top of page

Tự học tiếng Anh (phần 3): lời khuyên theo nhóm kỹ năng

Trong một thế giới hoàn hảo, có lẽ chúng ta sẽ tìm được tất cả những gì chúng ta cần để học một điều gì đó ở cùng một chỗ, và tất cả đều là những tài liệu và lời khuyên chất lượng. Nhưng thế giới thực thì lại không hoàn hảo như thế (như bạn có thể đã nhận ra). Vì vậy, phần 3 của chuỗi bài “tự học tiếng Anh” sẽ là nơi mình nỗ lực tổng hợp lại một bức tranh toàn cảnh nhất có thể về việc học tiếng Anh cho các bạn không cần đi thi các kỳ thi lấy chứng chỉ, nhưng vẫn muốn túc tắc học tiếng Anh, cải thiện tiếng Anh, và sử dụng tiếng Anh với mục đích trong công việc và cuộc sống.

Lưu ý: đây là bài chia sẻ dựa trên kinh nghiệm tự học của bản thân mình, không phải từ góc nhìn của một “chuyên gia dạy tiếng Anh”, mong các bạn đọc và áp dụng có chọn lọc.

Sơ đồ tự học tiếng Anh cơ bản do mình tự chế (giải thích cụ thể ở phía dưới):

1. Ngữ pháp

Ngữ pháp giống như khung xương của một ngôn ngữ. Để có thể sử dụng được một ngôn ngữ một cách chủ động và linh hoạt, không đơn thuần chỉ là hiểu một cách thụ động, thì ngữ pháp là nền móng cần được củng cố vững chắc. Ngữ pháp gồm có rất nhiều yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, những phần cơ bản thường gặp mà ai cũng cần tìm hiểu bao gồm một số chủ đề như: thì/thời trong tiếng Anh; các loại từ (ví dụ: danh từ/động từ/tính từ/trạng từ); các loại câu/cấu trúc câu (ví dụ: câu điều kiện, câu ước, v.v.); và rất nhiều quy tắc/chủ đề khác (ví dụ: quy tắc sử dụng giới từ; mạo từ; v.v.). Ở phần này, mình đặc biệt lưu ý đến 2 vấn đề bao gồm: cấu trúc và cách sử dụng.


Lộ trình & phương pháp: Thường khi nhắc đế ngữ pháp, mọi người chỉ nghĩ tới việc phải học thuộc làu hết các công thức. Tất nhiên, học ngữ pháp đồng nghĩa với việc phải ghi nhớ rất nhiều. Nhưng để ghi nhớ một cách “tự nhiên” và bền vững nhất thì cần phải hiểu được cách sử dụng (tại sao lại dùng cấu trúc đó mà không phải cấu trúc khác trong một văn cảnh cụ thể?). Ví dụ: khi học các thì trong tiếng Anh, mình hay sử dụng cách liên tưởng theo trục thời gian để kết nối các thì với nhau, hiểu được bản chất của từng thì một trước khi xem và nhớ cấu trúc của mỗi thì. Hình bên dưới là một ví dụ để có thể giúp mình có một bức tranh tổng quát về các thì cơ bản, chia nhóm các thì ra theo thực tế các mốc thời gian trong cuộc sống của chúng ta: quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ đó, mình vận dụng để phát triển thành một bảng ghi nhớ cho bản thân, kèm theo các công thức cần nhớ cho mỗi thì:

Sau khi đã có được bức tranh tổng quát về những gì mình cần học về ngữ pháp, hoặc một chủ đề cụ thể của ngữ pháp, hãy hỏi bản thân một câu đơn giản thôi: bây giờ nếu mình muốn viết/nói được một câu để diễn đạt một ý nhất định thì mình sẽ cần những thành phần gì? Và sẽ áp dụng khía cạnh ngữ pháp mình đang học như thế nào?

Làm thật nhiều các bài tập ngữ pháp theo chủ đề, với mỗi câu hỏi dù mình làm đúng hay sai thì cũng phải xem xét thật kỹ TẠI SAO đúng hoặc sai. Ví dụ: tại sao mình dùng hiện tại đơn để nói một câu nào đó mà không phải hiện tại tiếp diễn? Tại sao mình dùng cấu trúc A mà không dùng cấu trúc B?


