top of page

Back to school - cùng nhau ôn lại những điều quan trọng mùa tựu trường

Hôm nay cô em gái của tôi chính thức trở thành sinh viên. Tôi và em gái cách nhau 8 tuổi nhưng lại xưng hô “tớ” và “bạn nhỏ” chứ chuyện gọi “chị - em” hình như chưa bao giờ có trong ký ức của hai đứa. Hôm trước chúng tôi nhắn tin qua lại, cô gái nhỏ tỏ rõ sự hồi hộp và tò mò về giảng đường Đại học. Tôi chỉ bảo rằng: “đang có nhiều điều hay ho chờ bạn nhỏ ở phía trước”.

Nhân dịp câu nói của tôi vẫn còn nóng hổi, tôi mượn cớ này để gửi gắm 5 điều nhân mùa tựu trường, cho em gái tôi hoặc cho tất cả những bạn sẽ quay lại giảng đường vào mùa thu này. Năm điều đã rất quen thuộc nhưng chưa bao giờ là dễ dàng để thực hiện một cách xuyên suốt và bền bỉ.

𝑨𝒄𝒂𝒅𝒆𝒎𝒊𝒄 𝒑𝒆𝒓𝒇𝒐𝒓𝒎𝒂𝒏𝒄𝒆: GPA—Grade Point Average: nôm na là điểm tích lũy/điểm tổng kết

Ngày còn đi học, tôi luôn nghĩ GPA cao là để dành được học bổng của nhà trường vào mỗi kỳ học, mục đích trước mắt ngay khi đó là để đỡ đần Bố, Mẹ chuyện tiền học phí. Nhưng nhìn xa hơn, thì GPA cao đã mang lại cho tôi rất nhiều lợi thế về sau. Tôi còn nhớ như in lần giáo sư của tôi hỏi về bảng điểm GPA Đại học (lúc đó, tôi là sinh viên năm cuối). Tôi in bảng điểm mới nhất ra và đem đến văn phòng của giáo sư. Giáo sư nhìn vào và cười “Wow, pretty much all A, huh?”. Đó là ấn tượng đầu tiên trước khi giáo sư lấy bút đỏ và khoanh cận vào những môn chuyên ngành.


Vậy mới nói, tổng điểm GPA là rất quan trọng, nhưng những môn chuyên ngành lại càng quan trọng hơn. Theo góc nhìn của tôi, các môn chuyên ngành tôi luôn cố gắng học thực sự chú tâm và ham tìm tòi, đọc hiểu bản chất để nắm vững và vận dụng được kiến thức vào thực hành, thì việc được điểm cao môn chuyên ngành đó sẽ là một hệ quả tất yếu.

Chẳng thế mà cứ môn nào phải học thuộc lòng nhiều là tôi mém rớt xuống điểm B. Mặc dù khi xưa học chuyên văn nhưng mỗi khi nói là “tớ chưa bao giờ ngồi đọc thuộc lòng thơ hay trích dẫn văn xuôi, tớ tự nhớ lúc nào không hay” thì ai cũng bảo tôi nói phét. Haha.


Vì vậy, bí quyết để được GPA cao là “học phải hiểu cặn kẽ, thì tự khắc sẽ được A” (à cộng thêm việc chịu khó chú ý quan sát phong cách dạy và chấm bài của giáo viên một chút nữa là okela nhé).


𝑨𝒄𝒂𝒅𝒆𝒎𝒊𝒄 𝒑𝒐𝒕𝒆𝒏𝒕𝒊𝒂𝒍/𝒔𝒌𝒊𝒍𝒍𝒔: Nghiên cứu khoa học/hoạt động mang tính chuyên ngành

Từ việc bạn học tốt kiến thức và các môn chuyên ngành theo yêu cầu trên giảng đường, hãy tiếp tục chủ động “dấn thân” đào sâu thêm để phần nào ứng dụng những điều đã được học. Đơn giản nhất là tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học càng sớm càng tốt để nâng cao các nhóm kỹ năng chuyên ngành (đặc biệt đối với các bạn theo khối ngành khoa học, sau này có hướng muốn xin học bổng research-based).

