Bạn cũng có thể theo dõi các bài blog trên website: https://ielts-simon.com/

  • Lặt vặt: cập nhật đề từ các bạn đi thi thật về trong group trên FB, cũng rất có ích.


Phần lớn mình dùng sách có bán sẵn: nếu bạn nào ở Hà Nội, nguồn sách các bạn cứ ra Đinh Lễ hoặc các khu gần ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Hà Nội, chắc mình không cần nhắc lại vì những chỗ đó đều rất nổi, có đủ hầu hết các loại sách về IELTS. Một số cuốn trong số những cuốn mình kể trên thì mình được cho sách gốc, nên nếu không muốn mua các bạn có thể tìm bản mềm. Mình cũng dùng bản PDF của các sách liên quan speaking, cho vào laptop và lôi ra đọc mọi lúc mình có thời gian rảnh, các bạn có “sờ mát phôn”/ipad thì cho vào cũng tiện.


Hãy chọn 1 phương pháp chủ đạo để học và luyện cho từng kỹ năng, đừng để bị phân tán và bị loạn bởi quá nhiều nguồn tài liệu và nhiều phương pháp. Hãy chọn cái nào bạn cảm thấy hợp với phong cách học của bạn nhất (xem phần 1 để nghe lời khuyên của mình về vấn đề này).


5. Kinh nghiệm từ bản thân trong lúc tự luyện thi và trong phòng thi?


Nghe và Đọc – Listening and Reading: mình nghĩ các bạn nên có cái nhìn tổng quát về dạng bài, đọc và tham khảo tips của thầy Simon, rất hay. Rồi bắt đầu luyện đều đặn, không ngừng nghỉ cho đến khi các bạn đi thi. Hai kỹ năng này mình đều được 7.5 (mình thi tháng 12 năm 2016), không quá cao nhưng mà đủ với mục đích của mình.

Mình vẫn có một vài kinh nghiệm rút ra:

  • Phần nghe các bạn cần cực kì tỉnh táo, đặc biệt với mấy cái đáng ghét như “s”. Những dạng bài đòi hỏi các bạn tổng hợp thông tin, không thể theo dấu vết hoặc “keywords”, thì lúc làm đến phần đó hãy cố gắng nhớ nội dung câu hỏi, và rồi đừng nhìn chằm chằm vào tất cả đáp án, hãy để mắt bạn nhìn vào một điểm nào đó cố định (tùy bạn), mà khiến bạn cảm thấy có thể tập trung 100% nghe xem người ta nói cái gì, từ đó chọn câu trả lời. KHÔNG được bấn loạn, nếu lỡ không nghe được 1 – 2 câu nào đó thì bỏ qua nó luôn, đừng để bị “hiệu ứng domino” là chết dở (tập trung vào những câu bị lỡ thì sẽ bị lỡ cả loạt về sau).

  • Phần đọc thì cứ bình tĩnh mà làm nhưng cũng nên tính toán kỹ thời gian chút. Những câu có danh từ riêng có thể dùng làm dấu vết rõ ràng thì các bạn có thể đẩy nhanh tiến độ với những câu đó. Mình làm hơi đủng đỉnh quá nên cuối cùng lại bỏ phí mất những câu dễ như vậy.

Luyện nghe và đọc về cơ bản phải học theo thiên hướng hiểu chứ không phải học mỗi mẹo, vì chẳng có mẹo nào giúp bạn được nếu bạn không hiểu họ đang nói gì, hoặc họ đang viết gì.


Khi bắt đầu các phần thi, các bạn làm theo chỉ dẫn nhé, tránh gặp rắc rối, check tai nghe thật kĩ và thử điều chỉnh âm lượng sao cho phù hợp với tai mình. Đừng để âm lượng quá to cũng không tốt, vì nó dễ khiến mình cảm thấy bị mệt khi nghe về cuối bài.


Viết - Writing

Dạng bài và tips mình thấy của thầy Simon rất hay, các bạn Google là ra. Tốt nhất nên học và kiếm người chữa bài cho mình nếu các bạn không đi ôn luyện ở đâu. Hãy học chắc grammar nếu không muốn bị điểm writing thấp nhất trong 4 sub-scores như mình – một đứa cực lười học grammar. :v may mà vẫn đủ yêu cầu của trường mình nộp hồ sơ.

Cố gắng viết đơn giản, rõ ràng, mạch lạc.


Trong khi thi: Tuyệt đối đừng cứ 2 phút lại nhìn lên đồng hồ đếm ngược như mình đã làm. chẳng hiểu sao mình lại bị tinh thần “sợi bún” như vậy, có lẽ do mình quá áp lực.

Thời gian thi writing là lúc các bạn thi xong listening và reading rồi, đầu đang cực căng và mệt, nếu bạn nào làm 2 phần trước chán thì cũng kệ hết đi và nghĩ về em writing thôi nhé!


Đọc thật kỹ đề và đảm bảo mình hiểu rõ, nhận dạng rõ loại đề rồi, bắt tay vào lập dàn ý thật nhanh (phần này series của thầy Simon dạy cực kỹ và có ví dụ minh họa rất dễ hiểu).


Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc phân bố thời gian cho từng Task, không được để thiếu các phần của essay và đừng quên nhắc bản thân về các tiêu chí chấm điểm trong writing. Mình đã làm lỗi một trong số những điều trên nên mình muốn nhấn mạnh để các bạn đừng mắc phải.


Nói - Speaking

Phần này từ khâu tìm tài liệu ôn, đến lúc 1 tháng ngồi nhà tự ôn, với mình cảm giác “mông lung như một trò đùa”, cơ bản vì tài liệu cho speaking không cố định và cũng rất khó vì nó cập nhật liên tục.


Tuy nhiên, mình thấy cuốn “31 High-scoring Formulas to Answer the IELTS Speaking Questions” rất hay, và tips của thầy Simon xin phép không cần phải khen thêm. Mình đã kiên nhẫn đọc và mình vỡ ra được nhiều điều, giết chết được cảm giác sợ phần thi speaking, vì mọi người toàn đồn nhau bảo nói phải có idioms, nhiều từ vựng cao siêu này kia.


Khi nắm rõ dạng của từng phần trong IELTS speaking rồi, các bạn bắt đầu phân thành các chủ đề chính mà họ có thể đề cập, nói chung cái gì cũng có thể đem ra hỏi được. Nhưng có một điều các bạn nên nhớ: gần như 99% câu hỏi giám khảo đưa ra đều sẽ liên quan đến cùng 1 thứ đó chính là BẢN THÂN BẠN, nên mình khuyên các bạn đừng bao giờ sợ là không biết nói cái gì cả. Người ta sẽ hỏi tất cả những thứ:

  • Về bạn

  • Bạn đã trải qua

  • Quan điểm của bạn như thế nào về một sự việc/hiện tượng nào đó

Thế nên lúc ôn speaking mình toàn chọn câu trả lời liên quan đến những cái mình đã có trải nghiệm rồi, thế là mình kể chuyện cho examiner nghe vô tư; đừng cố đi học thuộc bài trả lời viết sẵn của người khác. Đừng sợ, quan trọng là phản xạ của bạn như thế nào, đừng cố gắng phải dùng từ đao to búa lớn, hay nhét vào đầu hàng tá idioms làm gì cả. Càng cố phức tạp, càng sai.


Lúc đi thi của mình: mình không run, vì từ lúc đi vào phòng, mình đã giữ được tâm thế như khi đang nói chuyện và trao đổi chứ không phải “hỏi cung” hay “bài thi định mệnh”.

Số lượng câu hỏi khá nhiều, mình còn không thể nhớ hết vì tốc độ hỏi rất nhanh. Bình quân part 1 và 3, mỗi part bị hỏi từ 7- 10 câu gì đó, liên tiếp. Part 2 thì mình nói khoảng 1.5 phút hoặc hơn chút thôi, chuyển sang part 3.


Lúc thi xong mới nhớ ra là có thể dùng khoảng 2 idioms trong bài mà vì trong phòng nên nói chuyện theo thói quen rất tự dưng, không nhét idioms, mình còn kể với ổng là mình thích handwriting vì mình hay viết thư tình các kiểu. Kết quả thì speaking của mình được 7.0 và mình không dùng bất cứ cái gì phức tạp hay nặng đô như các bạn vẫn đồn đâu.


Tắt máy ghi âm đi rồi examiner và mình còn nói chuyện vài câu rồi mình mới ra về. Túm lại theo mình thì speaking các bạn cứ chọn lấy điểm mạnh của mình trong số những tiêu chí mà giám khảo dùng đánh giá, từ đó phát huy. Ví dụ, bạn mạnh pronunciation, vocab, fluency, mà grammar chưa chuẩn mực lắm thì cũng chả sao cả, cứ tự tin khoe cá tính nhé :D


Chốt: IELTS không phải cái gì quá đáng sợ và ghê gớm, mặc dù đa số thi xong rồi mới thấy thế. Với cá nhân mình, học cái gì cũng cần hiểu, nên mình cứ chọn một phương pháp hợp rồi nghiền ngẫm. Xác định mục tiêu rồi thì cứ thế mà chiến thôi.

P.S: Vẫn xem phim, đi chơi các kiểu con đà điểu nhé. Không cần phải nghiêm trọng hóa vấn đề quá. Lúc nào thấy chán quá hay mệt thì nghỉ một hôm cũng chả chết ai, nhưng đừng chán tận 4-5 hôm liền là được.

Chúc các bạn vui vẻ với IELTS.


[Phần 3 sẽ là phần mình viết về học 4 kỹ năng chính cho những bạn không có nhu cầu thi IELTS, nhưng vẫn muốn cải thiện tiếng Anh/học thêm để dùng với mục đích giao tiếp thông thường, sẽ gồm cả một số kênh mà mình yêu thích để duy trì sự tương tác với tiếng Anh].

1.778 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Opmerkingen


bottom of page