Công cụ: cẩm nang “English Grammar in Use”

Tài liệu để học ngữ pháp không hề thiếu, nhưng với bất kỳ ai muốn học ngữ pháp mình đều gợi ý sử dụng “English Grammar in Use”—là quyển sách gối đầu giường. Hãy bắt đầu từ cuốn này vì sách có chia theo chủ đề ngữ pháp, sau mỗi phần lại có bài tập để thực hành luôn. Thế thôi không cần mua nhiều sách về grammar quá đâu. Ngoài ra các bạn có thể vận dụng linh hoạt việc đọc một tài liệu tiếng Anh từ đó học cách sử dụng ngữ pháp/sử dụng cấu trúc câu trong một văn cảnh cụ thể. Nhìn vào một đoạn văn bạn có thể phân tích được các cấu trúc câu họ sử dụng không? Có thể phân tích được thành phần ngữ pháp của một câu bất kỳ trong đoạn văn đó hay không?


2. Từ vựng


Lộ trình & phương pháp & công cụ (viết lẫn luôn vì nếu tách thì hơi bị lặp)

Đừng tốn tiền mua những thứ “fancy” như là bộ thẻ học từ, vân vân và mây mây (nhìn thì đẹp nhưng phủ bụi trên giá sách cũng rất nhanh). Hãy bắt đầu với một cuốn từ điển tốt để học từ vựng. Mình khuyên các bạn nên chọn mua một cuốn từ điển Anh-Anh thật tốt, nếu bạn nào chưa dùng Anh-Anh được ngay thì có thể sắm thêm một quyển Anh-Việt (hoặc là dùng từ điển điện tử Anh-Việt, tải app cho tiết kiệm để hỗ trợ việc tra nghĩa khi đọc từ điển Anh-Anh).


Cách dùng từ điển cho đúng và hiệu quả: đừng bao giờ sai lầm ở chuyện chỉ dùng từ điển để tìm nghĩa của từ (hầu hết mọi người chỉ chăm chăm nhìn xem nghĩa từ A là gì trong tiếng Việt rồi thôi). Trên thực tế, từ điển có thể cho bạn những thông tin cần thiết sau:

  • Phát âm của từ (được ký hiệu bằng phonetic symbols—ký hiệu ngữ âm quốc tế (tìm hiểu tại đây: https://bit.ly/2E6iYTW). Phát âm là phương diện cực kỳ quan trọng để giúp bạn nghe và nói tốt (mình sẽ viết chi tiết ở phần Nghe và Đọc bên dưới).

  • Nghĩa của từ (và loại từ luôn: danh/động/tính/trạng)

  • Ví dụ/hoặc cách sử dụng (tùy vào mức độ chi tiết của từ điển bạn có).

Một số từ điển còn có thêm các chú thích như mức độ phổ biến của từ đó trong đời sống: rất phổ biến (nằm trong 3000 từ thông dụng); khá phổ biến; hiếm gặp; v.v.

Như vậy, với một cuốn từ điển tốt, bạn có thể học được đầy đủ khía cạnh của từ vựng. Từ đó, tổng hợp từ vựng theo trường từ vựng (cùng chủ đề) và vận dụng nó để kết hợp với cấu trúc ngữ pháp bạn đã tổng hợp được => tạo thành một câu. Qua thời gian, vốn từ vựng của bạn sẽ tăng dần nếu bạn chăm chỉ nghe và đọc.

Mình để tạm ở đây vài nguồn từ điển để các bạn tham khảo:

  • Macmillan English Dictionary (online: https://bit.ly/3ggXWio)

  • Oxford English Dictionary (online: https://www.oed.com/)

  • Từ điển Anh-Việt xưa nay mình vẫn tin dùng Lạc Việt (có app cho điện thoại)

Vậy là đã xong 2 phần cơ bản (1) ngữ pháp và (2) từ vựng để làm nền cho việc bạn cải thiện 4 kỹ năng. Dựa trên hai phần (1) và (2), khi nhìn vào 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, thì các bạn sẽ nhận thấy rằng nghe và đọc là dạng kỹ năng thụ động (dễ luyện một mình, và cũng là cặp kỹ năng ít bị mọi người sợ hơn); còn nói và viết là dạng kỹ năng chủ động (khó để luyện hơn, hành trình vì thế gian nan hơn). Tuy nhiên, ở đây mình sẽ ghép thành 2 cặp kỹ năng, ở mỗi cặp sẽ gồm một kỹ năng thụ động và một kỹ năng chủ động, tương hỗ lẫn nhau.