Nếu không phải hoạt động nghiên cứu khoa học thì hãy tìm kiếm những hoạt động ngoài giảng đường nhưng có liên quan đến chuyên môn để các bạn có cơ hội thử thách bản thân và vận dụng những kiến thức học trên giảng đường vào một dự án gần với thực tế hơn, “đời thường” hơn nhưng mang tính ứng dụng thực tiễn nhiều hơn.


𝑵𝒆𝒕𝒘𝒐𝒓𝒌𝒊𝒏𝒈: chủ động kết nối và tạo ấn tượng với thầy cô, và cả những người bạn/anh chị một cách chân thành nhất bằng chính sự cống hiến và nhiệt thành của mình.

Nếu đi học trên giảng đường bạn có cơ hội học một môn học bạn thấy hăng say và có thể học rất tốt thì hãy không ngần ngại tương tác, đặt ra thật nhiều câu hỏi cho giảng viên/giáo sư dạy môn học đó. Đặc biệt với những bạn có cơ hội tiếp xúc với các giáo sư đang giảng dạy ở các trường Đại học trên thế giới thì các bạn nên nắm lấy cơ hội để kết nối và lưu lại ấn tượng tốt đẹp. Việc kết nối nên xuất phát từ sự nhiệt thành và cầu thị của bản thân bạn, vì điều đó sẽ duy trì được sự kết nối bền vững hơn. Với những bạn muốn xin học bổng sau khi tốt nghiệp, thư giới thiệu từ chính những người bạn tạo được kết nối khi còn đi học sẽ trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng khiến hồ sơ của bạn “stand out” so với những ứng viên còn lại.


𝑭𝒐𝒓𝒆𝒊𝒈𝒏 𝒍𝒂𝒏𝒈𝒖𝒂𝒈𝒆𝒔—ngoại ngữ

Tôi đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong các bài viết khác nhau trên blog. Hồi còn học Đại học, tiếng Anh giao tiếp tốt và tự tin là một thế mạnh giúp tôi cạnh tranh với những ứng viên khác trong những lần tôi nộp hồ sơ. Mặc dù cho tới tận khi chuẩn bị cho hồ sơ thạc sĩ năm 2017, tôi mới chính thức thi IELTS, nhưng trước đó tất cả các chương trình tôi nộp hồ sơ đều phải trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh, nên đây cũng là điều tôi chú tâm rèn luyện suốt những năm học Đại học.

=> Đọc thêm về các tips học tiếng Anh hiệu quả Moon đã viết ở đây: https://www.moonloonie.com/post/tự-học-tiếng-anh-phần-3-lời-khuyên-theo-nhóm-kỹ-năng


𝑳𝒆𝒂𝒅𝒆𝒓𝒔𝒉𝒊𝒑 𝒔𝒌𝒊𝒍𝒍𝒔—kỹ năng lãnh đạo (ví dụ: tham gia/ tổ chức hoạt động và chạy dự án cho câu lạc bộ ở trường Đại học)


Tôi tham gia tổ chức hoạt động và chạy dự án cho câu lạc bộ ở trường Đại học xuyên suốt 4 năm Đại học. Điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các bạn nên biết chọn lọc những hoạt động ngoại khóa mà các bạn tham gia. Đồng ý là một mặt các bạn phải tìm được tổ chức/câu lạc bộ hội nhóm tạo cho bạn cảm giác “gia đình thứ 2”, tạo cho bạn cảm giác muốn gắn bó và cống hiến, hãy giữ vững tinh thần đó vì nó rất quan trọng. Nhưng mặt khác, hoạt động hoặc tổ chức đó cũng cần phải đáp ứng được việc tạo cho bạn môi trường và cơ hội học thêm được những kỹ năng mới, chứ không chỉ đơn thuần mài rũa những kỹ năng đã có sẵn.


Hồi xưa còn đi học, nhiều lần tôi chỉ cảm thấy muốn làm một số nhiệm vụ nhất định vì đã biết làm tốt những việc đó sẵn rồi, nên đôi khi cảm thấy rất ngại nếu phải thử một nhiệm vụ mới. Nhưng chính sự khó chịu khi học làm một nhiệm vụ mới toanh mới lại là điều khiến bạn bồi đắp kỹ năng của bản thân, và trở nên khác biệt giữa một rừng người ai ai cũng tham gia hoạt động ngoại khóa đó.

820 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page