3. Nghe – Nói

Nghe và nói là cặp kỹ năng có liên quan mật thiết với nhau vì nó có một điểm chung lớn đó là PHÁT ÂM. Tạm để sang một bên các yếu tố như: độ hiểu biết về từ vựng, cấu trúc câu, và ý tưởng diễn đạt. Phát âm là một yếu tố quan trọng quyết định bạn có nói tốt và nghe tốt hay không. Nếu bạn phát âm sai một từ đồng nghĩa với việc bạn không thể nghe ra nổi từ đó nếu người đối diện bạn (hoặc người đang nói trên tivi, đài, v.v.) phát âm nó đúng (nôm na: ông nói gà, bà nói vịt). Dưới đây mình sẽ đề cập đến lộ trình, phương pháp, và công cụ cơ bản bạn nên có để phát triển tốt hai kỹ năng này:


Lộ trình & phương pháp

Bắt đầu với ký hiệu ngữ âm (phonetic symbols, mình đã đề cập ở phần nói về từ điển bên trên). Nó giống như học đánh vần trong tiếng Việt (dù chả giống lắm nhưng nói ví dụ thế cho dễ hình dung nhé). Ký hiệu ngữ âm giúp bạn biết cách tự phát âm một từ khi nhìn vào từ điển, tạo gốc chắc cho việc luyện phát âm. Nhấn trọng âm của từ có nhiều hơn một âm tiết cũng rất quan trọng, vì nó sẽ góp phần tạo nên ngữ điệu bên cạnh ngữ điệu chung của cả câu mà bạn nói ra (câu hỏi, câu khẳng định, hay câu cảm thán).

Khi làm quen được với ký hiệu ngữ âm, khẩu hình phát âm cho mỗi âm, bạn sẽ tăng được khả năng nghe của mình lên vì bạn đã có được một nhận định đúng về phát âm của từ. Vì vậy, mình mới nói là học ngữ nghĩa và phát âm cần song song với nhau ở phần (2) từ vựng.


Công cụ:

  • Sách học phát âm: English Pronunciation in Use (https://bit.ly/32dNmUi)

  • Tận dụng các bài nghe/mẩu tin/videos bạn thích trên Youtube bằng tiếng Anh để tạo cho bạn cảm giác “exposed” với ngôn ngữ này (chưa cần hiểu cũng ok); nghe đến lúc nào hiểu thì sẽ cảm thấy rất sướng đó.

  • Nghe nhạc: cái này phải nhấn mạnh rằng nên nghe những bài nhạc đơn giản, RÕ LỜI (chứ không thì mải nghe nhạc quá rồi phiêu thì không có tác dụng). Ví dụ: một bài đơn giản như “Everyday I Love You” của Boyzone nè, cực kỳ dễ nghe, có thể nghe lại nhiều lần đến khi thuộc lời thì hát cho người yêu/vợ/chồng nghe cũng ok (hehe).

  • Xem phim: nhiều bạn nghĩ cứ xem phim là auto lên level nhưng thực ra nếu chưa có một trình độ nhất định thì xem phim khó mà có tác dụng lắm. Có thể bắt đầu xem từ phim hoạt hình (again, là thể loại nói rất chậm và rõ lời, tắt phụ đề đi nhé). Sau đó khi đã có khả năng nghe ổn ổn hơn rồi thì xem mấy bộ sitcom kinh điển như “The Big Bang Theory” hay “Friends”, rất vui và hài. Bạn nào thích nghe Podcast thì tìm những series trên Spotify nghe, gần đây mình có nghe “The Michelle Obama Podcast” và “Conan O’Brien Needs A Friend”. Hoặc xem các stand-up comedy shows để luyện nghe, và cũng để học được phong thái tự tin pha hài hước của các nghệ sĩ hài (ahihi).

  • Level cao hơn nữa thì mình luyện nói với người bản xứ hoặc với các bạn tốt tiếng Anh trong lớp học/câu lạc bộ một cách thường xuyên; nếu có bạn là người bản xứ thì mạnh dạn nhờ bạn sửa phát âm và cách diễn đạt khi nói cho mình, và học cách diễn đạt/nói từ bạn. Cách này thì kết hợp luyện nghe và nói cùng lúc luôn đó. Tự tin hỏi, tự tin sửa sai nhé.

4. Đọc – Viết:

Mình muốn mượn câu nói nổi tiếng của Stephen King khi nói về hai kỹ năng đọc và viết: “If you want to be a writer, you must do two things above all others: read a lot and write a lot.”


Lộ trình & phương pháp & công cụ

Đọc thật nhiều và viết thật nhiều là chìa khóa của việc thành công trong hai kỹ năng này. Nếu bạn nghĩ lại từ đầu bài viết đến bây giờ, thì bạn sẽ thấy chúng ta đã gom nhặt đủ tất cả các thành phần từ nhỏ đến lớn để có thể đọc hiểu và viết một cách hiệu quả:

Học ngữ pháp chắc + học cách dùng từ => xây dựng hiểu biết để đọc hiểu => học cách diễn đạt một ý bằng nhiều cách từ các bài đọc => vận dụng vào việc viết bài của mình.

Đọc hiểu thì hãy chắc chắn là đọc và HIỂU. Khi đọc mà không hiểu một từ nhưng hiểu ngữ cảnh thì có thể nhìn nhận được nghĩa của cả câu, hoặc cả đoạn, sau đó hãy đi tra từ (quay lại vận dụng cách dùng từ điển hiệu quả mình đã nêu bên trên nhé). Sau đó kiên trì thì sẽ đọc tốt thôi.


Viết là kỹ năng cần luyện nhiều nhất và cần phải bền bỉ nhất trong các kỹ năng. Viết xây dựng trên nền tảng ngữ pháp vững chắc. Tập viết đơn giản trước, không cần quá phức tạp cao siêu (tuy nhiên cần tránh lặp lại duy nhất một cấu trúc câu liên tiếp nhiều lần => quá nhàm chán). Bên cạnh lỗi ngữ pháp thì lỗi diễn đạt trong khi viết rất dễ gặp phải và khó để nhận biết (do mình không phải người bản xứ). Vì vậy, cần có những người có chuyên môn tốt hoặc bạn bè người bản xứ xem hộ để tìm ra những câu diễn đạt “ngô nghê” hoặc “buồn cười” để sửa lại cho phù hợp.


Bổ sung vào phần sách grammar thì mình để ở đây 3 cuốn sách học viết (writing) nho nhỏ nhưng có võ để mọi người tham khảo (2 cuốn sau thiên về academic writing, nhưng mà thực sự học cách tư duy của academic writing để vận dụng vào viết báo cáo, bài luận ở đại học/cao học là cực kỳ tuyệt vời):

  • The Elements of Style (William Strunk Jr.)

  • How to Write A Lot (Paul J. Silvia)

  • Write It Up (Paul J. Silvia)

Kết: Vậy là chuỗi bài “Tự học tiếng Anh”, với 3 phần, đã kết thúc. Thực ra mình cảm thấy chỉ với 3 bài viết tất nhiên chưa đủ để đụng đến mọi khía cạnh của việc tự học tiếng Anh. Mình cố gắng đề cập đến những điều căn bản nhất và đưa ra những “nguyên lý” mà mình đã học hỏi từ nhiều nguồn cũng như tự đúc rút ra được để các bạn có thể tham khảo thêm. Mình mong rằng chuỗi bài viết của mình sẽ phần nào truyền thêm động lực, cung cấp thêm góc nhìn cho các bạn về việc tự học Tiếng Anh (nó khó nhưng không phải là không thể). Cuối cùng, mình chỉ muốn nói rằng: học bất cứ điều gì cũng không nên sợ sai, có sai thì mới có tiến bộ. Việc học thú vị chính là ở chỗ càng học càng thấy mình biết ít, vì nếu biết hết rồi thì học làm gì nữa (hehe). Chúc các bạn tận hưởng hành trình cải thiện tiếng Anh nhé!


Bài viết được lấy cảm hứng từ cuộc nói chuyện với anh Bap Xao về trải nghiệm tự học tiếng Anh (thank you!).

2.181 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page